Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Bỗng dưng… mất tích
Thứ hai: 05:08 ngày 26/03/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Một bé trai ở Thị xã, một cô gái tuổi vị thành niên ở huyện Gò Dầu cùng bị mất tích một cách khó hiểu...

Trung tuần tháng 3 này, liên tục hơn 10 ngày, tối nào trên Đài Truyền hình Tây Ninh cũng phát mẩu tin tìm một đứa trẻ mất tích tên là Nguyễn Q.A, 12 tuổi. Ông Nguyễn Q.T, 49 tuổi- cha của Q.A đau khổ kể lại: sáng ngày 2.3.2012, Q.A lấy xe đạp chạy chơi lòng vòng trong xóm. Đến khoảng 12 giờ, nhiều người trong xóm còn nhìn thấy em nhưng đến 14 giờ, khi không thấy con về ăn cơm, ông T đi tìm thì không thấy con trai đâu nữa. Tá hoả, ông và người thân toả đi khắp nơi, gọi điện liên lạc đến tất cả những nơi Q.A có thể tới nhưng mọi nỗ lực tìm kiếm đều trở thành vô vọng. Người cha khốn khổ đã đến trình báo công an phường, cảnh sát hình sự tỉnh, và lặn lội đi gặp hầu hết những người hành nghề xe ôm, quét rác trên đường để tìm tung tích con trai mà vẫn không thấy tăm hơi.

H.N (phải) chụp ảnh với mẹ trước khi mất tích

Ông T hiện sống chung nhà với người em út ở phường Hiệp Ninh, Thị xã. Vợ chồng ông đã ly hôn cách nay 11 năm. Người vợ đã lấy chồng khác và ra nước ngoài sinh sống. Ông T nuôi hai người con. Người con lớn đã có gia đình và ra riêng ở huyện Tân Châu. Q.A là con trai út. Hai năm nay Q.A về thị trấn Tân Châu sống chung với người cô ruột. Em đang là học sinh lớp 4 ở Tân Châu. Thỉnh thoảng Q.A tự đón xe buýt từ Tân Châu về thăm cha. Sáng ngày 2.3.2012, cô của Q.A gọi điện về báo với ông T hôm nay thằng bé về thăm nhà. Ông T lấy xe máy ra trạm xe buýt gần nhà rước con về, cho 10.000 đồng ăn sáng, rồi đi làm (ông là chủ một xưởng cưa xẻ gỗ xuất khẩu). Ở nhà, Q.A lấy xe đạp chạy chơi rồi… biến mất. “Thằng con tôi khôn lanh lắm. Trong xóm này nó rành hết đường sá. Nó không thể nào đi lạc được”- ông T khẳng định.

Rà soát lại tất cả các mối quan hệ, ông T cho biết, trong công việc làm ăn, ông không mích lòng hoặc gây oán thù với ai. Vợ chồng ông chia tay trong êm đẹp, vợ ông không có ý định giành con về nuôi. Từ ngày ly hôn, ông sống trong cảnh “gà trống nuôi con” nên không có chuyện Q.A bị cảnh mẹ ghẻ con chồng. Mãi đến ngày 20.3, ông mới nhận được tin do Công an TP.HCM thông báo là đang giữ con ông. Thì ra thằng bé nghe theo lời bạn bè rủ rê xuống thành phố rong chơi.

Chị Nguyễn T.N, 45 tuổi (ngụ  xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu) cũng có cô con gái đầu lòng tên Đặng Thị H.N, sinh năm 1994, mất tích gần một năm nay chưa tìm được. Chị T.N đau buồn kể lại: Tháng 2.2011, hai mẹ con chị đi hái hột điều thuê ở tỉnh Bình Phước. Trong thời gian làm thuê ở đây, con chị có quen biết với một thanh niên tên Nguyễn P.H (sinh năm 1981, ngụ xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành). Hơn 4 tháng sau, chị T.N trở về Tây Ninh. H.N đi làm công nhân may cho một cơ sở tư nhân ở quận 12, TP.HCM. Ngày 29.6.2011, sau khi tan ca, H.N xin phép ông chủ ra Bến xe An Sương gặp P.H, hôm sau, không thấy trở về. Được ông chủ xưởng may gọi điện báo tin, chị T.N tức tốc xuống thành phố tìm kiếm, nhưng từ đó đến nay con gái chị như “bóng chim tăm cá”.

Nhiều lần chị T.N đến nhà Nguyễn P.H hỏi thăm thì chỉ được câu trả lời: P.H đi làm ăn xa, không biết đi đâu và không dính líu gì đến H.N. Nghi ngờ, chị T.N làm đơn gửi Công an xã Long Thành Trung nhờ xem xét và truy tìm con gái, nhưng đến nay đã gần một năm trôi qua mà vẫn chưa có kết quả. Điều khiến chị T.N lo lắng nhất là nhiều lần chị gọi vào số điện thoại di động của H.N, hầu hết đều không liên lạc được nhưng có hai lần có một giọng thanh niên xưng tên là H bắt máy. Sau khi nghe chị hỏi thăm về H.N, anh ta liền đưa điện thoại cho một người đàn ông nói giọng miền Bắc trả lời. Người đàn ông này cáu gắt bảo “lộn số” rồi tắt máy. Từ đó đến nay chị T.N luôn buồn rầu mất ăn mất ngủ. Lúc mất tích, H.N vẫn chưa đến tuổi thành niên và khi đi không mang theo giấy tờ tuỳ thân gì cả.

Chị T.N cũng sống trong cảnh “nửa đường gãy gánh”. Hai vợ chồng chị chia tay nhau vào năm 2007. Chồng chị đã có người đàn bà khác, để lại cho chị hai cô con gái. H.N là con lớn, đứa con gái út đang học lớp 9. Không nghề nghiệp, ruộng vườn, những năm qua, chị T.N làm đủ thứ nghề như đi bán vé số dạo, hái ớt thuê, bào củ mì v.v… để kiếm sống và nuôi con ăn học. Sau khi H.N mất tích, chị T.N buồn rầu, thất chí sang nhượng lại đất đai về xã Trường Đông, huyện Hoà Thành sinh sống.

Chuyện mất tích của cô bé H.N hiện vẫn chưa biết nguyên nhân nên chưa thể kết luận gì, còn trường hợp của em Q.A thì đã rõ- do tuổi nhỏ ham chơi nên em đã hành động nông nổi, khờ dại. Hai vụ việc, hai diễn biến khác nhau nhưng có mẫu số chung: Các nhân vật chính đều là trẻ em và đều sống trong cảnh gia đình không toàn vẹn. H.N vẫn còn có mẹ thương yêu, Q.A vẫn còn có cha quan tâm lo lắng nhưng rõ ràng các em – do cảnh ngộ riêng nên vẫn chưa có được sự chăm sóc đủ đầy- như lẽ ra phải có từ người lớn trong gia đình. Chính vì vậy các em đã không có được sự giúp đỡ, can thiệp kịp thời khi gặp khó khăn, hoặc có vấn đề trục trặc, bất ổn về tâm sinh lý ở cái tuổi còn “ăn chưa no, lo chưa tới”.

Thảo Nguyên

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục