BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: ‘Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã mở ra cơ hội mới cho tư nhân làm năng lượng’ 

Cập nhật ngày: 22/02/2020 - 18:40

Đánh giá về tác động của Nghị quyết 55, Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh, khẳng định nghị quyết này của Bộ Chính trị đã mở ra những cơ hội mới, to lớn và tiềm năng cho khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng.

Description: Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: ‘Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã mở ra cơ hội mới cho tư nhân làm năng lượng’

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhận xét về nghị quyết này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng Nghị quyết 55 có ý nghĩa rất to lớn, đặc biệt là đúng thời điểm bởi 2020 là năm cuối cùng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm cũng như chiến lược xây dựng kế hoạch phát triển đất nước trong 10 năm tới.

“Cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế, trong đó có các ngành công nghiệp, Việt Nam cũng đang bắt đầu chuyển biến và trở thành nước phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, chúng ta phải có chiến lược mới về năng lượng, được đặt chung trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để có những quyết sách và giải pháp đảm bảo yếu tố bền vững không chỉ cho an ninh năng lượng quốc gia mà còn có liên quan đến an ninh quốc gia, địa chính trị…”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói trên Thông tấn xã Việt Nam.

Đứng ở góc độ trình độ phát triển của Việt Nam đang được nâng cao nhưng các khung khổ luật pháp, chính sách đang này sinh bất cập, cản trở sự phát triển năng lượng và an ninh năng lượng của đất nước, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định: “Hơn bao giờ hết, an ninh năng lượng và năng lượng quốc gia rất cần những quan điểm, định hướng mới phù hợp với chuyển biến chung của toàn cầu để từ đó có thể định hình phát triển đất nước”.

Nói về tác động của Nghị quyết 55 tới tiến trình tư nhân tham gia phát triển năng lượng, người đứng đầu ngành Công Thương khẳng định Việt Nam đã đạt được nhiều dấu ấn rất tích cực trong việc huy động các nguồn lực xã hội, tư nhân phục vụ phát triển năng lượng.

Đơn cử như lĩnh vực điện năng, có 28% tổng công suất phát đến từ khu vực tư nhân, dưới các hình thức đầu tư đa dạng, hiệu quả như hợp đồng BOT, IPP… Khu vực tư nhân cũng tạo được thế đứng trong lĩnh vực năng lượng, kể cả điện, dầu khí, than.

Điều dễ thấy là chỉ có một số cơ chế, chính sách mới như: cơ chế giá cho điện mặt trời (Quyết định số 11/207/QĐ-TTg) hay giá cho điện gió (Quyết định Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011) đã chứng minh được tiềm năng rất lớn của khu vực tư nhân trong tham gia phát triển ngành điện.

“Nghị quyết 55 không chỉ nêu bật những định hướng quan trọng, nguyên tắc, mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản mà còn tạo thuận lợi cho tất cả các ngành kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia vào các lĩnh vực tiềm năng nói chung và năng lượng ở Việt Nam nói riêng. Đồng thời, Nghị quyết xác định chiến lược rất rõ ràng về định hướng phát triển bền vững năng lượng quốc gia thời gian tới: trong đó phải tập trung phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, phù hợp”, Bộ trưởng nói.

Lấy dẫn chứng cho nhận định trên, Bộ trưởng nêu rõ Nghị quyết 55 chỉ ra phải phát triển cân đối hài hòa các nguồn điện, nhưng tập trung khai thác, sử dụng hợp lý và phù hợp các nguồn năng lượng sơ cấp, hóa thạch trong nước, đồng thời tiếp tục ưu tiên năng lượng tái tạo, năng lượng điện khí… Nghị quyết 55 cũng xác định rõ các nguyên tắc để phát triển các nguồn năng lượng này một cách hiệu quả, đó là dựa trên yếu tố giá cả, công nghệ, độ an toàn.

Riêng với năng lượng tái tạo, nghị quyết tiếp tục xác định rõ cơ chế, chính sách mang tính đột phá nhằm tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia. Ở đây cũng phải kể đến quan điểm rất mới, mang tính quyết sách là tiếp tục xem xét và hình thành những trung tâm năng lượng tái tạo và những trung tâm này phải dựa trên nền tảng, lợi thế của công nghệ, vị trí địa lý, tiềm năng...

“Những điều này khẳng định Nghị quyết 55 đã mở ra những cơ hội mới, to lớn và tiềm năng cho khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Đồng thời, mở ra những cánh cửa mới và cho phép chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào một chiến lược với những cơ chế, chính sách mới, kể cả khung khổ luật pháp, không chỉ Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả… mà cả những luật mới như luật về năng lượng tái tạo cũng được tính toán theo tinh thần của Nghị quyết 55 để định hướng trong phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Nguồn VNF