Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Những tranh cãi về dòng nhạc Bolero không phải bây giờ mới có, nhưng thời gian qua lại được khơi gợi mạnh mẽ hơn bởi sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ, trong đó có những người thuộc bậc đại thụ của âm nhạc nước nhà.
Nhiều cuộc thi hát bolero, chương trình biểu diễn bolero thu hút nhiều người tham gia.
Ai cũng thấy, dòng nhạc này đã tồn tại trong một quãng thời gian khá dài. Trải qua nhiều thăng trầm, dòng nhạc Bolero chưa lúc nào biến mất khỏi đời sống âm nhạc, nhất là trong đời sống thường ngày của người dân từ thành thị đến thôn quê.
Có thể nói, không nhiều dòng nhạc có thể tiếp cận được đến đại đa số công chúng như Bolero, và đó là một thực tế không thể phủ nhận. Quan điểm, cách nhìn về âm nhạc với mỗi người có thể khác nhau. Nhưng suy cho cùng, cái hay, cái đẹp, cái văn hóa sẽ tồn tại mà không cần cố gắng để giữ nó một cách cưỡng bức.
Bolero có như vậy hay không thì chúng ta cũng không thể trả lời bằng một góc nhìn cá nhân. Diễn đàn này tôn trọng cách tiếp cận đa chiều, ghi nhận các ý kiến khác nhau để sao cho những gì thuộc về thực chất sẽ luôn là chính nó.
“Văn hóa là những gì còn lại sau khi mọi thứ đã mất đi”, Andre Malraux đã nói như vậy và nhiều người cho đó là một góc nhìn hay về văn hóa. Khi Bolero vẫn tồn tại như nhiều dòng nhạc khác tồn tại cũng chính là nó đã mang giá trị văn hóa.
Theo Báo SGGP