Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Về tiêu chuẩn chung, tuổi cán bộ Đoàn được quy định theo cương vị được giao và có thể hơn từ 1 đến 2 tuổi để phù hợp với yêu cầu công việc
Cán bộ Đoàn là thế hệ kế thừa của Đảng vừa hồng, vừa chuyên.
Tỉnh uỷ vừa ban hành Đề án số 09/ĐA-TU ngày 5.12.2023 về việc tạo nguồn cán bộ và bố trí, sắp xếp công tác đối với cán bộ Đoàn các cấp khi hết tuổi giữ chức vụ trong tổ chức Đoàn, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyển dụng, quản lý và điều động cán bộ Đoàn sau khi hết tuổi; tạo điều kiện cho thanh niên, cán bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh có môi trường rèn luyện, cơ hội việc làm phù hợp với năng lực, sự cống hiến của mình.
Khó tuyển dụng, bố trí, điều động cán bộ Đoàn
Những năm qua, đội ngũ cán bộ Đoàn ở nhiều địa phương trong tỉnh gặp khó khăn vì thiếu nhân lực, cán bộ kiêm nhiệm nhiều vị trí, chức vụ trong đoàn thể dẫn đến chất lượng hoạt động giảm sút. Có cấp bộ Đoàn cấp xã, phường chỉ có 1 cán bộ phụ trách nhiều công việc bao gồm công tác đoàn, hội, đội, khối lượng công việc nhiều làm cho cán bộ Đoàn chịu nhiều áp lực.
Theo quy chế cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cán bộ Đoàn có quy định về độ tuổi nhất định. Về tiêu chuẩn chung (Khoản 4, Điều 7), tuổi cán bộ Đoàn được quy định theo cương vị được giao và có thể hơn từ 1 đến 2 tuổi để phù hợp với yêu cầu công việc.
Tuy nhiên, hiện tại, nhiều đơn vị có cán bộ Đoàn đã hết tuổi giữ chức vụ theo quy chế của Trung ương Đoàn nhưng chưa có thế hệ cán bộ trẻ có năng lực phù hợp với vị trí, chức vụ. Nguyên nhân việc tuyển dụng cán bộ Đoàn gặp nhiều khó khăn là do các chính sách, đãi ngộ của tỉnh chưa thu hút được cán bộ trẻ, có năng lực về với tổ chức Đoàn.
Ban Chấp hành Tỉnh đoàn Tây Ninh khoá XIV, nhiệm kỳ 2022-2027 ra mắt tại Đại hội.
Bên cạnh đó, việc bổ nhiệm, ứng cử cán bộ ứng cử chức danh lãnh đạo, quản lý tại Tỉnh đoàn lần đầu còn chậm, gặp nhiều khó khăn do nguồn cán bộ một phần chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện bố trí chức vụ, số còn lại dù đáp ứng đủ điều kiện nhưng lại quá tuổi theo quy định.
Ngoài ra, hiện nay, số lượng cán bộ Đoàn hết tuổi giữ chức vụ theo quy định của Trung ương Đoàn phải được điều động, bố trí công tác khác nhưng tỉnh chưa có cơ chế bố trí, điều động cán bộ sang đơn vị khác, dẫn đến thực trạng một số cán bộ Đoàn phải tiếp tục xin việc để được bố trí công tác tại cơ quan, đơn vị khác nhưng vị trí chưa bố trí tương xứng với chức danh đảm nhiệm.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cán bộ Đoàn, đồng thời tạo điều kiện cho Tỉnh đoàn tạo nguồn cán bộ Đoàn chính quy, năng động, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn tại địa phương, đơn vị, Tỉnh uỷ phê duyệt Đề án số 09/ĐA-TU và chỉ đạo các ban, ngành liên quan triển khai thực hiện đề án.
Theo đề án, để cải thiện công tác tạo nguồn cán bộ Đoàn các cấp, Tỉnh uỷ đề xuất thực hiện chính sách thu hút nhân tài, tuyển dụng cán bộ Đoàn theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5.12.2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ trẻ khoa học; Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND ngày 9.12.2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế tỉnh Tây Ninh.
Cán bộ Đoàn là lực lượng xung kích, tiên phong trên mọi mặt trận.
Giải quyết tình trạng thiếu nguồn nhân lực trẻ ở cơ sở đoàn, Đề án đề nghị các cấp bộ Đoàn đẩy mạnh công tác tiếp nhận công chức trẻ ở các cơ quan, đơn vị về công tác tại tổ chức Đoàn các cấp. Đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức trẻ đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh có độ tuổi dưới 28. Giải pháp này giải quyết phần nào việc khó tuyển dụng cán bộ, vừa giải quyết yêu cầu cán bộ Đoàn có đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm rèn luyện bản thân.
Về việc bố trí, sắp xếp công tác đối với cán bộ Đoàn các cấp khi hết tuổi giữ chức vụ trong công tác Đoàn, Đề án quy định: Đối với cán bộ Đoàn giữ chức vụ theo Quy chế cán bộ Đoàn gồm Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chuyên trách;
Trưởng ban, Phó trưởng ban và tương đương thuộc Tỉnh đoàn quản lý, đề nghị các cơ quan, đơn vị nơi tiếp nhận cán bộ căn cứ vào nhu cầu, yêu cầu nhiệm vụ, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và tình hình thực tế của đơn vị xem xét bố trí cán bộ Đoàn giữ chức vụ tương đương (nếu thấp hơn thì không thấp hơn quá 1 cấp) để tiếp tục đào tạo nguồn cán bộ kế thừa.
Đối với Uỷ viên Ban Thường vụ huyện, thị, thành Đoàn chuyên trách, Bí thư Đoàn cấp xã, phường; Ban Thường vụ huyện, thị, thành uỷ có trách nhiệm chỉ đạo việc bố trí, sắp xếp các cán bộ Đoàn làm chuyên viên tại các cơ quan, phòng, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp cấp huyện để đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ kế thừa. Hoặc xem xét bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức vụ tương đương (hoặc cao hơn) tại các đơn vị cấp huyện, chính quyền cấp xã nếu có trình độ, năng lực nổi trội, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
Đối với Bí thư Đoàn cấp xã, Đề án chỉ đạo Tỉnh đoàn phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan tổng hợp, bố trí, sắp xếp công tác đối với cán bộ Đoàn cấp tỉnh khi hết tuổi giữ chức vụ ít nhất 12 tháng, để chủ động trong công tác sắp xếp cán bộ. Vị trí bố trí, sắp xếp phải phù hợp với chuyên môn, sở trường công tác và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị tiếp nhận.
Ngoài ra, Đề án còn chú trọng công tác quy hoạch cán bộ Đoàn. Theo đó, Đề án quy định quy hoạch cán bộ theo cơ cấu ba độ tuổi (khoảng cách giữa các độ tuổi là 5 năm), quan tâm tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 28 tuổi), cán bộ là nữ... Thực hiện quy hoạch chức danh cao hơn, theo phương châm quy hoạch mở. Cụ thể, đối với việc quy hoạch cán bộ trẻ dưới 28 tuổi từ các địa phương, cơ quan, đơn vị vào các chức danh trưởng, phó trưởng ban và tương đương thuộc Tỉnh đoàn.
Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn rà soát nguồn nhân sự từ các địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị tỉnh (các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, chính quyền) có tính chất công việc tương đương, có độ tuổi phù hợp để ưu tiên bổ sung quy hoạch vào các chức danh trưởng, phó ban và tương đương thuộc Tỉnh đoàn.
Cán bộ Đoàn tham gia Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2022-2027.
Trong Đề án cũng quy định: đối với việc quy hoạch nhân sự đang là trưởng, phó ban và tương đương trở xuống thuộc Tỉnh đoàn vào các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị tỉnh; nhân sự là trưởng ban và tương đương thuộc Tỉnh đoàn, hằng năm, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ sẽ ưu tiên giới thiệu nguồn nhân sự của Tỉnh đoàn cho các địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị tỉnh, nhất là các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể có tính chất công việc tương đồng để xem xét, bổ sung quy hoạch chức danh cấp phó thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý.
Đối với nhân sự là Phó trưởng ban và tương đương trở xuống thuộc Tỉnh đoàn, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cung cấp nguồn nhân sự để Ban Tổ chức Tỉnh uỷ giới thiệu đến các địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị tỉnh, nhất là các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể có tính chất công việc tương đồng để xem xét bổ sung quy hoạch các chức danh thuộc diện địa phương, cơ quan, đơn vị quản lý.
Tương tự, các cấp bộ Đoàn huyện và cấp xã sẽ được Ban Thường vụ huyện, thị, thành uỷ chỉ đạo thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ.
Để bảo đảm khi hết tuổi, cán bộ Đoàn có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, năng lực, trình độ tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ quan, đơn vị mới, Đề án quy định cụ thể về công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Đoàn. Trong đó, Đề án khuyến khích cán bộ Đoàn tự học và đào tạo trình độ sau đại học phù hợp với chuyên môn, gắn với vị trí việc làm và quy hoạch, đồng thời gắn với yêu cầu của Ban Bí thư Trung ương Đoàn và chế độ, chính sách thu hút nguồn nhân lực của tỉnh.
Đề án quy định việc tăng cường bố trí, chọn cử cán bộ đi cơ sở, nhất là cán bộ trẻ có năng lực triển vọng để rèn luyện, tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn. Theo đó, việc đi cơ sở gắn với thực hiện chủ trương “1+2” của Ban Bí thư Trung ương Đoàn. Mỗi cán bộ cấp tỉnh đi cơ sở tối thiểu 60 ngày “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” tại cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức.
Ngọc Bích