Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định sẽ hoàn thành cấp căn cước công dân, bỏ hộ khẩu từ tháng 7/2021, tuy nhiên nhiều đại biểu Quốc hội lo không kịp.
Thảo luận dự án Luật Cư trú (sửa đổi) chiều 16/6, nhiều đại biểu góp ý về đề xuất bãi bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, thay thế bằng số định danh cá nhân.
Bà Trần Thị Dung, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho rằng việc quản lý cư trú theo phương thức mới chỉ có thể thực hiện khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thiện và khai thác sử dụng ổn định, bảo đảm thuận tiện cho người dân. Theo quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014, chậm nhất từ 1/1/2020 cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được hoàn thành và đưa vào khai thác, được quản lý thống nhất từ trung ương xuống địa phương và là cơ sở dữ liệu gốc, từ đó chia sẻ kết nối với các cơ sở dữ liệu khác phục vụ công tác quản lý công dân.
Tuy nhiên, sau hơn 5 năm, kể từ khi luật được Quốc hội thông qua với dự kiến đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, theo báo cáo của Bộ Công an phải đến tháng 12/2020 mới hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để có thể vận hành thử nghiệm. Hiện mới có 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân.
Bà Dung cho rằng công tác này cần rất nhiều thời gian, đòi hỏi sự chính xác, có kiểm tra, đối soát chặt chẽ. Trong khi đó việc đầu tư bố trí kinh phí cho hoạt động này còn hạn chế, với nguồn lực ngân sách hiện nay, nhất là khi đất nước vừa tập trung khắc phục dịch bệnh, phục hồi kinh tế và giải quyết nhiều vấn đề xã hội khác thì việc bố trí đủ 3.000 tỷ đồng cho Bộ Công an theo đề án là rất khó khăn.
Bộ Công an đang đề xuất lùi thời gian khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho đến khi hoàn thành, tức là thời điểm chưa thấy rõ ràng. "Trong điều kiện như vậy, việc dự kiến áp dụng Luật Cư trú với phương thức quản lý mới, dựa trên nền tảng của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 1/7/2021 như tờ trình của Chính phủ là khó có thể thực hiện", Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.
Đại biểu Trần Thị Dung, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật tại nghị trường. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Việc quản lý cư trú theo phương thức mới này có nhiều ưu điểm nhưng cũng đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý phải có trình độ, cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu công việc, sự kết nối với các cơ quan nhà nước, đặc biệt là nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức địa phương khi giải quyết các công việc của người dân liên quan đến hộ khẩu.
Theo bà Dung, ở các thành phố, đô thị lớn, những điều kiện nói trên có thể dễ dàng đáp ứng thì ở nông thôn, nhất là khu vực dân tộc miền núi lại không đơn giản. Hiện nay, sổ hộ khẩu là cơ sở pháp lý quan trọng được sử dụng khi người dân đến UBND xã để xin xác nhận thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước...
Nếu bỏ sổ hộ khẩu giấy ngay thì tất cả UBND xã, cơ quan Nhà nước từ cơ sở sẽ phải trang bị toàn bộ hệ thống máy tính, trang thiết bị để có thể truy cập, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc xác nhận thay vì việc chỉ kiểm tra sổ hộ khẩu như hiện nay. Người được giao làm công tác này cũng sẽ phải được đào tạo, hướng dẫn, tập huấn để quản lý, sử dụng.
"Những thay đổi này sẽ tạo ra chi phí xã hội không nhỏ. Nếu tính ra giá trị kinh tế thì có thể còn lớn hơn nhiều con số 3.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư", bà Dung nói và nhấn mạnh, vấn đề này chưa thấy Chính phủ đánh giá tác động.
Vì vậy, bà đề nghị cần có lộ trình thực hiện thay đổi phương thức quản lý dân cư, bảo đảm hạn chế tối đa việc xáo trộn đối với người dân. Nơi nào đủ điều kiện thì cho làm thử nghiệm, sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tế của mỗi địa phương. Nếu triển khai đồng loạt trên toàn quốc mà thực hiện không hiệu quả, phải quay trở lại cách làm cũ sẽ tốn kém và tác động lớn đến đời sống xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đánh giá phương thức quản lý mới không chỉ giúp đơn giản về thủ tục giấy tờ, tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính, bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân mà còn khắc phục những bất cập trong quản lý cư trú hiện nay. "Với điều kiện phát triển nền kinh tế số như hiện nay thì dữ liệu điện tử nói chung và dữ liệu cơ sở quốc gia về dân cư được xem như một công cụ tư liệu, mang lại những hiệu quả kinh tế trong một số lĩnh vực", ông nói.
Ông Hồng bày tỏ sự thông cảm với cơ quan công an khi xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia chưa đúng tiến độ quy định trong Luật Căn cước công dân vì luật quy định ngân sách nhà nước đảm bảo, song đến nay ngân sách chưa thể bố trí. Tuy nhiên, đồng tình với đại biểu Dung, ông Hồng cho rằng cái gì mới, cái gì khó thì khi thực hiện cũng sẽ có độ vênh nhất định. "Tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lộ trình để có thể triển khai đồng bộ, tránh ảnh hưởng đến hoạt động chung của xã hội", ông Hồng nói.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: Hoàng Phong.
Giải trình, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, hiện nay Bộ đã cấp được khoảng 18 triệu mã số định danh và căn cước công dân. Với tổng dân số hơn 90 triệu người thì còn khoảng 80 triệu công dân chưa được cấp căn cước. Trong đó, người dưới 14 tuổi khoảng 30 triệu. Như vậy, trước mắt có khoảng 50 triệu dân cần được cấp căn cước công dân. Dự thảo luật dự kiến thông qua vào cuộc họp cuối năm, có hiệu lực từ 1/7/2021, nghĩa là Bộ Công an còn một năm để thực hiện.
"Chúng tôi sẽ hoàn thành việc cấp căn cước công dân trong một năm nữa, trước khi Luật có hiệu lực", đại tướng Tô Lâm khẳng định.
Lý giải cho sự tự tin này, ông Lâm nói Bộ Công an đã thu thập và đưa vào hệ thống thông tin dữ liệu của khoảng 80 triệu công dân. Việc này được đẩy nhanh tốc độ so với 4 năm trước (chỉ có 16 triệu) nhờ lực lượng công an chính quy được đưa về các xã. 99% các xã đã hoàn thành thu thập dữ liệu công dân, kiểm tra độ chính xác và đưa vào máy.
Số định danh cá nhân được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu này và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đây là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.
Từ tối 16/6, Bộ Công an bắt đầu làm thẻ căn cước công dân 12 số mới cho gần 500 đại biểu Quốc hội đang dự kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14. Thủ tục cấp thể căn cước công dân cho đại biểu các địa phương thực hiện ở nơi nghỉ, còn đại biểu Quốc hội trung ương và Đoàn Hà Nội là tại phòng Thăng Long, nhà Quốc hội. Thời gian cấp là ngoài giờ làm việc Quốc hội.
Nguồn VNE