Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đại hội đảng
Bồi dưỡng học sinh giỏi-kết quả chưa như mong đợi
11/05/2017 - 18:05

(BTNO) - Trong mấy năm qua, dù đã được đầu tư nhiều công sức và cả tài chính, nhưng kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia của Tây Ninh vẫn chưa được như kỳ vọng. Gần đây nhất, tại kỳ thi năm học 2016 - 2017 vừa qua, đội tuyển Tây Ninh có 48 học sinh dự thi. Kết quả, toàn đội giành được 9 giải, gồm 2 giải Ba và 7 giải Khuyến khích.

Đội tuyển Tây Ninh trong một lần dự thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.

Sau khi có kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2016 - 2017, Sở Giáo dục - Đào tạo và Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha đã tổ chức một cuộc họp rút kinh nghiệm xung quanh công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.

Tại cuộc họp này, nhiều giáo viên đang dạy tại Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha đã phát biểu xoay quanh vấn đề làm thế nào để ngày càng có nhiều học sinh đoạt giải quốc gia. Một giáo viên nam cho rằng: trong nhiều năm qua, chất lượng đề thi học sinh giỏi vòng tỉnh còn một khoảng cách khá xa so với đề thi vòng quốc gia. Giáo viên này chỉ ra, có hiện tượng đề thi chọn học sinh giỏi vòng tỉnh được tải về từ mạng internet (có sửa chữa, thêm bớt).

Một giáo viên dạy môn Toán kiến nghị: cần cấp học bổng cho học sinh tham dự đội tuyển thi chọn học sinh giỏi quốc gia, không phân biệt học sinh trường chuyên hay trường phổ thông đại trà; mặt khác, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét cho trường chuyên thêm khoảng 10% số giáo viên (so với quy định)- gọi là giáo viên dự phòng để có thời gian đầu tư chuyên môn. Hiện nay, có một số trường chuyên trong khu vực Đông Nam bộ và khu vực khác đã áp dụng chính sách này.

Vị giáo viên này cũng đề nghị cần tăng số tiết bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường chuyên lên 300 tiết, thậm chí 400 (quy định hiện hành: tối đa 200 tiết). Căn cứ đưa ra là phần lớn kiến thức bồi dưỡng học sinh giỏi đều được huy động bên ngoài chương trình và sách giáo khoa. Dạy bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường chuyên để tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia là công việc khá vất vả, do đó cần xem xét chế độ cho hợp lý.

Đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi vòng tỉnh, vị này cho rằng, lãnh đạo Sở GD-ĐT có thể xem xét tách kỳ thi này thành hai, gồm một kỳ thi có tính phong trào cho các trường trong tỉnh và kỳ thi riêng để chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia.

Theo ý kiến của một cô giáo dạy môn Sinh học, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia đang gặp khó khăn. Nhà trường thường có hai thế hệ giáo viên: lớn tuổi và trẻ tuổi. Giáo viên trẻ thường kiến thức chưa sâu, kinh nghiệm còn thiếu cho dù là có tâm huyết. Trong khi đó, lớp giáo viên đã luống tuổi thường là sức khoẻ không bảo đảm và khó tiếp cận, cập nhật kiến thức mới.

Để nâng cao trình độ của giáo viên, cấp trên nên nghiên cứu lại việc mời chuyên gia về dạy cho giáo viên tại tỉnh nhà như mấy năm qua. Thay vào đó, có thể tạo điều kiện cho giáo viên đi học ghép với đồng nghiệp ở các tỉnh bạn, tốt nhất là ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội- hai trung tâm khoa học, giáo dục lớn nhất cả nước.

Cô giáo dạy môn Sinh học còn mạnh dạn đề xuất cần có phản biện về đề thi chọn học sinh giỏi vòng tỉnh. Bởi theo cô, đề thi chọn học sinh giỏi vòng tỉnh đang ở mức rất thấp so với đề thi vòng quốc gia. Đối với công tác tổ chức, việc mời giáo viên các trường THPT đại trà trong tỉnh tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi có những hạn chế nhất định.

Lý do, những đồng nghiệp này chỉ thỉnh thoảng mới dạy, không có tài liệu, không tham gia tập huấn để có thể dạy chuyên sâu và có hiệu quả, đặc biệt là các môn khoa học tự nhiên và Tiếng Anh. Cô cũng cho biết thêm, từ năm 2013 trở về sau này, đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia ngày càng khó, đặc biệt là các môn khoa học tự nhiên.

Một giáo viên dạy môn Tiếng Anh nêu ý kiến: “Lịch tập huấn dành cho giáo viên tiếng Anh trong năm quá nhiều. Có những năm có tới 5 giáo viên đi tập huấn khiến đội ngũ giáo viên còn lại ở trường quá mỏng”. Cần tăng thời lượng bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, vì trong thực tế thời gian để các em luyện nói tiếng Anh còn ít. Trong khi đó, một vị lãnh đạo nhà trường cho rằng: số lượng học sinh trường chuyên tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi vòng tỉnh còn khá khiêm tốn- mỗi môn chỉ có 7 em, vì vậy cần tăng lên thành 10 hoặc 20 em để “rộng cửa” chọn học sinh giỏi vòng tỉnh, từ đó “lọc” ra những cá nhân xuất sắc nhất tham gia bồi dưỡng kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia.

Theo ông Hồ Hải Thọ- Trưởng Phòng Giáo dục phổ thông thuộc Sở GD-ĐT, những ý kiến đề xuất, kiến nghị trên sẽ được tổng hợp, trình ban giám đốc Sở nghiên cứu. Trước kiến nghị của giáo viên về việc không được biết đáp án bài thi trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, lãnh đạo Sở cho biết, đã tìm mọi cách để “xin” đáp án bài thi từ Bộ GD-ĐT để cung cấp cho giáo viên nghiên cứu, nhưng nỗ lực này hiện chưa mang lại kết quả. Ông Nguyễn Văn Phước- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT đề nghị ban giám hiệu trường chuyên chấn chỉnh những mặt hạn chế, tồn tại trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi nhằm cải thiện chất lượng và thành tích của đội tuyển.

Trong mấy năm qua, dù đã được đầu tư nhiều công sức và cả tài chính, nhưng kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia của Tây Ninh vẫn chưa được như kỳ vọng. Gần đây nhất, tại kỳ thi năm học 2016 - 2017 vừa qua, đội tuyển Tây Ninh có 48 học sinh dự thi. Kết quả, toàn đội giành được 9 giải, gồm 2 giải Ba và 7 giải Khuyến khích.

Hai giải Ba ở môn Vật lý và Hoá học, các giải Khuyến khích rơi vào các môn Toán, Ngữ văn và Lịch sử. 8 trong 9 thí sinh đạt giải đều là học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (trường hợp còn lại là của Trường THPT Tây Ninh). Nói chung về kết quả, kỳ thi chọn học sinh giỏi năm nay không có nhiều đột biến, các địa phương dẫn đầu vẫn là Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An và TP. Hồ Chí Minh.

Khách quan mà nói, mấy năm qua, đội ngũ giáo viên, học sinh Tây Ninh (nòng cốt là lực lượng của Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha) đã nỗ lực rất nhiều nhưng kết quả chưa như mong đợi.

VIỆT ĐÔNG

Từ khóa:
Tin liên quan