Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bộ trưởng Tài chính trả lời về kinh tế báo chí
Thứ ba: 15:53 ngày 19/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bộ Tài chính sẽ tiếp thu những kiến nghị và cùng các cơ quan khác tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế tài chính để báo chí phát triển bền vững hơn.

Trên số báo trước, Pháp Luật TP.HCM có bài phỏng vấn phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam về các khó khăn mà báo chí đang đối mặt, trong đó có đề cập việc một số vướng mắc của các cơ quan báo chí trong thực hiện quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói: “Thủ tướng Phạm Minh Chính khi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam hồi tháng 6-2023 đã chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng, nhất là các vấn đề liên quan đến cơ chế kinh tế, tài chính, để báo chí Việt Nam phát triển bền vững hơn, lành mạnh hơn. Đây là những định hướng quan trọng”.

Những kiến nghị có cơ sở

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, mới đây Bộ TT&TT đã gửi công văn cho Bộ Tài chính đề cập đến nhiều vấn đề về cơ chế tự chủ, tài chính của báo chí. Bộ trưởng đánh giá thế nào?

+ Bộ trưởng Hồ Đức Phớc (ảnh): Không chỉ có Bộ TT&TT gửi công văn, Hội Nhà báo Việt Nam, một số cơ quan báo chí cũng đăng ký làm việc với Bộ Tài chính về những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải.

Tựu trung có thể kể đến các khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định 60/2021. Rồi cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) tại Nghị định 32/2019 và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí.

Những kiến nghị của các cơ quan báo chí và đơn vị quản lý nhà nước về báo chí nói chung là có cơ sở. Tuy nhiên, giải quyết những vấn đề này đòi hỏi nỗ lực không chỉ của các cơ quan báo chí, của Bộ Tài chính, mà còn là của các cơ quan liên quan khác.

. Nhiều người cho rằng những quy định thuộc lĩnh vực tài chính đang là nút thắt của kinh tế báo chí.

+ Nhiều người hiểu như vậy cũng là bình thường. Nhưng chúng ta cần nhìn nhận toàn diện hơn. Chẳng hạn, với cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thì Nghị quyết 19 của Trung ương, cũng như Nghị định 60/2021 đã yêu cầu đến hết năm 2021 thì lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công phải hoàn thành.

Tuy nhiên, thời gian qua chúng ta tập trung kiềm chế lạm phát, bảo đảm khả năng cân đối ngân sách, khả năng chi trả của người dân nên nhiệm vụ này chưa hoàn thành. Điều này dẫn đến một số khó khăn không chỉ cho báo chí mà còn cho cả y tế, giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp…

Hoạt động tác nghiệp của các cơ quan báo chí tại sân bay tại lễ đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam. Ảnh: Bộ Công an

Một nguyên nhân khác là định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí chậm được ban hành nên cơ sở để đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công sử dụng NSNN còn hạn chế. Điều đáng ghi nhận là Bộ TT&TT, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí là một trong số ít cơ quan đã ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật.

Chúng tôi mong rằng nhiệm vụ này sẽ được các bộ, cơ quan trung ương… tiếp tục triển khai để không chỉ báo chí, mà các lĩnh vực khác liên quan đến cung cấp dịch vụ công sử dụng NSNN đều thông suốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Bộ TT&TT đề nghị Bộ Tài chính xem xét năm nhóm vấn đề

+ Sửa đổi, bổ sung Nghị định 60 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

+ Cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

+ Nhóm ý kiến liên quan đến pháp luật về giá.

+ Thứ tư là nhóm ý kiến về chính sách thuế.

+ Thứ năm là các ý kiến về bố trí kinh phí hoạt động, mua sắm phương tiện tác nghiệp cho các cơ quan báo chí và hướng dẫn chế độ chi cho các cơ quan báo chí.

Còn hiện tại, Bộ Tài chính đang tiếp thu, giải trình các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 60/2021 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong vấn đề tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ quan báo chí.

Đang xây dựng hướng dẫn về tiền lương

. Bộ trưởng vừa đề cập là một vài cơ quan báo chí đăng ký gặp lãnh đạo bộ để đề xuất, kiến nghị một số vấn đề về chi phí tiền lương trong giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN?

+ Những kiến nghị, đề xuất này cũng liên quan trực tiếp đến định mức kinh tế - kỹ thuật mà tôi nói ở trên. Đây là cơ sở quan trọng để xác định chi phí tiền lương trong đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công… của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ quan báo chí. Chính phủ đang nỗ lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương và cần cơ sở quan trọng là đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công… mà các bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm phải ban hành.

Cũng có cơ quan báo chí đề nghị chi phí tiền lương này nên để cho đơn vị sự nghiệp công được thực hiện theo tình hình tài chính, có thể quyết định mức lương chi trả cho viên chức, người lao động; chi tiền công theo hợp đồng vụ việc.

Nhưng theo quy định và để bảo đảm sự thống nhất của pháp luật thì các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn phải có quy định cụ thể về cơ chế tiền lương như doanh nghiệp, phân định rõ chính sách tiền lương đối với đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1 và nhóm 2 theo mức độ tự chủ tài chính khác nhau.

Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng thông tư hướng dẫn tiền lương sau khi khảo sát các đơn vị sự nghiệp công lập. Tới đây, các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ quan báo chí sẽ được hướng dẫn cụ thể hơn.

. Các cơ quan báo chí cũng rất mong muốn nhận được nhiều “đơn đặt hàng” về dịch vụ công sử dụng ngân sách nhưng có vẻ các quy định về trách nhiệm nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công… vẫn còn nhiều điều chưa thực sự thuận lợi?

+ Đây là vấn đề liên quan tới Nghị định 32/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Sau một năm thực hiện nghị định này, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và đã báo cáo Thủ tướng tình hình thực hiện. Bộ cũng đã gửi công văn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để hướng dẫn một số nội dung vướng mắc.

Chúng tôi khẳng định: Những vấn đề thuộc thẩm quyền thì Bộ Tài chính luôn sâu sát, hướng dẫn. Còn đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo Chính phủ để xem xét theo quy định.

. Bộ TT&TT cũng đề cập với Bộ Tài chính các vấn đề về giá đối với những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính mà liên quan tới báo chí.

+ Một trong những lý do được Bộ TT&TT nêu lên là thẩm định phương án giá gắn với trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể là các cơ quan báo chí và nguồn lực của Bộ TT&TT hiện chưa thực hiện được việc thẩm định giá.

Về nguyên tắc, theo Luật Giá vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, các vấn đề này Bộ TT&TT sẽ duyệt giá tối đa, đơn vị đặt hàng dịch vụ, sản phẩm trong lĩnh vực báo chí quyết định giá cụ thể để đặt hàng, đấu thầu. Chúng tôi sẽ cùng Bộ TT&TT nghiên cứu vấn đề này trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá...

Bộ Tài chính cũng đã dự thảo những phương án, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan báo chí nói riêng, đơn vị sự nghiệp công lập nói chung.

Xin cảm ơn ông.

Ưu đãi về thuế thuộc thẩm quyền Quốc hội

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành đang quy định mức thuế 10% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí. Vấn đề ưu đãi thuế còn thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Thực hiện các chủ trương của Trung ương về cơ cấu lại NSNN... Thủ tướng đã yêu cầu rà soát thuế TNDN để sửa đổi hoặc bãi bỏ ưu đãi miễn, giảm thuế không còn phù hợp với yêu cầu phát triển, yêu cầu hội nhập quốc tế; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định trong trung và dài hạn…

Những định hướng quan trọng này đang được Bộ Tài chính triển khai, nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế TNDN sửa đổi theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế.

Mong rằng trong quá trình này, các cơ quan báo chí và các cơ quan quản lý báo chí sẽ đóng góp nhiều ý kiến hữu ích để các khó khăn về thuế sẽ được tháo gỡ, không chỉ cho các cơ quan báo chí...

Nguồn  PLO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục