BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bộ Y tế và BHXH cần 'ngồi lại', chia sẻ với nhau 

Cập nhật ngày: 21/10/2017 - 22:23

Trong khi Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cảnh báo nguy cơ vỡ quỹ BHYT có thể xảy ra sau 2 năm nữa, một phần nguyên nhân do tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ xảy ra tại các bệnh viện hiện nay, thì ngành y tế lại cho rằng BHXH VN không được gây cản trở khó khăn để các cơ sở y tế căng thẳng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.

Tại buổi đối thoại về chính sách BHYT khu vực phía Bắc, tổ chức ngày 19/10 tại Hà Nội, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến, BHXH Việt Nam cho biết, 9 tháng đầu năm nay, mức chi BHYT cho khám chữa bệnh tăng vọt.

Trong đó có 35 tỉnh, thành phố có số chi BHYT tăng trên 100% như Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị, Tuyên Quang… khiến quỹ BHYT giao cho các tỉnh này bị âm hàng nghìn tỷ đồng.

Nguyên nhân được chỉ ra là do tăng giá dịch vụ y tế và đáng chú ý là số lượt khám chữa bệnh BHYT cơ học tăng đột biến. Trong đó, việc các cơ sở khám, chữa bệnh chỉ định dịch vụ không hợp lý, lạm dụng, tìm nhiều cách để trục lợi quỹ.

Ông Dương Tuấn Đức nêu ví dụ điển hình ở nhiều bệnh viện tuyến huyện, công suất sử dụng giường bệnh chỉ khoảng 40-50% nhưng vẫn kê thêm giường bệnh ngoài số giường kế hoạch tới 380% nhằm… "trục" tiền BHYT chi trả theo đầu giường bệnh; tại bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh, số lượt khám chữa bệnh BHYT quý III/2017 tăng gấp đôi so với quý II, chi khám chữa bệnh BHYT tăng 32%...

Theo đại diện BHXH, tình trạng lạm dụng dịch vụ kỹ thuật, chỉ định chiếu chụp, xét nghiệm cũng phổ biến... Tất cả những nguyên nhân này không chỉ khiến quỹ BHYT bị bòn rút mà chính người bệnh bị thiệt thòi vì phải đồng chi trả.

Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, việc tăng chi tiền khám chữa bệnh BHYT vừa qua không hẳn chỉ đáng lo mà còn đáng mừng bởi người dân được hưởng nhiều quyền lợi hơn, được chi trả nhiều hơn, được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn.

Bộ trưởng chia sẻ, từ năm 2010-2016 quỹ BHYT có kết dư 49.000 tỷ, số kết dư này không hẳn là điều đáng mừng, vì kết dư quỹ là vì kỹ thuật cao ở bệnh viện tuyến dưới chưa có, người dân chưa được thụ hưởng, thậm chí nhiều bệnh nhân tuyến dưới vì thấy thủ tục khám chữa bệnh phiền toái mà mức được BHYT chi trả không nhiều nên tự ý chuyển sang khám dịch vụ.

"Quỹ BHYT là quỹ ngắn hạn, là tiền của nhân dân và phải sử dụng cho nhân dân. Hiện nay, giá dịch vụ khám chữa bệnh chưa được tính đúng tính đủ, bệnh nhân có BHYT mới chỉ được hưởng vài dịch vụ kỹ thuật cao; hay đi khám cao huyết áp mà chỉ được hưởng vài loại thuốc BHYT thì ai còn tham gia BHYT nữa", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng nhừa nhận với tình trạng bội chi quỹ BHYT hiện nay thì số tiền kết dư 49.000 tỷ đồng chỉ có thể đảm bảo duy trì cân đối quỹ được 2-3 năm tới, tuy nhiên, đây là nhiệm vụ của cả ngành y tế và BHXH, làm sao vừa phải bảo tồn quỹ vừa phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Các bệnh viện không thể tiêu "thoải mái" quỹ BHYT, nhưng BHXH cũng không được gây cản trở khó khăn để các cơ sở y tế căng thẳng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.

Cũng tại buổi đối thoại, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, để tồn tại những vướng mắc trong khám chữa bệnh BHYT như hiện nay là lỗi của cả Bộ Y tế và BHXH Việt Nam. Hai bên chưa ngồi lại với nhau một cách thông cảm chia sẻ. Nguyên tắc quỹ khám chữa bệnh BHYT là số người đóng đủ để chi trả cho người thực hiện dịch vụ trong năm. Năm 2017, dự kiến quỹ BHYT có thể mất cân đối 10.000 tỷ đồng nhưng vẫn còn kết dư 39.000 tỷ đồng.

“Nguyên nhân mất cân đối quỹ rất rõ, đừng đổ lỗi cho Bộ Y tế hay BHXH. Tăng chi phí khám chữa bệnh 30-33%, mức đóng thấp, hưởng cao, lại không có trần thì chuyện mất cân đối có thể hiểu được”, ông Lợi nói.

Đại diện Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị hai bên cần bàn bạc để giải quyết các vướng mắc. Các bên xem xét lại hướng dẫn về phân hạng bệnh viện, định mức bác sĩ khám bệnh; có cần thiết giao chỉ tiêu chi phí khám chữa bệnh cho cơ sở y tế không; thực hiện kết nối mạng cơ sở khám chữa bệnh với trung tâm giám định bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội quản lý quỹ chặt chẽ nhưng đúng nguyên tắc bảo toàn quỹ, thanh quyết toán kịp thời…

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, ngành đang điều chỉnh những bất cập trong nghị định thực hiện Luật bảo hiểm y tế, thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế, tiếp tục xây dựng phác đồ điều trị chuẩn. Các cơ sở y tế không được lạm dụng xét nghiệm, kỹ thuật, thuốc… Về phía BHXH cũng cần thực hiện đúng trách nhiệm nhà nước giao.

Nguồn chinhphu