Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tên gọi sữa tiệt trùng từ nay sẽ biến mất, thay vào đó, Bộ Y tế quyết định trả lại tên cho sữa nước: sữa tươi chế biến từ sữa bò tươi, sữa hoàn nguyên là pha từ sữa bột.
Quy trình tạo sản phẩm sữa tươi, sữa tiệt trùng - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Bỏ khái niệm sữa tiệt trùng, thay vào đó là sữa tươi và sữa hoàn nguyên, quy định mới của Bộ Y tế được cho là làm cho thị trường sữa minh bạch, tránh tình trạng nhập nhèm trên nhãn sữa hiện nay.
Sữa tươi là sữa tươi nào?
Chị Nhân, ngụ tại Quận 9, TP.HCM, cho biết thường chọn mua sữa nước khi tin rằng đó là sản phẩm sữa tươi 100%. “Tôi nghĩ dinh dưỡng thì hai loại sữa tươi nước hay sữa pha nước thì như nhau, nhưng tôi thích vị sữa tươi hơn” - chị Nhân cho biết.
Ghi nhận trên thị trường sữa TP.HCM, ngành hàng sữa nước là một trong những mặt hàng chiếm nhiều ưu thế tại quầy kệ các cửa hàng, siêu thị. Tại siêu thị Co.op Mart Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp, quầy sữa nước chiếm hàng đủ chủng loại sữa tươi tiệt trùng, sữa dinh dưỡng pha sẵn, sữa chua uống...
Theo nhân viên ở đây, tất cả các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa hay không có nguồn gốc từ sữa đều được xếp chung vào gian hàng sữa chế biến lỏng và trình bày theo lứa tuổi.
Giá sữa tươi 100% đang được bán khoảng 31.000 đồng/lít, trong khi giá sữa tươi pha bột cũng có mức tương đương. Xét về chủng loại, hương vị, các sản phẩm sữa nước của các doanh nghiệp trong nước có ưu thế hơn hẳn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thực phẩm, nhiều công ty sản xuất đã nhập khẩu sữa bột từ nước ngoài về pha loãng và ghi “sữa tiệt trùng” rồi quảng cáo với những từ như “tươi ngon”, “nguyên chất” hay “thiên nhiên”...
Cách làm này khiến người tiêu dùng quên hoặc không biết đến bản chất thực sự của nguyên liệu nên không ít đã mua hàng vì nghĩ đó là sữa tươi.
Trong khi đó, một sản phẩm được gọi là sữa tươi khi được sản xuất hoàn toàn hoặc chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu, không bổ sung bất kỳ thành phần nào của sữa (nhưng có thể bổ sung đường và các loại nguyên liệu khác).
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện sản lượng sữa bò tươi sản xuất trong nước của Việt Nam mới đáp ứng được 40% nhu cầu, do đó rất nhiều công ty đã nhập khẩu sữa bột pha lại, gọi là hoàn nguyên thành sữa nước để bán thị trường.
Với quy định từ trước đến nay trong việc ghi chung chung là sữa tiệt trùng, rất khó phân biệt được đâu là sữa tươi thực sự, đâu là sữa bột hoàn nguyên hay sữa hỗn hợp của các loại sữa nói trên.
Tuy không có nước nào cấm sử dụng sữa bột để hoàn nguyên thành sữa nước bán trên thị trường nhưng ông Vang cho rằng cần phải minh bạch nguồn gốc sản phẩm để người tiêu dùng phân biệt và lựa chọn.
Và việc Bộ Y tế quy định lại nhãn sữa từ “sữa tiệt trùng” thành “sữa hoàn nguyên” hay “sữa hỗn hợp” là một hình thức làm minh bạch thị trường sữa như vậy.
Hai bộ cùng quản lý sữa
Theo báo cáo của Bộ Công thương, tính đến hết năm 2015, cả nước có 74 doanh nghiệp sản xuất chế biến sữa với 26 nhà máy chế biến. Theo Luật An toàn thực phẩm, quản lý sữa chế biến thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương, tuy nhiên theo đại diện Bộ Công thương, bộ chỉ quản lý sữa chế biến không bổ sung vi chất dinh dưỡng, đối với sữa chế biến dạng lỏng có bổ sung vi chất dinh dưỡng do Bộ Y tế quản lý.
Nguồn TTO