Kinh tế   Thông tin thị trường

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ nào quản lý xăng dầu? 

Cập nhật ngày: 13/01/2023 - 10:29

Năm qua, thị trường xăng dầu luôn có những biến động bất thường, từ đó bộc lộ rõ sự lúng túng trong mối quan hệ giữa các bộ ngành để xử lý.

Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công thương lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất một số phương án.

Gần một năm qua, thị trường xăng dầu luôn có những biến động bất thường. Ảnh: Tạ Hải

Theo đó, có thể giữ nguyên quy định hiện hành, tức là nhiều bộ, ngành cùng điều hành, quản lý xăng dầu; hoặc giao hoàn toàn việc điều hành giá và rà soát, hướng dẫn, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu về một trong hai Bộ Tài chính, Công thương để thống nhất quản lý.

Bộ Công thương đề xuất chọn phương án giao Bộ Tài chính điều hành giá, quản lý xăng dầu và Bộ Công thương sẽ phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trong văn bản góp ý gửi Bộ Công thương việc sửa đổi lần này, Bộ Tài chính lại đề nghị Bộ Công thương chọn phương án giao đầu mối quản lý, điều hành xăng dầu là Bộ Công thương để báo cáo Chính phủ.

Có thể thấy, gần một năm qua, thị trường xăng dầu luôn có những biến động bất thường, từ đó bộc lộ rõ sự loay hoay, lúng túng trong mối quan hệ giữa các bộ ngành để xử lý.

Những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua xuất phát từ việc nhập khẩu xăng dầu trên thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, chi phí đưa xăng dầu về nước tăng cao hơn quy định, song không được điều chỉnh phù hợp.

Chưa kể, giá thị trường biến động liên tục, nhưng chu kỳ tính giá trong nước dài, dẫn đến những rủi ro về giá rất lớn khi đưa hàng về bán theo giá trong nước.

Trong bối cảnh đó, cần thẳng thắn nhìn nhận các Bộ chưa làm tròn trách nhiệm điều hành của mình, vẫn đang đùn đẩy, đổ lỗi cho nhau.

Vì thế, để khắc phục cần có một tổng chỉ huy, chấm dứt việc cắt khúc trong điều hành, không theo kịp diễn biến thị trường.

Theo tôi, phương án chọn quy về một bộ quản lý là hợp lý hơn cả và giao Bộ Công thương là hợp lý nhất.

Hiện nay, Bộ Công thương đang quản lý về xăng dầu, từ khâu quy hoạch, xây dựng hệ thống kinh doanh xăng dầu, hệ thống cảng; quản lý về hạn ngạch, cấp hạn ngạch, cấp phép trở thành đầu mối... Vì thế, Bộ này hiểu rõ nhất sự vận hành hệ thống đó, gắn với các chi phí điều hành giá.

Hơn nữa, giao Bộ Công thương là hợp lý còn bởi phù hợp nội dung Luật Giá đang sửa đổi và thực tế kinh doanh xăng dầu mang đặc thù của kinh doanh thương mại.

Còn nếu giao cho Bộ Tài chính là đi ngược với chủ trương sửa đổi Luật Giá đã báo cáo Quốc hội lần 1 và dự kiến được thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 5/2023.

Trong Luật Giá, có một chủ trương, định hướng rất quan trọng, đó là phân cấp, phân quyền trong vấn đề quản lý giá cho các bộ, ngành, địa phương.

Tức là lĩnh vực hàng hoá do bộ ngành nào quản lý, bộ đó mới nắm sâu được, xem xét các yếu tố đầu vào để quyết định giá. Do đó, đề xuất trao quyền quản lý xăng dầu cho Bộ Tài chính là không phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng nên rà soát, đánh giá để giảm bớt số lượng khâu trung gian phân phối xăng dầu; đánh giá kỹ tác động chính sách, nguồn lực tài chính khi sửa đổi quy định về kinh doanh doanh xăng dầu, cũng như nghiên cứu quy định thù lao đại lý tối thiểu (mức chiết khấu tối thiểu) để các cửa hàng bán lẻ đảm bảo hoạt động, kinh doanh.

Nguồn baogiaothong