Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Về việc xét tuyển và bố trí việc làm cho người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp, hằng năm, các cơ sở giáo dục gửi danh sách, bàn giao hồ sơ và bằng tốt nghiệp của người học theo chế độ cử tuyển tốt nghiệp cho UBND cấp tỉnh.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo nghị định quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số. Nghị định này quy định về đối tượng, tiêu chuẩn được hưởng chế độ cử tuyển, tổ chức thực hiện chế độ cử tuyển, việc bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo đối với người được cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp. Ngày 9.5 là thời hạn chót để Bộ GD-ĐT nhận ý kiến góp ý trước khi trình Chính phủ thông qua nghị định chính thức.
Học sinh lớp 12 người dân tộc thiểu số làm hồ sơ cử tuyển đại học (ảnh tư liệu).
Theo dự thảo, việc thực hiện chế độ cử tuyển phải bảo đảm các nguyên tắc đúng mục đích, đối tượng, tiêu chuẩn theo quy định và khách quan, công bằng, công khai, minh bạch. Cơ quan cử người đi học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ để xét tuyển và bố trí việc làm cho người được cử đi học sau khi tốt nghiệp.
Người học theo chế độ cử tuyển được quyền nhận thông tin đầy đủ về chế độ cử tuyển; được cấp học bổng, miễn học phí và hưởng các chế độ ưu tiên khác theo quy định hiện hành của Nhà nước trong thời gian đào tạo; được tiếp nhận hồ sơ để xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp.
Đồng thời, người học theo chế độ cử tuyển phải thực hiện một số nghĩa vụ. Đó là, cam kết trước khi được cử tuyển và chấp hành sự cam kết với cơ quan cử đi học về việc bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp; chấp hành các quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của các cơ sở giáo dục, hoàn thành chương trình đào tạo theo ngành học do cơ quan cử đi học phân công. Người đi học cử tuyển phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo nếu không chấp hành việc bố trí việc làm theo cam kết.
Đối tượng cử tuyển là công dân Việt Nam thuộc người dân tộc thiểu số rất ít người (dưới 10.000 người). Công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số có đủ các điều kiện: có hộ khẩu thường trú từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi, người nuôi dưỡng sống tại vùng này); có thời gian học đủ 3 năm học và thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo hộ khẩu thường trú được cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp; có thời gian học đủ 4 năm học và tốt nghiệp trung học cơ sở tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo hộ khẩu thường trú được cử tuyển vào trung cấp.
Chỉ tiêu cử tuyển được xác định theo từng năm, trong kế hoạch tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, trung cấp của Nhà nước và được cơ quan có thẩm quyền giao theo từng ngành nghề, trình độ đào tạo.
Người được hưởng chế độ cử tuyển phải đáp ứng một số tiêu chuẩn. Theo quy định, đối tượng cử tuyển phải tốt nghiệp trung học phổ thông đối với người được cử tuyển vào đại học, cao đẳng; tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông đối với đối tượng được cử tuyển vào trung cấp (ưu tiên học sinh học tại trường phổ thông dân tộc nội trú).
Học sinh cử tuyển phải được xếp loại hạnh kiểm năm cuối cấp (hoặc xếp loại rèn luyện năm cuối khoá) đạt loại khá trở lên; xếp loại học tập năm cuối cấp (hoặc cuối khoá) đạt loại khá trở lên với đối tượng được cử tuyển vào đại học, loại trung bình trở lên với đối tượng được cử tuyển vào cao đẳng, trung cấp.
Ưu tiên người có kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào theo quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Người thuộc diện cử tuyển phải đạt các tiêu chuẩn sơ tuyển đối với các ngành, nghề có yêu cầu sơ tuyển và không quá 22 tuổi tính đến năm tuyển sinh, có đủ sức khoẻ theo quy định hiện hành, đồng thời không thuộc biên chế Nhà nước.
Người được cử tuyển để đào tạo trình độ đại học, cao đẳng là học sinh phổ thông phải học một năm dự bị tại trường dự bị đại học hoặc tại khoa dự bị đại học của các trường được phép đào tạo dự bị đại học. Việc tổ chức đào tạo và xét tuyển vào học chính thức tại các cơ sở giáo dục được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khi kết thúc một năm học dự bị, nếu người học không đủ điều kiện tuyển vào học chính thức tại các cơ sở giáo dục thì được học lưu ban không quá một năm.
Trong năm học lưu ban, người học được hưởng các quyền và thực hiện nghĩa vụ như năm học thứ nhất. Người được cử tuyển có kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đạt ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đại học, cao đẳng theo quy chế tuyển sinh tại năm xét đi học cử tuyển không phải học dự bị đại học, cao đẳng mà được chuyển ngay vào đào tạo chính thức.
Khi học chính thức tại các cơ sở giáo dục, người học theo chế độ cử tuyển được đào tạo trong hệ thống giáo dục chính quy và bố trí học chung với các người học khác của cơ sở giáo dục theo ngành đào tạo. UBND cấp tỉnh phối hợp với các cơ sở giáo dục quy định cụ thể thời gian tối đa sinh viên cử tuyển phải tốt nghiệp đại học, cao đẳng.
Về việc xét tuyển và bố trí việc làm cho người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp, hằng năm, các cơ sở giáo dục gửi danh sách, bàn giao hồ sơ và bằng tốt nghiệp của người học theo chế độ cử tuyển tốt nghiệp cho UBND cấp tỉnh.
UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc tiếp nhận hồ sơ để xét tuyển hoặc gửi hồ sơ tới các cơ quan, đơn vị dự kiến sử dụng để xét tuyển vào vị trí việc làm. Thực hiện việc tuyển dụng thông qua xét tuyển đối với người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp. Thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ xét tuyển và bố trí việc làm theo quy định tối đa là 12 tháng, kể từ ngày được công nhận tốt nghiệp.
Dự thảo quy định trường hợp phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo. Cụ thể, người không chấp hành việc xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp theo cam kết; người có thời gian làm việc sau tốt nghiệp theo vị trí việc làm do UBND cấp tỉnh quy định ít hơn hai lần thời gian được hưởng học bổng và chi phí đào tạo.
Cử tuyển là việc tuyển sinh qua hoặc không qua thi hoặc xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp để đào tạo cán bộ, công chức cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Chính sách này ra đời đã rất lâu. Sau thành công ban đầu, hiện nay bộc lộ nhiều bất cập. Đó là: nguồn tuyển đầu vào chất lượng thấp, nhiều sinh viên diện cử tuyển bỏ học vì không theo được chương trình. Bất cập thứ hai, không phải sinh viên diện cử tuyển nào ra trường cũng được bố trí việc làm.
Khoảng gần 10 năm trở lại đây, nhiều địa phương không còn thực hiện chế độ cử tuyển.
VIỆT ĐÔNG