Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bộ Y tế: Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2018
Chủ nhật: 10:06 ngày 02/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 1.12, tại Công viên Văn Lang (Quận 5), Bộ Y tế phối hợp UBND TP.HCM tổ chức lễ mít tinh cấp quốc gia hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm 2018.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại lễ mít tinh.

Phát biểu tại lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2018 là năm thứ 10 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được khống chế, giảm cả 3 tiêu chí: số người nhiễm mới, số người chuyển sang AIDS và số người tử vong do AIDS.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đã và đang triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV, tuy nhiên vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức như: số người nhiễm mới HIV đang gia tăng trong một số nhóm người có nguy cơ cao; công tác dự phòng HIV còn nhiều khoảng thiếu hụt và cần được quan tâm hơn; tiến trình chuyển đổi dịch vụ điều trị HIV sang nguồn bảo hiểm y tế và hòa nhập vào hệ thống y tế chung vẫn đang khó khăn; nhiều người dân vẫn chưa tiếp cận được đầy đủ tới các dịch vụ phòng chống HIV và tiếp tục bị kỳ thị, phân biệt đối xử…

Thống kê của Bộ Y tế, hiện Việt Nam có khoảng 208.000 người nhiễm HIV. Mỗi năm nước ta có khoảng hơn 8.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện và khoảng 3.000 - 4.000 người tử vong vì AIDS.

Với chủ đề của Tháng hành động năm 2018 “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS vào năm 2030”, Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể trung ương và UBND các tỉnh thành phố, các tổ chức xã hội, ngành y tế và mỗi người dân cần hành động để mọi người đều có thể tiếp cận các dịch vụ dự phòng không bị lây nhiễm HIV; Hành động để người có hành vi nguy cơ cao tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm HIV; Hành động để tất cả người chẩn đoán nhiễm HIV được tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV sớm và tuân thủ điều trị để đảm bảo việc điều trị có hiệu quả; Hành động để mọi người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế để có thể điều trị HIV/AIDS lâu dài và bền vững.

Bà Marie- Odile Emond, Giám đốc UNAIDS tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

Lãnh đạo các ngành, các cấp cần tiếp tục nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS, không lơ là chủ quan; Tăng cường đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS không chỉ bằng nguồn ngân sách trung ương mà các địa phương phải xem xét cân đối để đầu tư thỏa đáng.

Ngành y tế cần tăng cường cung cấp các dịch vụ để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết, bảo đảm quyền được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV của tất cả mọi người dân. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, can thiệp như bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, Buprenorphine, tư vấn xét nghiệm HIV; mở rộng điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV cũng như dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Đẩy mạnh hơn nữa việc xét nghiệm tải lượng virus vì không chỉ là biện pháp chuyên môn kỹ thuật mà cũng là một trong các biện pháp để đo lường mục tiêu 90-90-90. Huy động các tổ chức cộng đồng cùng tham gia cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV…

Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam, bà Marie- Odile Emond, Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam cho biết, trong năm 2018, Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ các nỗ lực nhằm mở rộng dịch vụ xét nghiệm HIV cũng như tiếp tục giữ vững cam kết và biến cam kết trong phòng chống HIV thành hành động hướng tới thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020.

Quang cảnh lễ mít tinh.

Bên cạnh đó, công tác phòng chống HIV của Việt Nam cũng đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử khi Việt Nam sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ điều trị kháng HIV do bảo hiểm y tế chi trả vào tháng 1.2019 tới đây. Việc cung cấp điều trị kháng HIV thông qua bảo hiểm y tế và hệ thống y tế chung sẽ tạo điều kiện cho những người đang điều trị kháng HIV dễ dàng tiếp cận cả các dịch vụ chăm sóc y tế khác ngoài HIV.

Bà Marie- Odile Emond khẳng định, đây là một bước chuyển mang ý nghĩa to lớn hướng tới một chương trình điều trị HIV bền vững, với dịch vụ điều trị đảm bảo chất lượng và chi phí phải chăng, đóng góp cho nỗ lực chung hướng tới tiếp cận phổ cập về chăm sóc sức khỏe…

Sau lễ mít tinh, các đại biểu cùng tham quan triển lãm hoạt động phòng chống HIV/AIDS được trưng bày tại công viên; thăm và tặng quà cho bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.

Song Nhi

Tin cùng chuyên mục