BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bỏ mía trồng mì trên đất triền trảng: “Lợi bất cập hại”

Cập nhật ngày: 17/04/2011 - 08:07

Mưa lớn, rẫy mì bị ngập nước làm lá mì bị úa vàng, cây còi cọc, chậm phát triển

Hiện nay do giá mì đang tăng cao, người trồng mì lại bán được cả củ, cây và gốc mì, nhất là việc thu hoạch, bán mì rất thuận lợi nhanh chóng, người trồng mì chỉ cần bàn bạc thống nhất giá cả là thương lái trả đủ tiền và sau đó tự thu hoạch. Ngay khi cây mì còn non, củ mì còn nhỏ đã có lái đến gợi ý hỏi mua. Trồng mì “hấp dẫn” như vậy, nên hiện nay đã có một số người dân có đất triền trảng cày bỏ gốc mía để trồng mì.

Ông Nguyễn Văn Anh ở xã Tân Hội, huyện Tân Châu cho biết: Gia đình tôi có 7 ha mía trên đất triền trảng, nếu thu hoạch sớm kịp thời vụ thì mía của tôi đạt năng suất 90 tấn/ha. Nhưng để kéo dài, thu hoạch chậm trễ, mía bị khô héo, năng suất chất lượng giảm quá nhiều, còn phải đi lại gặp gỡ, đề nghị nhiều nơi, phiền hà quá… tôi buồn bực, cày bỏ gốc mía để trồng mì và cao su. Ông Trần Văn Như cũng ở xã Tân Hội, có 3 ha mía đất triền trảng, mới thu hoạch mùa hai và ông cũng đã cày bỏ và trồng mì. Có thể vì ham lợi nhuận cao nên không ít người dân ở các địa phương trên địa bàn huyện Tân Châu có đất ở triền trảng đã cày bỏ gốc mía, hoặc không trồng mía và chuyển sang trồng mì. Ông Nguyễn Văn Minh cán bộ nông nghiệp xã Tân Hội cho biết: Hiện nay ở xã Tân Hội đã có khoảng 300 ha đất triền trảng thấp trồng mía nhưng người dân đã chuyển sang trồng mì và cao su.

Hiện nay thời tiết mưa nắng rất thất thường, hai cơn mưa lớn vừa qua ở xã Tân Hội và một số địa phương khác, đã làm ngập nước các rẫy mì trồng trên đất triền trảng. Chúng tôi đi khảo sát thì thấy có rẫy mì nước ngập xâm xấp, những rẫy mì giáp dưới trảng thì nước ngập nhiều. Chúng tôi đi vào trong rẫy mì phải bỏ giày dép và chân lún sâu xuống đất. Một số gia đình đã phải thuê nhân công móc rãnh, đào mương để thoát nước, có gia đình thuê kobe móc mương thoát nước xung quanh rẫy mì. Gặp ông Trần Văn Điệp ở xã Tân Hội đang tỏ vẻ lo lắng, đi lại, chỉ chỏ, hướng dẫn cho máy kobe móc mương, chúng tôi hỏi: Mới có cơn mưa lớn đầu mùa đã bị ngập nước thế này cây mì chịu sao nổi, về mùa mưa mưa lớn kéo dài, trảng bị ngập đầy nước thì rẫy mì của ông nước thoát đi đâu? Ông Điệp thở dài nói: Cứ tưởng năm nay ít mưa, ai ngờ mưa quá sớm, lại mưa lớn vậy… Thực tế mới có mấy ngày rẫy mì của ông đã có nhiều cây mì lá đã bị uá vàng, còn cây mì còi cọc không phát triển.

Một cán bộ khuyến nông của huyện Tân Châu nói với chúng tôi: Cây mì chỉ thích hợp trồng trên đất cao, cần có độ ẩm vừa đủ, mùa mưa phải thoát nước nhanh. Nếu để cây mì bị ngập nước từ hai đến ba  ngày trở lên là đất bị sủi phèn và làm cây mì bị úa lá vàng, còi cọc chậm phát triển, nếu để ngập nước kéo dài cây mì sẽ chết. Khi cây mì có củ nếu bị ngập nước là củ mì sẽ bị thối. Anh cán bộ khuyến nông còn cho biết: Đất triền trảng thấp cũng không thích hợp với cây cao su. Cây cao su có khả năng chịu nắng hạn rất tốt. Nhưng khi bị ngập nước kéo dài cây cao su sẽ bị chậm phát triển,  lá bị úa  vàng và có thể chết. Cây cao su trồng dưới đất thấp, triền trảng thì năng suất chất lượng mủ rất thấp, tuổi thọ của cây cao su cũng rất thấp. Đất triền trảng thấp chỉ thích hợp nhất lá trồng mía, trồng mía và đầu tư chăm sóc tốt sẽ cho năng suất chất lượng cao.

CÔNG HUÂN