Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bóng đá tử tế ở sân Thiên Trường
Thứ ba: 09:02 ngày 06/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bóng đá đẹp sẽ đem khán giả đến sân, điều đó đúng nhưng dễ gây tranh cãi. Chỉ có một điều chắc chắn: bóng đá tử tế luôn có khán giả.

Ngày 28/9/2018, tại Thiên Trường, Nam Định tiếp HAGL ở vòng 24. Lúc đó đội chủ nhà chỉ có 20 điểm, đứng áp chót bảng điểm, đối diện với nguy cơ về với giải hạng Nhất ngay mùa đầu tiên trở lại V-League. 17.000 khán giả đã đến sân để cổ vũ cho họ. Trận đó, Nam Định thua 0-2.

Cách đó hơn 1.000 km, chỉ hơn 1.000 khán giả đến sân Cần Thơ trong trận đấu phải thắng của đội chủ nhà để duy trì cơ hội trụ hạng. Và họ đã đánh bại Hải Phòng 1-0, để cân bằng điểm số với Nam Định.

Ở vòng kế tiếp, Nam Định thắng và Cần Thơ thua. Hai đội gặp nhau trong trận "chung kết ngược" ở vòng cuối cùng trên sân Cần Thơ. Đấy là trận đấu có lượng khán giả đông nhất của Cần Thơ trên sân nhà (11.000 người), tính từ lúc họ lên chơi V-League năm 2015. Nhưng họ không tận dụng được lần hiếm hoi nhận sự ủng hộ to lớn ấy: hòa 1-1 và xuống hạng.

Cái kết này vốn được báo trước đối với một đội bóng thiếu nội lực, không tự đào tạo cầu thủ và luôn thi đấu trong tình trạng khán đài trống vắng dù nằm ở trung tâm vùng đồng bằng yêu bóng đá. Ít ai tiếc cho thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất không có đội bóng tại V-League.

CĐV Nam Định lấp kín sân vận động có sức chứa khoảng 25.000 chỗ ngồi, trong trận đấu với HAGL ở vòng 19 hôm qua. Ảnh: Đức Đồng.

Có một điều thoạt nghe là vô lý nhưng lại... hợp lý ở V-League: khán giả có vô số lý do để đến xem các trận đấu của những đội bóng yếu, nằm trong cuộc đua trụ hạng, nhiều hơn các trận đấu đua tranh vô địch. Họ đến để ủng hộ đội nhà, để chờ đợi bất ngờ, để chia sẻ nỗi buồn hay thậm chí chỉ để tham gia cuộc chia tay đẫm nước mắt "tiễn" đội nhà xuống hạng.

Với một đội bóng yếu, bao nhiêu trận đấu sân nhà là bấy nhiêu trận chung kết. Ngược lại, với các đội quá mạnh như trường hợp của Hà Nội năm ngoái, việc chiến thắng quá dễ, muốn vui hơn cũng chẳng được. Hơn nữa, số ứng cử viên vô địch thường ít hơn số đội bóng tìm cách trụ hạng nên về lý thuyết, xem các trận đấu ở nhóm dưới có thể không đẹp nhưng chắc chắn là thừa cảm xúc và kịch tính. Nói cách khác: nếu một đội bóng yếu luôn thi đấu vì khán giả của địa phương, sẽ không có chuyện người hâm mộ quay lưng với họ.

Nhiều người cảm ơn bầu Đức đã dùng HAGL để cổ xúy bóng đá đẹp - một lý do quan trọng giúp V-League ngày càng tăng lượng khán giả đến sân, nhất là các trận đấu có mặt của đội bóng phố núi. Điều đó không sai, nhưng "đá đẹp thua cũng được" hoặc "đá cho vui" không phải là bản chất của bóng đá chuyên nghiệp.

Nam Định đã chứng minh điều ngược lại, và nó phù hợp cho việc phát triển bóng đá từ nền tảng CLB. Trận Nam Định – Cần Thơ trong ngày khai mạc mùa 2018, đó là cuộc đối đầu giữa hai đội bóng yếu nhất giải nhưng có 22.000 người đến sân - kỷ lục của V-League mùa đó. Cũng mùa này, sân Thiên Trường đứng đầu về số lượng khán giả với trung bình 15.000 người mỗi trận.

Trong năm trận đông khán giả nhất giải, sân Thiên Trường chiếm đến ba và đó đều là những trận đấu họ không thắng (hai thua, một hòa). Tính ra, trong 13 trận sân nhà mùa trước, Nam Định thua đến sáu, và thắng ba. Không ai nói Nam Định đá đẹp, cũng chẳng có ngôi sao, nhưng chính sân Thiên Trường đã "cứu" cho V-League không rơi vào cảnh "đá không ai xem". Có vòng đấu, số khán giả trung bình mùa trước chưa đến 4.000 người mỗi trận.

Một con số khác: HAGL không phải là đội có lượng khán giả sân nhà cao nhất. Năm 2015, khi lứa U19 được đôn lên, sân Pleiku đạt mức trung bình 9.923 người mỗi trận so với sức chứa 12.000 người. Tỷ lệ này không tăng lên trong bốn năm qua. Có trận sân Pleiku chỉ đón hơn 6.000 khán giả dù HAGL được xếp vào dạng: vừa đá đẹp, vừa phải tranh đấu... trụ hạng thường xuyên.

CĐV Nam Định mừng bàn thắng sớm của đội nhà, trong trận hòa với HAGL 2-2 hôm qua. Ảnh: Đức Đồng.

Chính vì thế, người hâm mộ Nam Định rất bức xúc khi ai đó nói việc cháy vé ở trận gặp HAGL ở vòng 19 cuối tuần qua là nhờ sức hút của đội khách. Họ đến sân để chờ đợi một chiến thắng của đội nhà, qua đó có thể lần đầu tiên lọt vào top 4 mùa này. Sáu trận gần nhất, đội bóng của hai anh em Giám đốc kỹ thuật Nguyễn Văn Sỹ - HLV Nguyễn Văn Dũng chỉ thua một, thắng đến ba.

Những gì Nam Định đang có khiến nhiều người bất ngờ nếu nhớ đến tình cảnh hồi đầu mùa. Ông Sỹ phải cầm cố sổ đỏ để mượn tiền đưa cho cầu thủ khi đội bóng nợ đến bốn tháng lương. Nhiều trụ cột không cầm nổi nước mắt khi quyết định ra đi. Một số người thậm chí còn sắm đồ đá phủi đi "kiếm cơm" để không mang tiếng bỏ bóng đá tỉnh nhà lúc khó khăn. Nếu tính trong khuôn khổ V-League, chưa đội bóng nào phải đổi tên nhiều như Nam Định vì cứ mỗi mùa là một nhà tài trợ. Tất cả đều do lực lượng yếu, đầu tư thấp, quản lý còn mang tính bao cấp, lại nằm lọt thỏm giữa khu tam giác bóng đá phát triển quá mạnh là Hà Nội - Hải Phòng - Thanh Hóa.

Nhưng bóng đá Nam Định quá đặc biệt. Họ là đội bóng miền Bắc duy nhất ngoài những đội đóng quân tại Hà Nội, từng vô địch Việt Nam vào năm 1985 với cái tên Công nghiệp Hà Nam Ninh. 15 năm trước, cũng tại sân Thiên Trường vừa mới xây xong năm 2004, Nam Định quật ngã "Đội hình trong mơ" HAGL với tỷ số 2-0 trước 30.000 khán giả. Câu chuyện về trận đấu đó được nói suốt cả tuần lễ. Đó là thời cực thịnh của bóng đá thành Nam nhưng tiếc là cuối mùa, họ để HAGL vô địch với khoảng cách hai điểm.

Vậy nhưng, những con người của 15 năm trước như trưởng đoàn Nguyễn Hưng Thái, anh em Dũng - Sỹ... vẫn còn ở lại, âm thầm làm bóng đá, để có dịp ôm nhau ăn mừng như 15 năm trước, sau khi Hạ Long ghi bàn gỡ hòa 2-2 vào lưới HAGL hôm qua. Dù mất 7 năm lặn ngụp ở hạng Nhì rồi hạng Nhất nhưng dòng chảy bóng đá thành Nam vẫn nguyên vẹn trên các khán đài, cứ như thể tiếng trống đặc trưng của họ vẫn âm vang trên sân Thiên Trường hơn hai thập niên qua.

Chỉ cần một mùa đá tại V-League, Nam Định có được điều mà CLB Hà Nội của bầu Hiển mất đến chín năm ròng rã, giành bốn chức vô địch và cả chục tuyển thủ quốc gia trong đội hình. Cũng chỉ cần một trận đấu với HAGL vừa qua, Nam Định cho thấy họ xứng đáng là biểu tượng mới của V-League dù xuất phát điểm kém hơn đối phương rất nhiều.

Đằng sau những dấu ấn mà Nam Định tạo được có công lớn của cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Văn Sỹ. Ảnh: Đức Đồng.

Bóng đá sống vì khán giả, nhưng khán giả đến sân nhiều hay ít, phải bắt đầu từ sự tử tế, từ mối quan hệ có đi-có lại của đội bóng với họ. Quan điểm đá cho đẹp  để phục vụ như HAGL cũng đúng, nhưng một đội bóng mà không có "gốc gác", không có tính chính danh để kết nối được với khán giả địa phương như Sài Gòn FC suốt bao năm nay thì vẫn "đội sổ" về số lượng khán giả nhà.

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục