Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 29.7, đoàn kiểm tra công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.
Tiếp và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến- Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tây Ninh cùng lãnh đạo Sở Y tế, Sở NN&PTNT.
Đoàn công tác trung ương kiểm tra thực tế công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng.
Trước khi làm việc với tỉnh, đoàn đã đến kiểm tra thực tế tại công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng và công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tây Ninh, 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn tỉnh xảy ra 66 vụ thiên tai, làm 11 người bị thương, 996 căn nhà bị sập, tốc mái; trên 800 ha cây trồng bị ảnh hưởng và thiệt hại khác. Tổng giá trị thiệt hại hơn 28 tỷ đồng. So với cùng kỳ 2018 thiên tai xảy ra nhiều hơn trên địa bàn tỉnh (tăng 41 vụ), giá trị thiệt hại nặng hơn (tăng trên 22 tỷ đồng).
Xác định nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, UBND các cấp, dó đó tỉnh luôn chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng thực hiện phòng chống thiên tai theo phương châm bốn tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, huy động lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ” và ba sẵn sàng “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”.
Về công tác chuẩn bị và thực hiện phương án ứng phó với các loại hình thiên tai tại địa phương trong mùa mưa bão năm 2019, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tây Ninh đã chủ động xây dựng các phương án phòng chống, ứng phó với tình trạng ngập úng; phương án phòng chống, ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới; phương án phòng chống, ứng phó bão, bão mạnh, rất mạnh; phương án phòng chống thiên tai theo cấp độ rủi ro; các kế hoạch ứng phó sự cố, bức xạ hạt nhân trên địa bàn tỉnh; kế hoạch ứng phó sự cố cháy rừng.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc.
Để công tác phòng chống thiên tai đạt hiệu quả, tỉnh cũng đã cho xác định các khu vực xung yếu, dễ bị ảnh hưởng, số hộ dân, công trình bị ảnh hưởng cần di dời; lập phương án bảo vệ hồ đập, công trình thủy lợi xung yếu trong mùa mưa; phương án phòng, chống lụt bão vùng hạ du hồ Dầu Tiếng, hồ Tha La, đặc biệt sơ tán dân vùng hạ lưu trong trường hợp hồ chứa nước xả lũ; công tác huy động sự tham gia của doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn để phục vụ phòng chống thiên tai khi cần thiết;
Ngoài ra, để chủ động chuẩn bị ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động ban hành kế hoạch điều hành, hướng dẫn công tác cứu hộ cứu nạn 2019; Bộ cũng chỉ đạo Ban CHQS huyện Tân Biên tham mưu tổ chức diễn tập phương án ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ngành y tế chủ động xây dựng phương án tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; củng cố các cơ sở khám, chữa bệnh, thành lập các đội chống dịch, có kế hoạch dự trù hoá chất phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường sau thiên tai.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cho biết, để công tác phòng thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả, Ban chỉ huy các cấp đã chủ động rà soát, điều chỉnh, cập nhật bổ sung kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai hằng năm phù hợp điều kiện thực tế địa phương; bố trí kinh phí chi hỗ trợ thiệt hại đối với các trường hợp bị thiên tai; tăng cường truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao năng lực, khả năng ứng phó thiên tai trong cộng đồng dân cư;…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu tại buổi làm việc.
Để giúp địa phương chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tây Ninh đề nghị đoàn kiểm tra Trung ương báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương hỗ trợ tỉnh về văn bản hướng dẫn xây dựng khung mô hình đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, thành lập Đội xung kích phòng chống thiên tai, hỗ trợ địa phương tập huấn công tác ứng phó giờ đầu khi xảy ra các tình huống thiên tai.
Đề nghị Trung ương xem xét sửa đổi hoặc rút ngắn quy trình hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh gây ra. Xem xét sửa đổi Nghị định 94/2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng chống thiên tai (trách nhiệm cơ quan thuế các cấp, mức hỗ trợ thù lao người đi thu phí, quy định mức giảm, tạm hoãn đóng góp quỹ…). Xem xét hỗ trợ kinh phí để Tây Ninh thực hiện dự án nâng cấp, sửa chữa đập cao su hồ chứa nước Tha La.
6 tháng đầu năm 2019, thiệt hai do thiên tai gia tăng ở Tây Ninh- Ảnh minh hoạ: Nông dân nhổ mì chạy lũ
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao công tác chủ động, sẵn sàng ứng phó thiên tai của Tây Ninh; đồng thời ghi nhận những kiến nghị của tỉnh đối với công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tây Ninh cần triển khai lồng ghép chương trình phòng chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phối hợp với các ngành trung ương xây dựng các bản đồ cảnh báo nguy cơ thiên tai tại những vị trí xung yếu. Quan tâm, bố trí lực lượng xung kích làm công tác phòng, chống thiên tai.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cũng lưu ý địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức cho cộng đồng dân cư về phòng chống thiên tai. Ngành Y tế Tây Ninh cần rà soát, cập nhật kế hoạch, phương án phối hợp di dời dân cư khi xảy ra thiên tai; củng cố đội phòng chống dịch của y tế; dự trữ hóa chất xử lý nước cũng như thuốc chữa bệnh; chủ động phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.
Yên Khuê