BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ Tư pháp: Tổ chức Hội nghị chuyên đề về lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực 

Cập nhật ngày: 09/11/2023 - 08:27

BTNO - Ngày 8.11, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) tổ chức hội nghị trực tuyến chuyên đề về lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực. Dự hội nghị có ông Mai Lương Khôi - Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Thanh Hải - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.

Tại điểm cầu các tỉnh, thành phố.

Dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh có ông Nguyễn Minh Vũ- Phó Giám đốc Sở Tư pháp; đại diện lãnh đạo Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố; công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã.

9 tháng đầu năm 2023, việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực được triển khai đồng bộ, tương đối hiệu quả; đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm luôn được tập trung, bám sát. Việc thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án 06, đặc biệt là triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến, liên thông 2 nhóm TTHC liên quan đến đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú tại các địa phương đúng yêu cầu, bảo đảm các quyền khai sinh, cư trú và chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em dưới 6 tuổi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. 

Bộ Tư pháp bổ sung tính năng tạo lập bản điện tử giấy khai sinh, trích lục khai tử và hoàn thiện cơ sở pháp lý của việc cấp bản điện tử giấy tờ hộ tịch; kịp thời có văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện việc liên thông; tổ chức tập huấn trực tuyến về việc triển khai liên thông 2 nhóm TTHC cho các Sở Tư pháp, đồng thời thiết lập Nhóm kỹ thuật gồm đầu mối 63 Sở Tư pháp hỗ trợ thường xuyên trong quá trình triển khai.

Các địa phương bố trí trang thiết bị phục vụ giải quyết TTHC trên môi trường điện tử (máy scan, thiết bị ký số); phối hợp với Bộ Tư pháp trong cấp, quản lý tài khoản mới cho lãnh đạo UBND và Văn thư UBND cấp xã phục vụ cấp bản điện tử giấy tờ hộ tịch (tạo mới 25.707 tài khoản, nâng tổng số tài khoản người dùng trên hệ thống lên 46.707 tài khoản người dùng- gấp 3 lần so với trước đây).

Tính từ ngày 10.7.2023 đến 14 giờ ngày 25.10.2023, trên hệ thống tiếp nhận 265.847 hồ sơ liên thông TTHC liên quan đến khai sinh, 39.542 hồ sơ liên thông TTHC liên quan đến khai tử. Công tác kiểm tra, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ được Bộ Tư pháp và các địa phương chú trọng, chủ động thực hiện, có cơ chế giải quyết kịp thời, cơ bản đáp ứng được các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực. 

Các Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan đăng ký hộ tịch cấp dưới, hạn chế tình trạng vượt cấp trong quá trình xin ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ; phối hợp với các trường Trung cấp/Cao đẳng Luật, Học viện Tư pháp tổ chức lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch cho công chức làm công tác hộ tịch.

Tại điểm cầu Tây Ninh.

Việc triển khai công tác quốc tịch tại các địa phương tiếp tục được quan tâm. Công tác giải quyết các việc về quốc tịch thực hiện theo đúng quy định tại Luật Quốc tịch Việt Nam và văn bản hướng dẫn thi hành. Nhiều địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan (Công an, Ngoại vụ) trên địa bàn thực hiện xác minh hồ sơ quốc tịch theo chức năng, nhiệm vụ.

Trong công tác chứng thực, Bộ Tư pháp chỉ đạo các Sở Tư pháp tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động chứng thực, đặc biệt là việc chứng thực chữ ký người dịch tại Phòng Tư pháp; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm pháp luật; có văn bản hướng dẫn một số địa phương thực hiện thống nhất quy định về chứng thực chữ ký trên giấy uỷ quyền và trên giấy tờ, văn bản. Các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện cấp bản sao điện tử theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08.4.2020 của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. 

Sở Tư pháp phối hợp Sở Thông tin và truyền thông tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng sử dụng hệ thống chứng thực điện tử, quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính cho cán bộ, công chức của UBND cấp huyện, Phòng Tư pháp, UBND cấp xã tham gia vào quá trình giải quyết chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Tính đến thời điểm hiện nay đã có 2,4 triệu giấy tờ được chứng thực điện tử tại các địa phương trong cả nước.

Các đại biểu lắng nghe báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2023.

Tại hội nghị, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố tập trung thảo luận kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực như: việc triển khai công tác quốc tịch tại các địa phương; pháp luật về chứng thực; chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; việc chứng thực hợp đồng, giao dịch; số hoá sổ hộ tịch…

Ông Mai Lương Khôi - Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tổng hợp các ý kiến đã thảo luận trong hội nghị, giải đáp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai có hiệu quả các việc về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực trong thời gian tới.

Phương Thảo