Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bộ Tư pháp: Trả lời kiến nghị về công tác lý lịch tư pháp, bổ trợ tư pháp
Thứ ba: 22:03 ngày 17/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trên cơ sở thực tiễn triển khai nhiệm vụ về công tác lý lịch tư pháp (LLTP), bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, ngành Tư pháp Tây Ninh gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đối với công tác LLTP, ngành Tư pháp tỉnh đề nghị Bộ Tư pháp hoàn thiện, hệ thống pháp luật về LLTP; đề xuất các Bộ, ngành kết nối các phần mềm của cơ quan Công an, Kiểm sát, Toà án, Thi hành án, Tư pháp (phần mềm LLTP) theo hướng nhập một luồng thông tin đầu vào các cơ quan tiếp theo nhập giai đoạn tiếp theo, nhằm hỗ trợ rà soát thông tin bảo đảm thông tin chính xác, tiết kiệm nhân lực, thời gian, chi phí, kịp thời (tránh trường hợp cùng một người nhưng 5 ngành cùng nhập hồ sơ đầu vào gây mất thời gian, chi phí, nhân lực, không kịp thời và đôi khi thông tin không chính xác).

Một phiên toà có sự tham gia của trợ giúp viên pháp lý.

Về vấn đề này, Bộ Tư pháp cho biết, thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6.1.2022 và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 9.7.2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu LLTP tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Bộ Tư pháp đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 06 và Chỉ thị số 23. Trong đó, có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan có liên quan thuộc Bộ Công an nghiên cứu giải pháp kết nối Cơ sở dữ liệu LLTP với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu thi hành án dân sự, Cơ sở dữ liệu do ngành Công an, Cơ sở dữ liệu của Bộ Quốc phòng, Toà án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân.

Hiện nay, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm LLTP quốc gia và Cục Công nghệ thông tin phối hợp đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất giải pháp kết nối Cơ sở dữ liệu LLTP với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan nhằm khắc phục những khó khăn trong công tác phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin LLTP giữa cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP với các cơ quan đầu mối cung cấp thông tin.

Về bổ trợ tư pháp, ngành Tư pháp tỉnh đề nghị Bộ Tư pháp sớm có kế hoạch tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng, nhằm phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, thừa phát lại để đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhiệm vụ tại địa phương.

Trả lời nội dung này, Bộ Tư pháp cho biết, ngày 5.12.2024, Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng lần thứ năm đã ban hành Quyết số 2317/QĐ-HĐKT; theo đó, việc tổ chức kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng sẽ được tổ chức vào ngày 21-22.12.2024 tại Thành phố Hà Nội (đối với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc) và Thành phố Hồ Chí Minh (đối với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam). Thông tin về kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng lần thứ năm đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

Để bảo đảm tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ được bổ nhiệm chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng I, bảo đảm được tính thứ bậc, phân rõ tầng nấc và có sự tương thích, hài hoà giữa chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng I và hạng II, ngành Tư pháp tỉnh kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư số 05/2022/TT-BTP (đề xuất bổ sung thêm điều kiện: “hoặc thực hiện ít nhất 10 vụ việc tham gia tố tụng thành công tại Toà án Nhân dân cấp tỉnh”).

Đối với kiến nghị này, Bộ Tư pháp ghi nhận và sẽ có nghiên cứu trong quá trình tham mưu hoàn thiện thể chế về trợ giúp pháp lý.

Thiên Di

Tin cùng chuyên mục