Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bỏ thi giáo viên dạy giỏi- ý kiến người trong cuộc
Thứ ba: 23:32 ngày 16/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, ngành Giáo dục sẽ tìm cách làm khác để tôn vinh những giáo viên thật sự có trình độ, đạo đức, tâm huyết với sự nghiệp, sao cho người được nhận danh hiệu phải thật sự xứng đáng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thăm Trường THPT Tây Ninh.

Bộ GD-ĐT đang xem xét bỏ thi giáo viên dạy giỏi, thay vào đó là chuyển sang xét theo hồ sơ kèm những tiêu chí khác. Trao đổi với báo giới cách nay chỉ ít ngày, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đề cập đến phong trào thi giáo viên dạy giỏi. Theo Bộ trưởng, ngành Giáo dục sẽ tìm cách làm khác để tôn vinh những giáo viên thật sự có trình độ, đạo đức, tâm huyết với sự nghiệp, sao cho người được nhận danh hiệu phải thật sự xứng đáng.

Câu chuyện thi giáo viên dạy giỏi, phong trào hội giảng đã bị phàn nàn, thậm chí chỉ trích có phần gay gắt từ nhiều năm, thậm chí hàng chục năm qua. Nhưng cho đến nay, khi những vụ “giáo viên diễn giỏi” bị dư luận cả trong và ngoài ngành chỉ trích, phê phán nặng lời, lãnh đạo Bộ GD-ĐT mới chính thức lên tiếng. Vậy có nên duy trì phong trào này nữa hay không, nếu tiếp tục thì làm như thế nào để đỡ tai tiếng “thầy dạy giỏi nhưng không thấy học sinh giỏi”.

Theo ý kiến của một vị hiệu trưởng trường THCS ở Tây Ninh, một trong những nguyên nhân khiến phong trào thi giáo viên dạy giỏi ngày càng bị biến tướng là ngành Giáo dục tồn tại quá nhiều phong trào, chỉ tiêu. “Trường làm không xuể, giáo viên cũng mệt nhưng không thể không tham gia.

Nếu không đăng ký, không tham gia thì bị đánh giá này nọ. Làm không xuể thì phải đối phó cho qua”- vị hiệu trưởng thẳng thắn nói. Vẫn theo ý kiến này, thực ra phong trào thi giáo viên giỏi hiện nay có hai loại, cần phân biệt. Trước tiên là phong trào hội giảng. Theo đó, mỗi giáo viên dạy hai tiết để ban giám khảo chấm.

“Việc thi giáo viên dạy giỏi hiện nay chỉ là diễn nên tôi không đồng ý. Việc đó chỉ gây áp lực cho giáo viên. Thi đua là tốt nhưng phải tốt thật chứ không đưa ra để gây áp lực.

Việc đánh giá giáo viên phải tăng tính hậu kiểm, ghi nhận tiến bộ của học sinh, sự yêu quý của phụ huynh”- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu ngày 18.12.2018 tại Yên Bái.

Ngoài hai tiết dạy, ban giám khảo còn kiểm tra hồ sơ sổ sách và xem xét một số thủ tục khác để công nhận hay không công nhận giáo viên đó đạt hội giảng. Sau khi được công nhận đậu hội giảng, giáo viên tiếp tục đăng ký thi giáo viên giỏi vòng huyện, vòng tỉnh. Kỳ thi này được tổ chức hai hoặc bốn năm một lần, tuỳ cấp học.

Tại kỳ thi này, giáo viên không dạy hai tiết mà chỉ làm bài kiểm tra năng lực. Bài kiểm tra này xoay quanh việc xử lý tình huống sư phạm, tìm hiểu các chính sách của Nhà nước, của ngành Giáo dục, ví dụ các loại thông tư, nghị định…

Như vậy, hội thi giáo viên dạy giỏi được thực hiện trên cơ sở của phong trào hội giảng tại trường. Vậy có nên duy trì hay không? Vị hiệu trưởng bày tỏ quan điểm, phong trào hội giảng thì nên duy trì để giáo viên thể hiện tay nghề, đồng thời giúp đồng nghiệp học tập kinh nghiệm. Riêng vòng hai (thi giáo viên dạy giỏi bằng bài kiểm tra năng lực) thì nên bỏ, vì không thực chất, không phù hợp và cũng không cần thiết. “Nếu muốn biết thông tư, nghị định nào đó, chỉ cần lên mạng tìm là có, rất nhanh, việc gì phải học thuộc lòng, học tủ rồi đi thi?”- vị này phát biểu.

“Với sự thận trọng cần thiết, tôi đề nghị bỏ thi hội giảng, thi giáo viên dạy giỏi. Nếu theo dõi trên mạng xã hội, nơi có nhiều diễn đàn dành cho giáo viên, chúng ta sẽ thấy đại đa số giáo viên đề nghị bỏ. Không chỉ vậy, chính lãnh đạo Bộ GD-ĐT, khi phát biểu về chuyện này cũng nói sẽ bỏ”- một phó trưởng phòng giáo dục ở Tây Ninh bày tỏ quan điểm.

Vị này cho biết, những danh hiệu nêu trên không thực chất, thậm chí có tác dụng ngược, không chỉ giáo viên, đồng nghiệp mà học sinh cũng nhận ra những tiết “diễn giỏi” của thầy cô. “Tôi thấy trong ngành có nhiều phong trào, nhiều danh hiệu quá, trong đó có danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Tôi nghĩ nó không còn cần thiết nữa. Hiện nay, các bộ luật, luật và văn bản dưới luật đã đủ để quản lý, đánh giá, xếp loại công chức, viên chức rồi.

Trong ngành thì có danh hiệu nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân. Xét theo quản lý Nhà nước thì có chiến sĩ thi đua cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp trung ương. Muốn tôn vinh ai đó, cần tìm cách làm khác và chỉ nên thực hiện 5 - 10 năm một lần. Danh hiệu tràn lan quá nên giảm giá trị”- vị cán bộ này bày tỏ ý kiến.

Phong trào hội giảng, thi giáo viên dạy giỏi ban đầu có tác dụng tích cực. Đây là dịp đồng nghiệp được học hỏi, bổ sung kiến thức, phương pháp cho nhau để nâng cao trình độ, tay nghề chuyên môn. Theo thời gian, phong trào ngày càng biến tướng và xấu đi một cách nghiêm trọng.

Ngay cả những người trong cuộc, từ cán bộ quản lý đến giáo viên- những người làm công tác chuyên môn thuần tuý cũng không ủng hộ hội giảng. “Giáo viên đang chịu áp lực, mệt mỏi vì các kỳ thi và danh hiệu, nhưng giáo viên nào không chạy theo guồng máy thành tích thì bị coi là cá biệt, có biểu hiện chống đối. Trên ép xuống, dưới ép lên, xã hội ép vào, học sinh một bên, nhà trường một bên...

Cả hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay tựa như một trường đua mà đích đến là đủ thứ danh hiệu gắn liền với cá nhân, với tập thể. Vì thế, giáo viên phải chạy theo thành tích, dù vẫn biết bệnh thành tích là nguyên nhân dẫn đến việc thầy không ra thầy - trò không ra trò, thậm chí phải đồng loã với cái xấu trong nghề làm thầy”- bà Phạm Thị Kim Anh, Viện Nghiên cứu sư phạm (Trường ĐH SP Hà Nội) từng phát biểu trên Báo Thanh Niên. 

Giáo viên giỏi ở Tân Biên nhận khen thưởng cuối năm học (ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, không liên quan đến nội dung trong bài viết).

Báo Tây Ninh đã có lần đề cập, cách nay mấy năm, trong một lần đi giám sát lĩnh vực giáo dục tại huyện Bến Cầu, một vị lãnh đạo cấp tỉnh (xuất thân là cán bộ quản lý ngành Giáo dục) đã nói “thẳng ruột ngựa” rằng, những giáo viên thật sự có trình độ, tâm huyết và lòng tự trọng, họ sẽ không đăng ký thi hội giảng, giáo viên dạy giỏi.

Muốn bỏ phong trào hội giảng, thi giáo viên dạy giỏi, Bộ GD-ĐT ngoài quyết tâm chấn chỉnh để “dạy thực chất, học thực chất” còn phải sửa hoặc bãi bỏ một số quy định hiện hành, trong đó có Thông tư 59 năm 2012 quy định về tiêu chuẩn đánh giá, công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.

Theo tinh thần của Thông tư 59, trường tiểu học đạt mức chất lượng phải có ít nhất 40% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường; trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 phải có ít nhất 50% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, trong đó ít nhất 20% giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp huyện trở lên, không có giáo viên yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ.

Trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 phải có ít nhất 60% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, trong đó ít nhất 30% giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi cấp huyện trở lên, không có giáo viên yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ… Như vậy, cho dù cơ sở vật chất tốt, đạt chuẩn theo quy định nhưng không đạt tỷ lệ giáo viên giỏi thì vẫn chưa được công nhận trường đạt chuẩn. Chính vì điều này, có không ít trường, hiệu trưởng đành “cưỡng bức” giáo viên đăng ký tham gia thi dạy giỏi.

VIỆT ĐÔNG

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục