Những năm 90 của thế kỷ trước, khi bóng đá Tây
Ninh còn tham dự giải hạng Nhì quốc gia, tuy cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn
nhưng với mục tiêu xây dựng đội ngũ kế thừa cho bóng đá tỉnh nhà, công tác đào
tạo cầu thủ năng khiếu luôn được ngành thể thao chú trọng. Nhờ đó, thể thao Tây
Ninh cũng khá chủ động trong việc tuyển chọn lực lượng cho đội tuyển tỉnh.
Phát huy những thành quả ấy, từ năm 2000 tới
nay, nhất là khi bóng đá Tây Ninh giành quyền lên thi đấu ở giải hạng Nhất, công
tác đào tạo cầu thủ năng khiếu càng được quan tâm đẩy mạnh hơn. Cùng với việc
tiếp nhận một loạt huấn luyện viên bóng đá trẻ có trình độ đại học về trực tiếp
huấn luyện đội nhà, Tây Ninh cũng đã chiêu sinh hàng trăm lượt cầu thủ thuộc các
lứa tuổi từ U13 đến U21 để huấn luyện tập trung, ngoài ra còn có cả trăm cầu thủ
“nhí” sinh hoạt tại các lớp năng khiếu vệ tinh lứa tuổi U11 của một số huyện,
thị trong tỉnh.
Với công tác đào tạo cầu thủ năng khiếu được
tiến hành một cách bài bản và xuyên suốt trong cả chục năm qua như vậy, tưởng
đâu bóng đá năng khiếu Tây Ninh phải đáp ứng được nhu cầu về lực lượng cho đội
tuyển tỉnh đang thi đấu ở giải hạng Nhất, đồng thời khẳng định được vị thế của
mình ở các giải đấu trẻ quốc gia, tuy nhiên kết quả nhận được lại hoàn toàn trái
ngược.
Mặc dù toàn bộ số cầu thủ năng khiếu thuộc các
nhóm tuổi U19, U21 được đào tạo với thời gian dài và liên tục tại Trung tâm Đào
tạo và Huấn luyện thể thao (TT.ĐT-HLTT) Tây Ninh, nhưng xét về chất lượng chuyên
môn của các cầu thủ này thì hầu hết đều chưa đạt yêu cầu, vì thế họ cũng chưa đủ
trình độ để thi đấu ở giải hạng Nhất. Điều này được thể hiện rõ trong thành phần
CLB Xi măng Fico Tây Ninh (XMF.TN) hiện nay. XMF.TN đang có đến 7 cầu thủ năng
khiếu U21 được chọn, nhưng trong số ấy ngoài 2 tiền vệ Văn Ngoan (15) và Dương
Thái (17) để thay thế khi cầu thủ đá chính bị chấn thương hoặc bị thẻ phạt, thậm
chí có cầu thủ còn chưa được ra sân lần nào!
 |
Đội bóng đá U16 Tây Ninh - lứa cầu
thủ năng khiếu được đánh giá có triển vọng hơn cả của TT.ĐT-HLTT Tây
Ninh hiện nay. |
Không chỉ lứa cầu thủ năng khiếu U19, U21 còn
yếu về chuyên môn, các tuyến năng khiếu còn lại từ U17 trở xuống của Tây Ninh
cũng tỏ ra thua kém khá xa so với các địa phương khác trong khu vực. Thất bại
của 2 đội U15 và U17 Tây Ninh tại vòng loại giải bóng đá U17 và U15 quốc gia vừa
qua là một minh chứng, thể hiện tính hiệu quả không cao trong công tác đào tạo
cầu thủ năng khiếu của TT.ĐT-HLTT Tây Ninh thời gian qua (cho dù công việc này,
hàng năm “ngốn” một khoản kinh phí không nhỏ chút nào).
Tại sao như vậy? Theo chúng tôi, có nhiều nguyên
nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất lại xuất phát từ chính đội ngũ huấn
luyện viên. Được biết, toàn bộ các lớp năng khiếu của TT.ĐT-HLTT Tây Ninh hiện
nay đều có ít nhất 2 huấn luyện viên có trình độ đại học dẫn dắt. Như vậy, lực
lượng này không thiếu, nhưng do tất cả các huấn luyện viên ấy đều xuất thân từ
bóng đá phong trào, sau khi đi học trở về làm huấn luyện viên, chưa có ai từng
được xỏ giày thi đấu ở các giải đấu cao của bóng đá Việt Nam như V-League hoặc
giải hạng Nhất, thậm chí các giải hạng Nhì. Vì thế trình độ chuyên môn và kinh
nghiệm thi đấu đỉnh cao của chính huấn luyện viên cũng còn nhiều hạn chế. Mặt
khác, do hầu hết các huấn luyện viên đều còn trẻ, ra trường chưa bao lâu, nên
tình trạng chẳng ai phục ai là khó tránh khỏi. Điều đó cũng ảnh hưởng trực tiếp
đến công tác huấn luyện. Thực tế cho thấy, tại các trung tâm đào tạo trẻ có uy
tín như ở Đồng Tháp, Long An, Viettel, Hà Nội, Hải Phòng… hầu hết các huấn luyện
viên đều là cựu cầu thủ có tiếng tăm, thực sự là “thầy” về mặt chuyên môn của
các cầu thủ năng khiếu.
Ngoài nguyên nhân chính kể trên, còn có một
nguyên nhân khác làm hạn chế hiệu quả công tác huấn luyện, đó là sân bãi cho các
cầu thủ tập luyện. Tới nay, hệ thống sân tập cho các cầu thủ năng khiếu vẫn hoàn
toàn nằm trên giấy, cho dù vấn đề bức xúc này đã được đề cập từ nhiều năm qua.
Hiện tại, ngoài những buổi tập trên 2 sân phải thuê mướn là Hoà Thành và Hiệp
Tân, thời gian còn lại, các cầu thủ năng khiếu đành phải tập trên nền xi măng
của sân quần vợt. Cách làm phản khoa học ấy vẫn đang diễn ra đều đặn tại Trung
tâm Đào tạo- Huấn luyện thể thao Tây Ninh suốt thời gian qua.
Theo chúng tôi, để nâng chất cho công tác đào
tạo cầu thủ năng khiếu ở Tây Ninh, cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất
sân bãi, tỉnh cần tạo điều kiện cho các huấn luyện viên được theo học các khoá
bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ. Cũng có thể mời những huấn luyện viên có đẳng cấp
và kinh nghiệm đào tạo trẻ từ các trung tâm mạnh về trực tiếp hướng dẫn các lớp
năng khiếu bóng đá. Có như vậy mới hy vọng tạo được sự chuyển biến tích cực
trong thời gian tới, còn không sẽ chỉ tiếp tục gây lãng phí cho ngân sách mà
thôi!
TUẤN ANH