Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bóng đá Tây Ninh: rối…
Thứ hai: 06:09 ngày 06/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tưởng chừng khi được “hồi sinh”, bóng đá Tây Ninh sẽ mở ra một chương mới rực rỡ, sáng sủa hơn, nhưng xem ra mọi thứ vẫn rối.

Tập thể CLB bóng đá Tây Ninh trong chuyến đi thăm viếng núi Bà Đen hồi tháng 3.2022.

BÁO ĐỘNG

Sau hơn một tháng tập trung, CLB bóng đá Tây Ninh chưa kịp làm lễ ra mắt người hâm mộ thì bất ngờ tạm ngưng tập luyện từ đầu tháng 5 để chờ quyết định của các cấp lãnh đạo. Hiện đội đã tập luyện trở lại nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết khiến một số cầu thủ đình công, xin về nhà.

Nguồn cơn của sự việc này có lẽ từ chuyện quản lý, tài chính. Theo thông tin ban đầu, kinh phí hoạt động của CLB trong năm nay do Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao (TTHL&TĐTDTT) chịu trách nhiệm, cùng nhà tài trợ chính là Tập đoàn Hải Đăng.

Các bên thống nhất với nhau về việc lấy tên đội là CLB bóng đá Tây Ninh, thay vì CLB Hải Đăng Tây Ninh, với mong muốn trong tương lai sẽ có nhiều doanh nghiệp khác chung tay đóng góp cho đội bóng ngày càng vững mạnh.

Tuy nhiên, khi đội bóng đi vào hoạt động, các cầu thủ chỉ nhận được phần tiền hỗ trợ từ Tập đoàn Hải Đăng và tiền ăn hằng tháng của TTHL&TĐTDTT. Giống như các VĐV nhiều bộ môn khác, cầu thủ của CLB bóng đá Tây Ninh không có tiền công tập luyện từ TTHL&TĐTDTT. Điều này khiến cả cầu thủ, ban huấn luyện, thậm chí là nhà tài trợ chán nản, thất vọng.

NỖI BUỒN CỦA NGƯỜI TRONG CUỘC

Một trong những người quyết tâm xây dựng CLB bóng đá Tây Ninh ngay từ những ngày đầu tiên là cựu tuyển thủ quốc gia Trương Đình Luật. Còn nhớ, khoảng cuối năm 2021, được sự tin tưởng của Tập đoàn Hải Đăng, Đình Luật ngồi vào ghế HLV trưởng CLB.

Lẽ ra, HLV trưởng chỉ là người phụ trách về mặt chuyên môn nhưng Đình Luật đã làm nhiều hơn thế. Chính anh là người cố vấn kế hoạch thành lập đội bóng, mua sắm dụng cụ tập luyện, nâng cấp cơ sở vật chất và lên các ý tưởng thiết kế trang phục, logo…

Dù có nhiều lời mời từ các CLB V.League và hạng Nhất nhưng Đình Luật vẫn sẵn sàng ở lại vì CLB Tây Ninh- một CLB phải xuất phát từ giải hạng Ba. Đích thân anh đến xem các trận đấu ở giải bóng đá các CLB tỉnh Tây Ninh tranh cúp Hải Đăng lần III năm 2022 để tuyển chọn, bổ sung thêm cầu thủ cho đội nhà.

Không thể phủ nhận rằng, vị HLV 39 tuổi này và những cộng sự của mình dành rất nhiều thời gian, công sức cho đội bóng, với hy vọng vực dậy bóng đá Tây Ninh và gắn bó sự nghiệp lâu dài trên mảnh đất này.

Song, một cánh én nhỏ không thể làm nên mùa xuân. Đẳng cấp, kinh nghiệm của Đình Luật là điều không tranh cãi, thế nhưng, trước những khó khăn, rắc rối về tiền nong, ngay cả người có công lớn thắp lại ngọn lửa hy vọng cũng bế tắc.

Không thể kiên nhẫn chờ đợi lâu, các thành viên trong ban huấn luyện ra đi tìm hướng mới. Riêng Đình Luật, giữa tháng 5 vừa qua, anh nhận làm trợ lý cho HLV Việt Thắng ở CLB Cần Thơ, để lại nhiều nuối tiếc cho các cầu thủ Tây Ninh.

Dồn bao tâm huyết, có khi bỏ cả việc riêng nhưng cuối cùng lực bất tòng tâm, chắc hẳn anh cảm thấy rất hụt hẫng. Là người trầm tính, ít nói nhưng Đình Luật không giấu được nỗi buồn với tình cảnh hiện tại, anh tâm sự: “Tôi rất tiếc, cũng chẳng muốn đi đâu cả, nhưng tôi không thể can thiệp vào chuyện của các nhà quản lý. Dù sao chỉ mong cho các cầu thủ trẻ của Tây Ninh được quan tâm hơn và sống đúng với đam mê”.

NHÀ ĐẦU TƯ BẤT MÃN

Vốn là một doanh nghiệp tâm huyết với thể thao Tây Ninh, bên cạnh việc đầu tư mạnh tay vào quần vợt, Tập đoàn Hải Đăng bắt đầu tham gia vào lĩnh vực bóng đá trong những năm qua bằng cách tài trợ cho CLB bóng đá Xi măng Fico-YTL Tây Ninh và phối hợp cùng với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức giải bóng đá thường niên dành cho các CLB phong trào trong tỉnh (Cúp Hải Đăng).

Khoảng một năm trước, sau khi CLB bóng đá Xi măng Fico-YTL Tây Ninh bất ngờ bị giải thể, Tập đoàn Hải Đăng đã có ý định thành lập đội bóng mới theo mô hình bóng đá chuyên nghiệp, hiện đại (do doanh nghiệp quản lý, điều hành hoạt động).

Tham vọng đưa bóng đá tỉnh nhà trở lại các sân chơi đỉnh cao, trở thành niềm tự hào của người hâm mộ, phía Tập đoàn Hải Đăng có ý muốn gắn hai chữ “Tây Ninh” vào tên đội bóng và thuê sân vận động Tây Ninh làm nơi đóng quân, tập luyện của đội.

Được sự đồng thuận của UBND tỉnh, nhà đầu tư đã chi cả tỷ đồng để cải thiện mặt sân, sửa sang phòng ốc, lắp đặt nhà ăn, mua sắm trang thiết bị, nội thất… và lên kế hoạch xây dựng phòng gym, sửa chữa phòng họp, phòng thay đồ, phòng làm việc… trong giai đoạn tiếp theo. Về nhân sự, nhằm tạo nền tảng phát triển lâu dài, đội bóng ưu tiên sử dụng người Tây Ninh nên lấy lứa cầu thủ U21 của TTHL&TĐTDTT làm nòng cốt. Từ đó, phát sinh nhiều vấn đề liên quan.

Theo thoả thuận, tiền ăn của các cầu thủ do TTHL&TĐTDTT lo, nhưng không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra suôn sẻ. Những lúc giải ngân chậm trễ, HLV Trương Đình Luật buộc phải ứng trước của nhà tài trợ để chi trả cho bếp. Gặp nhiều vướng mắc mà không có lời giải đáp thoả đáng, ông Thái Trường Giang- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hải Đăng dần buông xuôi, cho tháo gỡ, di dời tài sản khỏi sân.

CẦU THỦ TRẺ HOANG MANG

Trong đội hình được HLV Trương Đình Luật triệu tập hồi tháng 3, có 3 cầu thủ từng tập luyện ở CLB Xi măng Fico-YTL Tây Ninh trước đây. Đáng nói, khi nghe tin bóng đá Tây Ninh làm lại từ đầu, 3 cầu thủ này đã từ chối cơ hội chơi cho các đội hạng Nhất, hạng Nhì chỉ vì muốn được khoác lên mình màu áo quê hương.

Giờ mọi thứ lỡ dở, 3 cầu thủ trên được tạo điều kiện cập bến CLB Bình Thuận thi đấu giai đoạn lượt về giải hạng Nhì. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chắc chắn họ sẽ không được đăng ký tham dự ở giải hạng Ba (theo quy định của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam).

Các cầu thủ lứa U21 thì rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” bởi những điều khoản ràng buộc trong hợp đồng đào tạo. Đi không được, ở cũng không xong, một số cầu thủ phải xin nghỉ luôn, tìm nghề khác mưu sinh.

Một cầu thủ bức xúc chia sẻ: “Hơn 2 năm qua bọn em không hề có một đồng lương nên ngán lắm rồi. Kinh tế gia đình em không thuộc dạng khá giả để xin tiền bố mẹ mãi. Tụi em cố gắng lắm mới trụ nổi đến năm nay, nhiều bạn xin nghỉ từ lâu cũng vì vấn đề tiền bạc.

Trong khi em thấy bạn bè đồng nghiệp ở các tỉnh khác vẫn ổn. Nói thật thì em còn nhiệt huyết, muốn chơi bóng tiếp, nhưng đến tuổi biết suy nghĩ cho tương lai của mình, đi làm còn có chút đồng ra đồng vào. Lãnh đạo TTHL&TĐTDTT nói sẽ giải quyết chuyện tiền lương với bọn em, nhưng rất nhiều lần rồi, toàn hứa hẹn và giải thích cho qua thôi chứ chưa thấy có gì mới nên bọn em không còn niềm tin nữa”.

Không giữ chân được nhân tài, số cầu thủ còn ở lại với đội bóng chỉ đếm trên đầu ngón tay, TTHL&TĐTDTT đưa lứa năng khiếu U19 lên để bổ sung lực lượng, đồng thời giao quyền HLV trưởng cho ông Hồ Thành Hào (HLV của đội U19).

Không lương bổng, không mục tiêu, kế hoạch rõ ràng, chưa bao giờ các cầu thủ trẻ lại mang trạng thái vô cùng lo lắng như lúc này. Liệu công sức, mồ hôi họ bỏ ra có xứng đáng không, khi tập luyện suốt thời gian dài mà không có động lực? Rồi tương lai của các em sẽ đi về đâu, ai là người chịu trách nhiệm?

LỐI ĐI NÀO CHO BÓNG ĐÁ TÂY NINH?

Thông tin bên lề cho biết, tháng 6 này, lãnh đạo TTHL&TĐTDTT sẽ họp với các bên liên quan và có câu trả lời chính thức cho các cầu thủ trẻ về chế độ cũng như tương lai của CLB. Giải bóng đá hạng Ba quốc gia năm 2022 dự kiến đến tháng 9 khởi tranh, tức là vẫn còn thời gian để có thể thay đổi. Dù vậy, nếu các bên không tìm được tiếng nói chung, không sớm giải quyết những vấn đề tồn đọng thì e rằng con đường quay lại chuyên nghiệp của cái tên Tây Ninh còn rất xa.

Xét về cơ sở vật chất, nhân lực, Tây Ninh không thiếu. Bằng chứng là sân vận động Tây Ninh hiện nay vẫn đẹp. Nhiều cầu thủ gốc Tây Ninh đang thi đấu ở các tỉnh lân cận như Dương Thái, Văn Ngoan, Anh Thi, Văn Quốc, Thanh Lâm… luôn khao khát được gọi trở về quê hương.

Thiết nghĩ, bộ máy ở đâu cũng có vấn đề, trục trặc này nọ, quan trọng là hướng giải quyết thế nào. Các CLB bóng đá Cần Thơ hay Đồng Nai từng nhiều lần đứng trên bờ vực giải thể, nhưng bây giờ họ đã khác, có nhà đầu tư “chất lừ”.

Đó là nhờ các bên chịu ngồi lại làm việc với nhau, tìm giải pháp hợp tác theo hướng xã hội hoá. Suy cho cùng, muốn duy trì một nền bóng đá, chúng ta nên tận dụng những nguồn lực có sẵn trong xã hội. Có như vậy thì mới mong phát triển bền vững được.

K.A

Tin cùng chuyên mục