Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sao mưa miền Nam lại vội vàng quá vậy. Vài phút sau, nước đã thành dòng trôi như suối. Hạt mưa rơi đã thành muôn ngàn bong bóng nước phập phồng, nổi trôi khiến ta nhớ đến câu ca dao "Trời mưa bong bóng…
Thế là đã tới mùa mưa! Mùa bà con Khmer mong đợi và đã nhảy múa tưng bừng chào đón từ giữa tháng tư, trong lễ hội Vào năm mới. Tôi nhớ cô gái Khmer dẫn chương trình đón khách ở ấp Kà-Ốt có nói:- “Đây còn là dịp bà con Khmer tiễn biệt mùa khô và đón đợi một mùa mưa”. Vậy mà cũng phải mất tới 3 tuần sau Đài khí tượng thuỷ văn Nam bộ mới loan báo (qua ti vi) rằng: Tây Ninh cùng một vài tỉnh, thành Nam bộ đã chính thức vào mùa mưa năm 2019…
Cho đến ngày 13.5, cũng theo bản tin thời tiết VTV, mùa mưa đã về trên toàn Nam bộ. Chỉ riêng có tỉnh Long An là vẫn còn “khô”. Lạ nhỉ! Tây Ninh với Long An cận kề nhau, có chung một dòng Vàm Cỏ Đông “nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng”, vậy mà sao năm nay lại thế? Giống như Trường Sơn năm nào, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết: “Một dãy núi mà hai màu mây/ Nơi nắng, nơi mưa, khí trời cũng khác”.
Tôi chẳng thể quên hình ảnh những mùa mưa trước. Đang đi xe máy trên đường bỗng mưa rơi sầm sập, tấp vội xe vào dưới mái che để ngắm mưa rơi. Sao mưa miền Nam lại vội vàng quá vậy. Vài phút sau, nước đã thành dòng trôi như suối. Hạt mưa rơi đã thành muôn ngàn bong bóng nước phập phồng, nổi trôi khiến ta nhớ đến câu ca dao "Trời mưa bong bóng…".
Rồi, mưa càng lớn, bong bóng cũng không còn nữa. Vì vừa rơi xuống, những hạt mưa đã vỡ toé. Lại nhớ, những cơn mưa đầu mùa khiến phố phường rất mau ngập nước, bởi rác rến đã dồn tụ lâu ngày trong cống rãnh. Cả những miệng cống cũng đã bị bít lại bằng bùn đất, bằng túi nylon…
Câu ca dao cũ, có từ thời nào chẳng rõ, nhưng lại tỏ ra “nghiệm đúng” vào thời nay, khi mà ngày càng có nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ. Truyền thông cho hay, tỷ lệ ly dị ngày một tăng, nhất là những đôi vợ chồng trẻ. Thì ra, thời đại và cuộc sống càng văn minh hơn thì con người lại “cá tính” hơn.
Nói như cách nói người Nam bộ, là chẳng giống ai. Mà càng chẳng giống ai thì lại càng khó sống chung với người khác, kể cả với người mà ta đã từng yêu thương nhất. Tôi cũng vừa biết một bạn đây. Mới hai mươi mấy tuổi, lấy chồng được hơn năm, vừa có con thì ly dị. Sẽ có lúc đứa con ấy khi lớn lên, đứng bên hè mưa nghịch nước. Biết đâu, câu ca dao đầu tiên nó học được, sẽ là: “Trời mưa bong bóng phập phồng/ Mẹ đi lấy chồng con ở với ai”.
Thôi, bỏ qua những trận mưa buồn để đến với mưa vui. Cứ khoác áo mưa mà tiếp tục phóng xe trên phố thế nào cũng gặp những niềm vui giữa trời mưa gió. Vui nhất có thể là mấy cậu bé con trần trụi mà mạnh khoẻ lao ra tắm táp và nô giỡn trên những đoạn đường ngập nước. Xe ô tô đi qua, nước trào lên như sóng, khiến có cậu tưởng tượng ra đang ở biển Vũng Tàu.
Trong khi đó, một vài nhà lại đang che chắn, làm cao thêm bậc cửa trước để ngăn nước tràn khi có sóng. Gương mặt người, ai nấy đều hể hả một niềm vui. Vui! Có thể vì người ta vừa ngăn được nước tràn vào nhà. Mà cũng có thể người ta đang nghĩ tới những cánh đồng quê cũng đang hể hả tắm mưa dưới trời trắng xoá. Cây cối cùng cỏ hoa run rẩy rùng mình sau 6 tháng mùa khô…
Người ở phố thì cũng từ quê mà ra, từng có thời chân bùn tay lấm, từng hát câu: “Ơn trời mưa nắng phải thì/ Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu/ Công lênh chẳng quản bao lâu/ Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng…”. Và, nếu có lúc mưa dầm dề thấm đất quá lâu, người ta lại hát: “Lạy ông nắng lên/ Cho trẻ nó chơi/ Cho già bắt rận/ Cho tôi đi cày…”.
Quả thực, mùa khô còn có thể khắc phục bằng những kênh mương dẫn nước về đồng. Còn mùa mưa, nếu trời “quá tay” thì người đành chịu. Một tỉnh đang triển khai dự án “Phát triển chuỗi giá trị rau quả ứng dụng công nghệ thông minh với khí hậu tại Việt Nam” như Tây Ninh, lại càng phải quan tâm đến vấn đề mưa, trong các mùa mưa.
Dự án hiệu quả thì dân được nhờ, tránh được những nỗi lo khi những cơn mưa dầm dề thối đất. Mưa về góp thêm cho lục bình sinh nở ngập tràn sông, mà biện pháp vớt hiện nay như kiểu châu chấu đá xe… Đấy còn là câu chuyện của tương lai. Còn trước mắt, người dân các xã có đình làng vẫn bày biện cúng kỳ yên vào các tháng mùa xuân. Để cầu trời cho được gió hoà, mưa thuận. Mà trông trời, đôi khi lòng vẫn phấp phỏng lo âu như bong bóng phập phồng.
NGUYỄN