Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Gần 30 năm qua, ông Lớn đã có gần 100 lần hiến máu, trở thành một trong những bông hoa tiêu biểu trong vườn hoa nhân đạo của tỉnh, góp phần xây dựng, lan rộng lòng nhân ái trong xã hội.
Năm 1996, Tỉnh đoàn phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện cuộc vận động đầu tiên trong phong trào hiến máu tình nguyện. Là cán bộ Xã đoàn Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, năm ấy, ông Dương Quan Lớn (SN 1967) hăng hái tiên phong tham gia phong trào hiến máu tình nguyện cùng đông đảo đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn tỉnh. Gần 30 năm qua, ông Lớn đã có gần 100 lần hiến máu, trở thành một trong những bông hoa tiêu biểu trong vườn hoa nhân đạo của tỉnh, góp phần xây dựng, lan rộng lòng nhân ái trong xã hội.
Ông Dương Quan Lớn tích cực tham gia hiến máu tình nguyện dù tuổi đã cao.
Niềm vui hiến máu cứu người
Hành trình gắn bó với phong trào hiến máu tình nguyện của ông Lớn gắn liền với chữ “tâm”. Ông chia sẻ, máu trong cơ thể chúng ta có thể tái tạo khi ăn uống điều độ và được chăm sóc sức khoẻ mỗi ngày, nhưng với người bệnh hoặc người bị tai nạn mất nhiều máu, những giọt máu tình nguyện rất quý giá, có thể cứu lấy mạng sống của họ. Qua nhiều năm làm tình nguyện viên hiến máu, hiểu được những giọt máu mình cho đi có thể cứu lấy mạng người, thay đổi một cuộc đời, ông càng muốn gắn bó với công tác tình nguyện này lâu nhất có thể.
Cũng giống như các tình nguyện viên khác, trong lần đầu tiên tham gia hiến máu, ông Lớn còn bỡ ngỡ và khá e sợ với những kim tiêm, ống dẫn máu. Thế nhưng, qua mỗi lần hiến máu, ông cảm thấy cơ thể mình khoẻ khoắn hơn thì mọi lo lắng đều qua đi, thứ duy nhất còn lại là tấm lòng nhân ái. Đến nay, ông Lớn là tình nguyện viên hiến máu kỳ cựu và là một tuyên truyền viên sôi nổi, đi đầu trong công tác vận động. Ông đã vận động hàng ngàn tình nguyện viên cùng tham gia. Nhiều người cũng tìm được nguồn cảm hứng, niềm vui khi được hiến máu cứu người như ông.
Không chỉ là một tình nguyện viên nhiệt huyết, ông Lớn còn là một người dám nghĩ dám làm. Chứng kiến những bệnh nhân cần máu lúc nguy cấp, đặc biệt là những bệnh nhân cần phải thực hiện phẫu thuật phức tạp, ông Lớn đã đứng ra thành lập nhóm Ngân hàng máu sống tại xã Bàu Đồn. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mới hoạt động, nhóm đã thu hút sự tham gia của đông đảo tình nguyên viên. Thành viên của nhóm thuộc mọi tầng lớp từ công nhân, cán bộ, viên chức, tiểu thương... có chung tấm lòng mong muốn được hiến máu cứu người. Trải qua hơn 20 năm, nhóm Ngân hàng máu sống của ông Lớn vẫn duy trì hoạt động hiệu quả với gần 20 thành viên. Khi người bệnh cần, dù xa hay gần, ông cùng các thành viên trong nhóm đều sắp xếp đi đến tận nơi để hiến máu. Ông Lớn cho biết, mỗi ca phẫu thuật cần ít nhất từ 4-5 đơn vị máu, vì vậy, mỗi lần tham gia 1 ca phẫu thuật phải có từ 4-5 tình nguyện viên mới đủ hỗ trợ cho bệnh nhân.
Có một kỷ niệm ông Lớn không bao giờ quên, đó chính là ca hiến máu cho bệnh nhân bệnh tim nặng tại một bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh. Ca mổ thành công, bệnh nhân khoẻ mạnh trở lại và có cuộc sống tốt hơn. “Sau này, tôi vẫn thường xuyên liên hệ thăm hỏi sức khoẻ người nhận máu. Được biết, chàng trai trẻ năm ấy đã có gia đình, con cái và cuộc sống vui vẻ. Điều đó làm tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Được tiếp sức cho người bệnh có cuộc sống tốt hơn là niềm vui, sự động viên to lớn giúp tôi gắn bó với công tác hiến máu tình nguyện cho đến nay”.
Ông Dương Quan Lớn- tình nguyện viên với thành tích gần 100 lần hiến máu tình nguyện.
Mong muốn lan toả phong trào
Hiện ông Lớn đang công tác tại Quỹ tín dụng nhân dân xã Bàu Đồn với vị trí nhân viên bảo vệ. Dẫu vậy, ông vẫn luôn là tình nguyện viên tâm huyết với công tác hiến máu tình nguyện.
Nếu tính 60 năm là một đời người thì ông Lớn đã dành nửa cuộc đời mình để hiến những giọt máu đầy nghĩa tình cứu người. Với quan niệm “Một giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại”, ông Lớn nghĩ, dù mình có không còn, những giọt máu cho đi vẫn chảy trong cơ thể người được tiếp nhận xem như ông vẫn còn tồn tại trên cõi đời này. Suy nghĩ này khiến ông cảm thấy những giọt máu mình cho đi càng thêm ý nghĩa, cuộc sống của ông cũng trở nên vui vẻ, nhẹ nhàng hơn.
Năm nay, ông Lớn đã 57 tuổi nhưng nhìn ông vẫn rắn rỏi, khoẻ mạnh, tinh thần lạc quan, vui vẻ. Theo quy định, người trên 60 tuổi không thể tham gia hiến máu tình nguyện được nữa, có nghĩa là ông chỉ còn 3 năm để cống hiến cho phong trào tình nguyện. Trong 3 năm này, ông Lớn cho biết sẽ luôn trân trọng từng ngày để cống hiến cho đời những giọt máu nghĩa tình.
Và mong muốn lớn hơn của ông chính là có thể lan toả phong trào tình nguyện rộng khắp trong cộng đồng và xã hội. Ông mong rằng, phong trào hiến máu tình nguyện sẽ được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức như diễu hành, mít tinh, tổ chức hiến máu tình nguyện trong cộng đồng, tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia hiến máu tình nguyện... Có như vậy, ngân hàng máu quốc gia sẽ không bao giờ cạn kiệt, phong trào nghĩa tình, nhân ái sẽ luôn được tiếp nối, gìn giữ qua các thế hệ.
Với dấu mốc thành tích 100 lần hiến máu tình nguyện, những việc làm ý nghĩa và tấm lòng nhân ái của ông Lớn đã được chính quyền địa phương và các ngành chức năng ghi nhận, biểu dương trong nhiều năm qua. Đặc biệt, ông Lớn vinh dự nhận được 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có bằng khen với thành tích Phó Bí thư Xã đoàn, Chủ tịch Hội LHTN xã có thành tích trong 2 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào năm 2013; bằng khen cá nhân có thành tích trong phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vào năm 2019.
Ngọc Bích