BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bổ sung quy định về bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất: Nên chăng vẫn cho dân sản xuất khi thu hồi đất nhưng chưa sử dụng?

Cập nhật ngày: 04/09/2009 - 09:24

Phó Giám đốc Sở Tài chính đề xuất điều chỉnh mức bồi thường, hỗ trợ hoa màu, cây trái trên đất thu hồi.

Ngày 22.11.2006, UBND tỉnh ra Quyết định số 1079/2006/QĐ-UBND ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ hoa màu, cây trái và vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Sau gần 3 năm áp dụng, đến nay một số định mức bồi thường, hỗ trợ không còn phù hợp do giá thành và giá nhân công ngày càng tăng. Do đó, Sở Tài chính đã đề xuất điều chỉnh, bổ sung bảng giá bồi thường, hỗ trợ nhằm giảm thiệt hại cho dân. Tại phiên họp thường kỳ tháng 9 của UBND tỉnh, có nhiều ý kiến chung quanh bảng giá bồi thường, hỗ trợ.

Theo Tờ trình của Sở Tài chính, hoa màu, cây trái được chia ra làm hai loại là cây ngắn ngày và cây lâu năm. Trong đó loại cây ngắn ngày được chia ra thành nhiều nhóm như: cây hằng năm, cây thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày, cây hằng năm khác. Loại cây lâu năm chia thành các nhóm cây công nghiệp, cây ăn trái, cây lấy gỗ và nhóm các cây khác.

Sở Tài chính đề xuất, mức bồi thường, hỗ trợ hoa màu, cây trái và vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất dự kiến điều chỉnh hầu hết có tăng so với mức bồi thường, hỗ trợ quy định năm 2006, chỉ có một số ít loại cây mức bồi thường dự kiến không tăng, trong đó có cây cao su. Về định mức bồi thường, hầu hết các loại cây được đề xuất tính theo thời gian trồng. Cụ thể: đối với cây hằng năm như cây lúa, nếu trồng trên 30 ngày bồi thường điều chỉnh từ 800 đồng/m2 lên 1.200 đồng/m2, nếu trồng dưới 30 ngày bồi thường điều chỉnh từ 500 đồng/m2 lên 800 đồng/m2. Đối với cây lâu năm cũng tính mức bồi thường theo tuổi như: dưới 1 năm, từ 1 đến 2 năm, từ 2 đến 3 năm, từ 3 đến 4 năm… Ngoài ra, bảng giá bồi thường, hỗ trợ đề xuất điều chỉnh có bổ sung thêm một số loại cây trồng mà trong quy định trước đây chưa có, trong đó có nhiều loại rau, đậu, cỏ trồng, cây cảnh.

Nhìn chung, trong bảng giá bồi thường, hỗ trợ do Sở Tài chính đề xuất điều chỉnh có đầy đủ chủng loại hơn và mức bồi thường có phù hợp với thực tế hơn quy định trước đây. Đồng thời còn cho dân tận thu lại những hoa màu, cây trái khi bồi thường thu hồi đất. Thế nhưng bảng giá này vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự rạch ròi. Điểm chưa rạch ròi trước tiên là quan điểm về bồi thường và hỗ trợ. Có ý kiến cho rằng phải có phân định rạch ròi giữa bồi thường và hỗ trợ, có nguyên tắc rõ ràng, có quy định cụ thể đối tượng nào là bồi thường, đối tượng nào là hỗ trợ. Bởi vì nguyên tắc bồi thường là phải tính giá trị đầy đủ, còn hỗ trợ là chính sách khác đi kèm theo, nếu không phân biệt rạch ròi thì khi áp dụng thực tế sẽ gặp khó khăn. Về định mức bồi thường tính theo thời gian trồng, theo tuổi cây cũng có ý kiến chưa đồng tình. Trước tiên là đối với cây hằng năm như cây lúa. Trong đề xuất điều chỉnh, cây lúa trồng trên 30 ngày và dưới 30 ngày có mức bồi thường khác nhau. Thế nhưng thực tế không phải ngay thời điểm khảo sát xác định giá trị là bồi thường thu hồi đất ngay được, mà cần có thời gian. Do đó sẽ có không ít trường hợp khi khảo sát lập phương án bồi thường thì lúa có thể trên hoặc dưới 30 ngày, đến khi triển khai bồi thường có khi cây lúa… đã được thu hoạch. Như vậy, định mức bồi thường tính theo thời gian trên hay dưới 30 ngày đối với cây lúa trong những trường hợp này chẳng có ý nghĩa gì.

Còn về cây lâu năm, đối với những cây trồng mới được vài ba năm thì còn có thể xác định được tuổi chính xác để định mức bồi thường, nhưng đối với cây trồng vài chục năm thì rất khó xác định tuổi chính xác. Trong khi đó, đề xuất đối với cây cao su từ 8 đến 25 năm có mức bồi thường là 400.000 đồng/cây, còn trên 25 năm bồi thường 150.000 đồng/cây- có mức chênh lệch rất cao nên thực tế rất dễ phát sinh nhập nhằng và cũng có thể phát sinh tiêu cực do khó xác định mốc trên hay đúng 25 năm. Đối với cây lâu năm cũng có ý kiến đề xuất không tính theo tuổi mà tính theo kích thước cây- cụ thể là tính theo đường kính hoặc chu vi thân cây. Bởi vì thực tế nếu người trồng đầu tư nhiều vốn hơn, bỏ công chăm sóc kỹ hơn thì cây sẽ lớn nhanh hơn. Có đám cao su trồng 5 năm nhưng kích thước cây không thua những đám trồng 7-8 năm. Nguyên tắc định giá bồi thường cây trái là tính đầy đủ giá trị, trong đó có cả vốn đầu tư. Do đó, nếu chỉ tính theo tuổi thì sẽ gây thiệt thòi cho những người trồng đầu tư nhiều vốn.

Có ý kiến đề xuất mức bồi thường cây cao su tính theo kích thước.

Ngoài ra, cũng có ý kiến chung quanh việc sử dụng đất sau khi thu hồi. Có ý kiến cho rằng sau khi bồi thường và Nhà nước đã có quyết định thu hồi đất thì dân không còn quyền sử dụng trên phần đất đã thu hồi. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng cứ áp dụng cứng nhắc như thế thì sẽ gây lãng phí đất đai, bởi vì thực tế có nhiều khu đất sau khi thu hồi lại bị bỏ hoang do chưa triển khai dự án, trong khi đó có nhiều hộ dân chưa tìm được đất sản xuất khác thay thế. Nên chăng, nếu như trên khu đất nào đã thu hồi nhưng chưa thể triển khai xây dựng ngay được thì đơn vị quản lý công bố thời gian sẽ triển khai và trong thời gian đó vẫn cho dân tiếp tục sản xuất cây ngắn ngày với cam kết là đến thời điểm triển khai dự án dân sẽ tự giải toả và không đòi hỏi bồi thường, hỗ trợ gì thêm. Làm như thế chẳng những đất đai không bị lãng phí mà người dân còn có thể duy trì thu nhập, ổn định cuộc sống trong thời gian chờ có nguồn thu nhập khác sau khi đất bị thu hồi.

Về phía UBND tỉnh, quan điểm tổng thể là việc thu hồi đất để bảo đảm cho sự phát triển chung, nhưng không quá tính toán chi li gây bất lợi cho dân. Do đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính tiếp thu tất cả các ý kiến chung quanh việc điều chỉnh bảng giá bồi thường, hỗ trợ hoa màu, cây trái và vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất, nghiên cứu các văn bản liên quan, nghiên cứu giá thị trường, rà soát lại để đề xuất điều chỉnh định mức bồi thường, hỗ trợ phù hợp và đầy đủ nhất.

Sơn Trần