Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu quả là một miền đất lạ lùng. Bởi, lâu lâu người ta lại tìm thấy một cái gì đó trồi lên mặt đất.
Ngẫu tượng thờ Linga - Yoni bằng đá hình bông sen.
Ðợt khảo cổ gần đây nhất, vào năm 2014 trước khi khởi công xây cầu Bến Ðình, có rất nhiều cọc gỗ kích cỡ lớn đã được tìm ra ngay bên bờ sông Vàm Cỏ Ðông, ngay sát mố cầu về phía thượng lưu. Ðiều này khiến các nhà khảo cổ đặt giả thuyết về một cảng thị lớn của một thời kỳ nào đó xa xưa trong quá khứ.
Kết quả giám định đến nay còn chưa được công bố. Nhưng cứ nhìn những cọc gỗ ấy, mà có đoạn gần như hoá thành than có thể đoán ít ra nó cũng đã qua mấy ngàn năm. Cũng đợt khảo cổ này, người ta còn tìm thấy một mũi giáo kim loại, có lẽ ở thời kỳ gần đây vào cuối thế kỷ XVIII, khi nhà Nguyễn bắt đầu đặt các đạo Quang Phong, Quang Hoá trên vùng đất Tây Ninh hiện nay, để tới năm 1836 lập phủ Tây Ninh gồm hai huyện Tân Ninh và Quang Hoá.
Cầu Bến Ðình đã được khánh thành ngày 30.8.2016. Từ phía Cẩm Giang nhìn sang, bên kia những nhịp cầu cong vắt vẫn nổi bật lên nền trời những vòm cây cổ thụ.
Bên ấy đã là Tiên Thuận với những tên ấp hiền lành mộc mạc: ấp B, Bàu Tép, Bàu Tràm… Cái gò có nhiều cây cổ thụ ấy chính là gò miếu Bà thuộc về ấp B, Tiên Thuận.
Vào đầu thế kỷ XX, người Pháp đã chú ý đến địa điểm này. Nhà khảo cổ Henry Parmentier (H.P) từng đến đây năm 1909 và ghi nhận hai di tích khảo cổ học. Hai di tích ấy nay vẫn còn, một là gò miếu Bà, một là gò “chùa Thầy Lưỡng”.
Trong những cổ vật mà H.P tìm thấy ở hai gò, có cả tượng thần Si-va cưỡi bò thần Nan-din (gò miếu) và tượng nữ thần Laksmi (gò chùa). Những vật này chắc chắn đã được mang đi. Vậy mà đến năm 2016, khi trở lại gò chùa Thầy Lưỡng, vẫn còn thấy ở đây một pho tượng Phật nhỏ nhưng rất nặng, nghi là đá đặt trong một ngôi miếu nhỏ xây ở đỉnh gò.
Hoà bình lập lại sau 30.4.1975. Nhiều cuộc khảo sát đã được tiến hành. Thì ra không có ấp nào ở Tiên Thuận mà không có di tích cổ. Loại hình gò tháp có mặt ở Bàu Tép, Bàu Tràm Nhỏ, Tân Lập, Rừng Dầu, nơi nào cũng có.
Ðiểm đáng chú ý nhất là ấp Bàu Tép, nơi mà báo Tây Ninh ngày 28.7.2007 đã kể trong bài “Tượng đá không đầu và những lời đồn đại” của hai tác giả Du Thi và Thái Hoà.
Thì ra sau những lời đồn đại mang tính hoang đường, mê tín thì câu chuyện thật chỉ là người dân Bàu Tép đào được thêm những hiện vật đá, trong đó có pho tượng mất đầu. Ở ấp Bàu Tép, trước đó đã từng có những phát hiện khảo cổ học quan trọng, nhất là ở Bàu Ông do Bảo tàng tỉnh khảo sát ngay từ năm 1985.
Tại báo cáo khoa học năm 2011 đề tài “Ðiều tra, xác định và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy các di tích khảo cổ học ở Tây Ninh” do Bảo tàng tỉnh phối hợp Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ thực hiện, có đoạn ghi lại di tích Bàu Ông (còn có tên Bàu Tép) như sau:
“Ðịa điểm di tích là cái bàu nước hình chữ nhật lớn, có chiều dài Ðông- Tây 73m, chiều Bắc- Nam rộng 57m, hiện đáy bàu còn sâu so với bờ từ 1m30 đến 1m50, trong mùa khô bàu gần như cạn hết nước. Bờ bàu nước rộng trung bình từ 16 đến 20m, còn cao hơn mặt ruộng bên ngoài trên 1m. Trên bờ bàu hiện nay có nhiều cây cổ thụ cùng với những cây tạp khác mọc rậm rạp, ít có người dân nào trong khu vực dám đến đây chặt phá cây rừng do sợ những người khuất mặt ở đây xử phạt. Trong lần phát hiện đầu tiên, trên giữa cạnh phía Tây của bờ bàu đã phát hiện được một bông hoa sen bằng sa thạch được tạc cách điệu rất đẹp. Dân địa phương trong những khu vực lân cận có nhiều người thường đến đây thờ cúng, họ gọi bông sen bằng đá này là “Ông Ðá” do đó cái bàu nước có tên là Bàu Ông.
Bông sen bằng đá có đường kính 0m80, cao 0m90, giữa đài sen có khoét một lỗ tròn có đường kính khoảng 15 cm, trong lỗ tròn có đặt một viên đá hình trụ giống với Linga. Một vài nhà nghiên cứu cho rằng có thể đây là biểu tượng của Linga-Yoni được cách điệu…”.
Ngày 12.5.2017, cán bộ Bảo tàng tỉnh đã đo lại chính xác như sau: chiều cao (đến đỉnh cao nhất là đầu chiếc Linga khi nằm ở vị trí lỗ đục) là 88cm. Ðường kính bông sen đá, ở phần bụng lớn nhất là 83,44cm. Ðường kính phần miệng (đài hoa): 53,82cm. Ðường kính phần đế, bằng với phần eo giữa phần bụng và phần miệng là 47,7cm.
Phía trên đài hoa còn một phần lồi hình bán cầu, có đường kính 32cm tạm gọi là nhị hoa. Tại chính điểm giữa của phần lồi này là lỗ đục tròn sâu 33cm, đường kính 15cm. Cục đá có thể là Linga ấy hình trụ tròn đường kính 13cm và dài 17cm đã bị vỡ mất một phần nên không còn nguyên vẹn.
Nhìn tổng quan, đây là một điêu khắc đá hoàn hảo cả về hình dáng chung, đến từng chi tiết. Ngoại trừ phần Linga, thì khối điêu khắc được tạc ra từ nguyên khối đá. Chất đá cũng đặc biệt. Không phải loại sa thạch màu xi măng như người ta thường thấy mà là sa thạch màu trắng xám hoe hồng.
Phần thân lớn nhất có hình một đoá sen 8 cánh, mỗi cánh có 3 tầng điêu khắc với các đường chuỗi hoa văn hình vân mây hoặc sóng nước. Phần đài hoa cũng có chu vi bố cục 18 cánh hoa đều nhau với đường nét đơn giản hơn.
Phần chuyển tiếp giữa các bộ phận là những mặt cong kết nối hợp lý các phần. Báo cáo khoa học nhận định di tích Bàu Ông có thể có từ thế kỷ X đến XI (sau công nguyên). Giai đoạn này chính là lúc Phật giáo tiểu thừa đang thâm nhập rộng rãi và sâu sắc vào đất nước Campuchia.
Ðiều đặc biệt là khác với các mô hình gò- bàu khác có nhiều trên đất Tây Ninh, Bàu Ông không có dấu vết nào của di tích đền tháp gạch. Mặc dù ở đây đã có bàu nước ở đúng phía Ðông gò, lại có cả ngẫu tượng thờ (bông sen đá, biểu tượng Linga - Yoni đã kể).
Ðiều này dẫn tới một dự đoán. Rằng đây có thể là một công trình còn dở dang của một đền tháp, xuất hiện muộn vào thời kỳ đế quốc Angkor đã qua thời cực thịnh và sắp sửa suy tàn.
Ðiều đặc biệt nữa chính là bông đá. Những ngẫu tượng thờ của người Bà-la-môn xưa, Linga - Yoni được phổ biến ở nhiều nơi. Như Nam Trung bộ (vương quốc Chăm-Pa xưa) và Nam bộ (vương quốc Phù Nam và sau là Thuỷ Chân Lạp). Nhưng chưa từng có một bộ ngẫu tượng thờ hình hoa sen nào cả, kể cả ở khu di tích rất lớn Nam Cát Tiên (Lâm Ðồng) mới phát hiện gần đây.
Vẫn còn đó các ngôi đền tháp gạch của thời kỳ văn hoá hậu Óc-Eo hay tiền Angkor trên vùng Nam bộ. Theo các nhà khảo cổ, Nam bộ còn 3 ngôi - trong đó Tây Ninh có 2- đều đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia.
Tượng thần của tín ngưỡng Bà-la-môn và các ngẫu tượng thờ có thể dễ dàng tìm thấy trong các bảo tàng, từ Bảo tàng Chăm Ðà Nẵng cho đến Bảo tàng lịch sử TP. Hồ Chí Minh hay Bảo tàng Óc-Eo An Giang. Và ngay cả Bảo tàng văn hoá Việt ở Mộc Bài cũng có khá nhiều.
Nhưng ngẫu tượng hình hoa sen như bông đá hiện Bảo tàng tỉnh đang gìn giữ thì cho đến nay vẫn là duy nhất, vừa là Linga - Yoni, vừa là bông sen tám cánh. Liệu có phải đó là sự chuyển hoá về mặt nghệ thuật từ tín ngưỡng Bà-la-môn sang Phật giáo tiểu thừa mà 8 cánh hoa chính là “bát chánh đạo” của Phật giáo hay chăng?
Nếu vậy thì bông đá Tiên Thuận rất xứng đáng là bảo vật quốc gia như Bảo tàng Tây Ninh đang đề xuất.
TRẦN VŨ