Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tôi là con gái út trong gia đình sáu chị em. Tôi được ba tôi cưng hơn cả. Cũng chính vì thế, ba tôi luôn mang tôi theo sát bên mình, không rời nửa bước. Tôi cũng rất yêu thương ba, luôn quấn lấy ba, kể cả ngày lẫn đêm.
Lúc nhỏ, nhà tôi nghèo lắm. Nghèo đến nỗi không đủ cơm để no cho ngày hai bữa. Bữa ăn cháo với lá mì non luộc làm rau. Bữa thì nghe mẹ nói được ăn cơm là anh chị em tôi mừng lắm nhưng khi giở nồi cơm ra chỉ thấy cơm rất ít, toàn khoai mì. Em trai tôi mếu máo vì không muốn ăn khoai mì nữa, đã ăn quá nhiều đến mức không ăn nổi nữa. Mẹ tôi nhìn em tôi mà hai hàng nước mắt lăn dài trên má, không nói nên lời.
Nên tuy rất mực yêu thương tôi nhưng ba không có đủ tiền để mua vàng bạc hay bất kỳ một loại trang sức nào cho tôi cả. Bù lại, ba tôi thường cõng tôi trên lưng dạo quanh cánh đồng thơm mùi rơm rạ vào những chiều nhạt nắng. Ba thường ghé qua cái giếng lạng ở cuối đường.
Bứt dây bòng bong, tách vỏ lấy lõi, đan cho tôi nào dây chuyền, nào vòng tay, nào nhẫn. Ôi! Nhìn những món trang sức mà ba tôi đan như những mắc xích, xanh mát, lòng tôi vui không tả xiết. Ba tôi lần lượt đeo từng món vào cổ, vào tay cho tôi. Tôi ôm chầm lấy ba, hôn lên đôi má đen sạm, nồng mùi nắng của ba và cảm ơn ba rối rít. Hai cha con nhìn nhau cười rạng rỡ. Tiếng cười giòn tan trong gió...
Sau này, tôi lớn hơn một chút. Nhưng vẫn rất thích lẽo đẽo theo ba như ngày xưa. Tôi vẫn yêu thích đeo những món trang sức mà ba tôi vẫn làm. Ba còn dạy tôi cách đan. Ba nói sau này lớn lên, con gái út của ba làm cô giáo, làm mẹ rồi thì còn biết để đan cho học trò, cho con gái giống ba như vầy nhe con. Đan cho cuộc đời này mãi xanh, con ạ! Ba còn nói ba mẹ nghèo không có đất đai, cũng chẳng có của cải gì, ba chỉ cho mấy chị em con dăm ba con chữ, cố gắng mà học hành, sau này lớn lên mà đỡ cực tấm thân. Đừng như ba mẹ, nghèo khổ, vất vả cả đời.
Dạy học là nghề mà ba tôi hằng mơ ước. Nhưng vì nhiều lý do mà ba tôi không thể thực hiện được. Ba tôi nhất quyết hướng tôi theo học để sau này làm cô giáo. Để gieo cho đời những con chữ yêu thương. Có biết chữ mới thoát được cái nghèo.
Thế hệ ba tôi đã nghèo khổ, vất vả lắm rồi, không thể để thế hệ sau theo vết bánh xe cũ này được nữa. Nên cho dù nghèo khổ đến đâu, vất vả đến đâu, ba tôi cũng cam lòng. Nhớ có lần ba mẹ tôi giận nhau vì bất đồng ý kiến. Mẹ tôi muốn tôi học hết lớp 9 sẽ nghỉ học, mẹ cho tôi đi học nghề may. Phần vì tôi đông anh chị em quá mà tất cả đều đến trường nên ba mẹ tôi lo không xuể.
Phần vì mẹ tôi cũng muốn tôi là con gái học may để sau này có cái nghề và chủ yếu là nữ công gia chánh, thêu thùa may vá giống như quan điểm về phụ nữ của ông bà ta nói chung và mẹ tôi nói riêng vậy. Nhưng trước sự kiên quyết của ba tôi, mẹ tôi cũng đành phải chiều lòng. Tôi lại được tiếp tục thực hiện ước mơ của ba tôi còn dang dở ngày nào.
Thời gian qua nhanh như cái chớp mắt. Tôi tốt nghiệp THPT rồi thi đỗ vào CĐSP Tây Ninh. Ba tôi mừng rơi nước mắt. Trong niềm vui ấy, tôi thoáng nhận ra có nỗi lo âu trên gương mặt của ba. Thật vậy, đêm đó khi tôi giật mình thức giấc, đêm đã khuya mà ba vẫn thấy ba ngồi trầm ngâm bên cửa sổ. Sáng ra, ba ra khỏi nhà từ rất sớm.
Khi trở về, trên tay mang một bó rau muống to tướng cùng một bịch ốc bươu tươi ngon. Ba nói với mẹ tôi mang ra bán cho kịp buổi chợ sớm. Từ đó, ngày nào cũng vậy, ngoài giờ đi làm thuê, làm mướn, ba còn đi mò cua, bắt ốc, hái rau.
Tôi xót xa, hiểu rằng ba muốn góp thêm tiền cho tôi nhập học. Tuần đầu tiên, tôi đi học. Ba tôi ngủ, mơ thấy tôi. Ba tôi đã khóc vì quá nhớ thương tôi. Tuy ba mẹ chưa bao giờ đến chỗ trọ học để thăm tôi. Nhưng tôi biết tình yêu thương của ba mẹ là vô bờ bến, chỉ vì cố dành thời gian để đi làm, để kiếm tiền cho anh chị em tôi đi học.
Tuần nào cũng vậy, ba góp nhặt từng con cá câu được, xẻ ra, ướp muối, phơi khô để dành cho tôi. Tôi bận học, không về được thì ba cũng đóng thùng nào cá khô, bí, xoài, mớ rau xanh mướt... mà ba tôi đã chắt chiu, gửi cho bạn bè chung xóm cùng trọ học với tôi. Tuy đơn sơ cây nhà lá vườn nhưng chan chứa tình yêu thương bao la của ba dành cho tôi. Tôi vô cùng trân quý và cố gắng học hành.
Thế rồi năm tháng cứ trôi theo quy luật của thời gian. Tôi trở thành cô giáo như mơ ước của ba. Ba giờ già yếu lắm. Tựa như dây bòng bong mỏng manh giữa vết nứt khắc khổ của thời gian. Ba là món trang sức vô giá của riêng tôi. Như chiếc vòng bòng bong xanh mát, mãi siết chặt lấy tay tôi, dìu dắt tôi đi trên con đường đời lắm chông chênh này. Ba ơi! Con mãi yêu ba!
Trần Thị Ngọc Tuyết