BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bồng bềnh Bến Sỏi - Tầm Long 

Cập nhật ngày: 19/04/2023 - 09:34

BTN - Vài lần theo các con phà chở máy gặt đi từ Nam Bến Sỏi đến các cánh đồng Xóm Ruộng, Tầm Long, mới thấy vùng sông nước này không chỉ là vùng lúa mà còn lưu trữ biết bao trầm tích về văn hoá.

Gặt lúa trên cánh đồng Xóm Ruộng, Trí Bình.

Lúa, thì ai cũng thấy rồi, khi chạy trên đường liên tỉnh lộ 13 xưa, nay là đường ĐT781 từ cầu Bến Sỏi băng qua Xóm Ruộng về thị trấn Châu Thành. Ngoại trừ vài tháng cuối năm, nước lớn ngập đồng; thì lúc nào khác trong năm cũng ngạt ngào hương lúa. Và màu của cánh đồng, lúc nõn nà màu xanh lá mạ, khi lại miên man rực vàng màu của ấm no.

Còn “bồng bềnh” ư? Bạn sẽ thấy cảm giác này ngay khi đứng trên cầu Bến Sỏi. Chẳng là nước sông Vàm Cỏ Đông ngày có hai khoảng thời gian nước chảy trái chiều. Sáng:- thường là con nước lớn, nước chảy ngược lên phía thượng nguồn. Chiều, nước lại chảy xuôi, còn gọi nước ròng. Vậy nên lúc nào đứng trên cầu qua sông cũng thấy như đứng trên boong một con tàu đang rẽ nước, cảm giác bồng bềnh dưới chân. Từ trên cao nhìn xuống lắm khi chóng mặt.

Nói gì đi nữa, thì đoạn sông Vàm Cỏ Đông qua Bến Sỏi - Tầm Long ắt có những điều đặc biệt. Vậy nên khu vực này mới trở thành trung tâm của tổng Hoà Ninh có từ triều vua Minh Mạng. Sách Từ điển địa danh hành chính Nam bộ của Nguyễn Đình Tư (Nxb Chính trị Quốc gia, 2008) viết: “Tổng thuộc h. Tân Ninh, p. Tây Ninh, t. Gia Định từ năm Minh Mạng thứ 17… Từ 1930 thuộc quận Thái Bình. Từ 1942 đổi thuộc q.Châu Thành. Ngày 10.4.1943 tách Long Thành đổi thuộc tổng Hàm Ninh thượng cùng quận.

Ngày 24.5.1955 được sát nhập thêm làng Ninh Điền tách từ tg. Giai Hoá…”. Vậy là từ năm 1955 đến nay, về cơ bản, tổng Hoà Ninh xưa vẫn là phần chủ yếu của huyện Châu Thành ngày nay. Bên hữu ngạn sông là Hoà Hội và Thành Long (trước thuộc Ninh Điền).

Bên tả ngạn là xã Trí Bình. Xã này cũng có những khúc quanh lịch sử. Từng là thôn được lập ngay từ khi thành lập tổng huyện thuộc phủ Tây Ninh (1836). Nhưng đến thời Pháp thuộc, năm 1891 lại bị giải thể (cùng với Mãnh Hoả nhập về Hảo Đước).

Đến ngày 1.1.1919 mới lại được tách ra, trở về là xã Trí Bình trải dài bên bờ sông Vàm Cỏ Đông. Có phải vì sự quanh co ấy, mà các hương chức của làng, ngay sau khi lấy lại được đất và tên làng, đã lập ngay ngôi đình Trí Bình, như một sự khẳng định. Rằng làng mình từ nay: “Đất có thổ công, sông có hà bá” rồi đây!

Trên thực tế, những lưu dân đi khai phá, mở mang các làng ấp ở Tây Ninh đã đến từ rất sớm, trước rất xa cái năm 1836, năm thiết lập các đơn vị hành chính. Đặc biệt là ở các thôn ấp thuộc tổng Hoà Ninh và nhất là các thôn ở ven sông Vàm Cỏ Đông.

Bằng chứng là các sự tích về Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản đều ghi nhận ông cùng em trai ông là Huỳnh Công Nghệ đã đến Tây Ninh từ năm 1749, năm Huỳnh Công Giản 27 tuổi (ngài sinh năm 1722). Bản tiểu sử ngài viết: “Đến Trà Vong, sau này thuộc xã Thái Bình, thành lập được 3 ấp: Tân Lập, Tân Hội và Tân Hiệp…”.

Còn các chúa Nguyễn, trong quá trình mở mang và cai trị đất phương Nam cũng đã rất chú trọng đến miền rừng Quang Hoá, thuộc đạo Quang Phong được thành lập vào năm 1779. Đạo Quang Phong chính là vùng đất Tây Ninh ngày nay, đạo sở đặt tại thôn Cẩm Giang.

Tại đây, triều vua Minh Mạng cho xây đắp thành bảo từ năm Minh Mệnh thứ 5 (1824) và đặt tên là bảo Quang Hoá. Do vậy mà người ta đôi khi còn gọi đạo Quang Phong theo tên đạo sở là Quang Hoá, và sông chảy qua trước bảo được gọi là sông Quang Hoá (Vàm Cỏ Đông ngày nay), theo sách Đại Nam Nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn).

Về mối quan tâm của vua chúa triều Nguyễn đến rừng Quang Hoá, Trịnh Hoài Đức đã mô tả trong sách Gia Định thành thông chí, là: “ở phía tây huyện Quang Hoá, gò đồi trùng điệp, rừng rú liền dăng, cây cối cao lớn chọc trời, rậm rạp hàng vài trăm dặm, thợ xẻ, thợ mộc dựng lều cắm trại để đẵn gỗ hoặc lấy dầu rái, nhựa trám, mây song, mây nước, cùng là săn bắn thú rừng, mối lợi rất rộng”.

Sách này, vào năm 1820, ông quan Trịnh Hoài Đức đã trình lên vua Minh Mạng. Đã có cảnh khai thác thật náo nhiệt ở rừng Quang Hoá, mà theo những mô tả của tác giả thì rừng dài rộng “hàng trăm dặm” chủ yếu bên bờ hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông.

Tác giả Dương Công Đức trong sách “Tây Ninh bên dòng lịch sử miền Nam” có hẳn mục 1 của chương 5, tập hợp các sự kiện chúa và vua Nguyễn khai thác rừng Quang Hoá. Theo đó thì: “Ngay từ những năm đầu khi chúa Nguyễn mới chạy vào Nam, biết xứ Quang Hoá giàu gỗ quý để đóng thuyền, chúa đã sai quan quân lên lập cơ sở để khai thác.

Sách Đại Nam thực lục tiền biên chép: “1778 sai cai đội Trần Văn Phúc sang đạo Tân Châu, Nguyễn Đức Huy sang đạo Quang Hoá để đóng chiến thuyền đi biển…”. Công việc này, với chúa Nguyễn Ánh có lẽ là rất quan trọng nên đã có lần “sai Đỗ Thành Nhơn, lúc bấy giờ được phong là Phụ quốc thượng tướng quân, tước Phương Quận công, đem lính lên Tây Ninh để tiếp tục mở rộng khai thác gỗ sao và đóng thuyền chiến…”.

Đóng thuyền ở đâu? Sách không nói rõ. Nhưng có lẽ tốt nhất là mở những công trường ngay ở ven sông. Đến đây, cũng cần đặt một giả thuyết:- Liệu địa danh Bến Trường, có phải là “trường luyện quân” theo quan niệm trước đây? Hay là một công trường đóng thuyền của chúa Nguyễn?

Dương Công Đức còn chép lại một chi tiết rất đáng chú ý. Đấy là đoạn chép ở Đại Nam Thực lục tiền biên. Rằng: “tháng 8, năm 1800 Gia Định được mùa yên ổn. Đông cung Cảnh dâng sớ tâu và nói: “Nhân nay mùa rỗi, xin bắt 10.000 dân phu và người đồn điền lấy ba phần mười uỷ cho Công bộ Trần Văn Thái đem đi Quang Hoá lấy gỗ ván chở về, đóng thêm 50 chiến thuyền đi biển, để sẵn cho quân dùng. Vua cho là phải…”.

Số người được huy động rất lớn, nếu so với dân số lúc bấy giờ (đầu thế kỷ 19, dân số miền Nam từ Bình Thuận đến Cà Mau chỉ dưới 1 triệu người- Dương Công Đức, sđd). Lại có chi tiết: “Mỗi khi đóng thuyền thường sai đội Mộc đĩnh đi tìm đem nộp, lên xuống khe suối sức người rất khó nhọc. Vua hạ lệnh lấy trâu làm thay, phát ra 3.000 quan tiền mua 300 con trâu để kéo (gỗ). Dân khen là tiện…”.

Bây giờ, trên đất hữu ngạn sông, từ Tầm Long qua Bến Sỏi tới Thanh Điền, vẫn còn các địa danh Rỗng Trâu, Rỗng Tượng- là các lối trâu và voi đi ngày xưa, lõm xuống thành mương rạch, bồng bềnh con nước xuống, lên. Và cũng bồng bềnh câu chuyện của người lái phà, kể về 6 ha lúa của anh bên bờ Xóm Ruộng về vụ Đông Xuân này, năng suất lúa cao hơn 7 tấn trên một héc-ta.

Trần Vũ