Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bộ Y tế không bắt buộc công dân hiến máu 1 lần/năm
Thứ hai: 15:29 ngày 09/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bộ Y tế cho biết không bắt buộc công dân hiến máu 1 lần/năm mà chỉ đẩy mạnh hiến máu tự nguyện.

Hiến máu tình nguyện tại ngày hội Chủ nhật đỏ

Trước thông tin về việc Bộ Y tế đề xuất quy định "bắt buộc các công dân hiến máu1 lần/năm, ngoại trừ 1 số trường hợp" trên một số phương tiện thông tin, đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế chủ trương việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.

Theo Bộ Y tế, máu và các chế phẩm từ máu là loại thuốc đặc biệt, chỉ được lấy từ người và đến nay mặc dù các nhà khoa học đã có nhiều công trình nghiên cứu để tìm các chất thay thế máu nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Do vậy, máu người vẫn là nguồn nguyên liệu chính để cấp cứu và điều trị bệnh nhân trong giai đoạn hiện nay.

Hiện nay, việc hiến máu tại Việt Nam được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các cá nhân, do vậy, để bảo đảm đủ máu cho công tác điều trị cũng như bảo đảm an toàn truyền máu thì cần có chính sách của Nhà nước đối với vấn đề này. Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Luật về máu và tế bào gốc trình Quốc hội xem xét và phê duyệt nhằm khắc phục được tình trạng thiếu máu để phục vụ cho hoạt động điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó đề cập xin ý kiến cho hai giải pháp: Giải pháp 1 với quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 01 năm/lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu. Và giải pháp 2 là quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu.

Qua kết quả khảo sát, đánh giá tác động của Bộ Y tế cho thấy, cả hai giải pháp đều không tác động đến tăng chi cho Nhà nước mà chỉ tăng chi cho Quỹ BHYT với mức tăng chi bình quân khoảng 500 tỷ đồng/năm.

Việc quy định hiến máu là nghĩa vụ của công dân có mặt tích cực là giúp cho có nguồn máu đầy đủ và ổn định và nếu thực hiện chính sách này thì hằng năm sẽ tiêu tốn khoảng 4.180 tỷ đồng, trong đó: Quỹ bảo hiểm y tế sẽ phải tăng chi khoảng 400 tỷ/năm, chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 3.200 tỷ để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sử dụng để đi hiến máu và bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra tên 580 tỷ cho việc đi lại phục vụ cho việc hiến máu.

Còn nếu coi việc hiến máu là tự nguyện và trong điều kiện lý tưởng là có 18,2 triệu người hiến máu tình nguyện trong một năm thì hằng năm sẽ tiêu tốn khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó: Quỹ BHYT sẽ phải tăng chi thêm khoảng 524 tỷ/năm, chủ sử dụng lao động sẽ phải bỏ ra khoảng 1.250 tỷ để chi trả tiền lương cho khoảng thời gian mà người lao động sử dụng để đi hiến máu và bản thân người lao động sẽ phải bỏ ra trên 217 tỷ cho việc đi lại phục vụ cho việc hiến máu.

Tham khảo pháp luật quốc tế cho thấy, toàn bộ các quốc gia có ban hành Luật về máu thì không có quốc gia nào quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân, kể cả Trung Quốc. 

Cũng theo đánh giá của Bộ Y tế, nếu sử dụng giải pháp 1 thì sẽ xuất hiện một lượng máu dư thừa khá lớn không cần thiết là khoảng gần 28 triệu (theo tính toán của Tổ chức y tế thế giới thì một năm một quốc gia cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm tương đương với 18,2 triệu đơn vị máu và nếu quy định nghĩa vụ hiến máu của công dân thì sẽ có 46 triệu đơn máu/năm). Bên cạnh đó, việc sử dụng giải pháp 1 cũng làm tăng chi phí của xã hội lên gấp đôi cho với việc sử dụng giải pháp 2.

Với những phân tích trên, Bộ Y tế chọn giải pháp 2 “Quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu” để vừa phù hợp với thực tiễn, phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội.

Bên cạnh đó, do nội dung của các chính sách được xác định có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân vì vậy theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì thẩm quyền ban hành chính sách thuộc Quốc hội. Việc này, đã đưa vào dự thảo Luật về máu và tế bào gốc, trình quốc hội năm 2017.

Theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở các nước đang phát triển, nhu cầu máu dựa trên số dân của mỗi nước, cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm. Như vậy mỗi năm với dân số 90 triệu dân (Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ thời điểm 01/4/2014), Việt Nam cần khoảng 1, 8 triệu đơn vị máu. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế năm 2016, cả nước tiếp nhận khoảng 1,2 triệu đơn vị máu (đáp ứng 66% nhu cầu về máu và tỷ lệ hiến máu đạt 1,4% số dân hiến máu).

Nguồn baogiaothong

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh