Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bồi hồi với đầu lân thủ công của cụ ông 75 tuổi
Thứ hai: 07:24 ngày 29/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Không cầu kỳ, hoành tráng như những chiếc đầu lân được chế tác để múa, đầu lân do ông Nguyễn Văn Nuôi (xã Thái Bình, huyện Châu Thành) làm ra mộc mạc, đơn sơ, gợi nhớ ký ức tuổi thơ những ngày tết đội đầu lân đánh trống tùng xèng đi khắp xóm.

Làm đầu lân phải kiên nhẫn và tỉ mỉ.

Những ngày cuối năm, phố xá náo nhiệt, không khí khắp nơi vội vã, tất bật; riêng một góc nhỏ trên con đường tỉnh 781, những chiếc đầu lân lặng lẽ đung đưa theo gió. Ghé thăm “xưởng” của ông Nuôi, bên trong nhà ngổn ngang những đầu lân, cái đã hoàn thiện, cái vẫn còn dở dang chưa được tô vẽ.

Căn nhà thuê này là nơi hai vợ chồng ông Nuôi trú ngụ, cũng là nơi ông tạo ra những tác phẩm nghệ thuật truyền thống. Cứ đều đặn mỗi ngày sau khi ăn sáng, uống xong cách trà, ông Nuôi lại ngồi vào góc làm việc quen thuộc, tỉ mỉ, cặm cụi với những chiếc đầu lân cho đến sập tối.

“Mấy món đồ chơi như thế này con nít thích lắm, người lớn thì mua về trang trí cho đẹp nhà mấy ngày tết”- ông Nuôi nói.

Ông cụ năm nay đã 75 tuổi, có 9 năm gắn bó với cái nghề này. Ngắm nghía một chiếc đầu lân vừa hoàn thành, ông Nuôi tâm sự: “Tiếng trống lân hay những điệu múa lân rộn rã luôn làm tôi thổn thức, nhất là khi nhìn thấy mấy đứa nhỏ thích thú, biểu diễn với đầu lân do mình làm ra”.

Những năm trước, sức khoẻ còn tốt, ông Nuôi thường chở đầu lân đi khắp nơi rao bán. Giờ tuổi cao nên ông chỉ làm rồi treo phía trước nhà, bán lai rai ngày qua ngày kiếm thêm chút tiền trang trải cuộc sống.

Những nét vẻ tỉ mỉ.

Đầu lân của ông Nuôi được làm hoàn toàn thủ công.

“Hai vợ chồng tôi già cả nên không chi tiêu gì nhiều. Bà nhà đi giúp việc, tôi ở nhà làm đầu lân cũng có chút thu nhập”- ông Nuôi tâm sự.

Để làm ra một chiếc đầu thủ công cũng tốn khá nhiều công sức với những công đoạn cần sự chịu khó, kiên nhẫn và tỉ mỉ. Các khâu làm đầu lân đều thực hiện thủ công và hoàn toàn do một tay ông Nuôi tự làm lấy.

Trúc được ông mang về chẻ thành từng thanh vừa vặn, uốn cong làm khung. Sau đó, ông tỉ mỉ dán từng lớp giấy. Công đoạn này tương đối khó vì phải làm thật nhanh tay cho bề mặt láng mịn để dễ dàng cho khâu vẽ trang trí. Đầu lân dán giấy được phơi khô, sau đó sơn màu qua một lượt, chờ màu khô rồi mới sơn tiếp lớp màu khác. Cuối cùng là vẽ hoạ tiết, đường nét, trang trí… Lân chủ yếu được làm với những màu sắc rực rỡ như xanh, đỏ, vàng, tạo không khí vui tươi, may mắn.

Ông Nuôi chia sẻ: “Tôi hay nói với mọi người con lân do tôi làm từ đầu tới đuôi, từ tạo hình đến dán giấy, sơn màu, vẽ trang trí... tới cái đuôi lân cũng do tôi mua vải về cắt, may”.

Do một mình làm hết các công đoạn nên thành phẩm đầu lân của ông Nuôi khá chậm, mỗi tuần, ông chỉ làm được khoảng 5-6 cái. Nghề làm đầu lân mang tính thời vụ, chủ yếu khách mua nhiều vào các dịp tết nguyên đán, tết trung thu. Đầu lân do ông Nuôi làm có giá khá “mềm”, chỉ từ 180.000 đồng một chiếc, loại to và cầu kỳ hơn cũng chỉ hơn 400.000 đồng.

“Trước đây, tôi lấy đầu lân ở Sài Gòn về bán lại, nhưng thấy hàng vận chuyển hay bị móp méo, màu bong tróc, hư hao nhiều nên tôi tự mày mò dựa trên các mẫu có sẵn rồi làm thử, làm riết rồi quen tay, thành phẩm cũng được nhiều người khen càng ngày càng đẹp”- ông Nuôi nói.

Ông Nuôi “khoe” chiếc đầu lân cầu kỳ do một tay mình làm ra.

Lân là một trong những con vật tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng, hạnh phúc, chính vì thế, nghề làm đầu lân không chỉ yêu cầu sự tỉ mỉ, khéo léo mà còn cần cả cái tâm, cái “hồn” của người thợ để có thể tạo nên một sản phẩm có giá trị nghệ thuật.

Mấy năm nay, do các mặt hàng online cạnh tranh, trẻ em cũng không còn thích thú với những món đồ chơi truyền thống thế này, nên đầu lân ông Nuôi làm ra không còn đắt hàng như trước, cả tuần có khi chỉ bán được vài cái. Nhưng cái nghề đã trót đeo đuổi khó bỏ được, ông vẫn cố gắng bám trụ.

Những chiếc đầu lân sặc sỡ thu hút ánh nhìn của người đi đường.

Vừa kể chuyện làm nghề, ông Nuôi vừa khoe thành phẩm là một chiếc đầu lân bắt mắt, được dán cầu kỳ với lớp vải kim và phần khảm lông trang trí tỉ mỉ. Niềm vui của ông cụ là từng sản phẩm được khách nâng niu, gìn giữ. 

Hoà Khang

Báo Tây Ninh
Tin liên quan