Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bông trang và con cắc ké
Thứ sáu: 07:53 ngày 09/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hài hoà với thiên nhiên! Phương châm sống này có lẽ con người đã học được ở chính thiên nhiên từ thời còn sơ khai, sống giữa rừng cây hang đá.

Tháng 6 có Ngày Môi trường thế giới. Đi qua công viên 30.4, thành phố Tây Ninh thấy tấm băng-rôn, chữ xanh trên nền trắng, dưới vòm cây sẫm bóng vẫn đọc được rõ ràng. Là: “Hoà mình vào thiên nhiên, để cảm nhận những điều kỳ diệu”.

Vâng! Thiên nhiên vẫn bao la, bát ngát quanh ta. Nhưng hoà mình vào nó bây giờ thì em xin chịu. Mấy hôm trước đi qua, thấy con rạch quý giá giữa lòng Thành phố lờ đờ nổi bọt. Ai còn dám ùa xuống tắm táp như khoảng 15 năm về trước.

Mà không chỉ tắm nhé! Tôi nhớ hồi những năm đầu thế kỷ này, mấy bạn trẻ ở cơ quan còn rủ nhau ra rạch, vừa tắm vừa ngụp xuống bắt con chem chép, một giống nhuyễn thể giống như trai, nghêu nhưng thon dài như ngón tay. Giống ấy đem về nấu cháo với rau răm thì tuyệt. Bây giờ chem chép đã đi đâu?

Đấy là ở Tây Ninh ta. Còn đầu tháng 6 này, ở Hà Nội người ta còn không dám ra đường suốt từ trưa cho đến sẫm chiều. Đài báo tin hôm 4.6, nhiệt độ chiếm kỷ lục của gần 50 năm qua ở Hà Nội: 42,5 độ. Đây mới là đo trong trạm quan trắc dưới bóng râm. Còn ở ngoài đường có lúc tới 45 hay 47 độ. Ối trời ơi! Còn vượt qua mức nhiệt độ hãi hùng đài báo loan tin ở Ấn Độ vài năm trước.

Nếu kéo dài từ đây tới những năm sau, e rằng các cô gái người Hà Nội không còn giữ được nước da trắng như bông nhài, bông bưởi… mà thơ ca hay truyền tụng. Cũng may là đài dự báo, chỉ đến ngày 6.6 thì cơn siêu nóng ấy sẽ chấm dứt. Để các cô gái Hà Nội bỏ đi những khăn trùm kín mặt khi ra đường và tiếp tục váy áo tung bay. Như những mùa thu đã qua.

Ở Tây Ninh trời nắng cũng chẳng kém cạnh gì đâu, trừ lúc đang mưa. Hễ tạnh mưa là lại nóng. Nhưng chỉ đều đều ở mức 34- 35 độ. Vậy nên những người từ Hà Nội vào ký kết hợp tác với Tây Ninh mấy ngày cuối tuần qua, lại khen rằng trong này mát. Vẫn có thể hoà mình vào nơi thiên nhiên, nhất là trên những đồng mía xanh bát ngát Ninh Điền, hay trang trại cây hoàn ngọc ở Chà Là. Mà thú vị nhất, vẫn là ở vùng quanh chân núi Bà Đen. Mãng cầu và chuối, xoài cứ “xanh ơi là xanh”.

Ghềnh đá đường lên Ma Thiên Lãnh vẫn rập rờn bông bằng lăng tím. Mùa mưa rồi, nước lại tích tụ ắp đầy trong ruột núi. Để “thấm thía” chảy ra nuôi những bông súng, cọng cần dài gần 2 mét. Và rau dừa nửa tím nửa xanh lại được dịp tràn lan trong những hồ đá hun hút sâu và leo lẻo nước xanh. 

Thế nhưng, giữa mùa hoa tháng 6 rừng rực nở trên các phố phường Tây Ninh, tôi lại chú ý đến một cây bông trang trên đường Trưng Nữ Vương, ngay ở gần cầu. Dường như cây bông này nở quanh năm anh em ạ! Lúc nào cũng rừng rực đỏ.

Bất chấp trời hết nắng, rồi mưa sầm sập trên đầu. Bất chấp cả ì ầm dòng người và xe cộ ngày đêm không dứt. Ôi, cái vầng cây ấy có gì đặc biệt đâu, Tây Ninh nơi nào chẳng có.

Dù là nhà đại gia biệt thự hay nhà cấp 4 lụp xụp của những chủ nhân còn nghèo khó; thì trước nhà vẫn có thể luôn bừng nở bông trang. Cái cây này ở ngoài Bắc có cái tên đẹp là mẫu đơn, thời tuổi thơ đứa nào mà chẳng có lần ngắt lấy một bông, rồi rút từng cọng hoa đưa lên môi mút. Nó có một vị mật hoa ngòn ngọt nhẹ nhàng. Cây bông trang đứng ở bên đường, như một ví dụ đẹp về sự sống hoà với thiên nhiên bao quanh, dù thiên nhiên ấy còn khắc nghiệt.

Còn nữa. Hôm trước ngồi cà phê Hoa Lan. Trước mặt có cây phát tài kiểng, lá dài thon mà lốm đốm xanh, vàng. Bỗng thấy, một cái lá bứt ra, chuyền từ cành này sang cành khác. Căng mắt mãi rồi cũng nhận ra một chú cắc ké. Ô hay, sao lúc tìm chú ở bờ rào cây khô, lại thấy chú giống một cành khô. Nay, chú đã lại lốm đốm hai màu vàng, xanh như chiếc lá. Lại thêm một ví dụ tuyệt vời nữa về hài hoà sự sống giữa thiên nhiên.

Hài hoà với thiên nhiên! Phương châm sống này có lẽ con người đã học được ở chính thiên nhiên từ thời còn sơ khai, sống giữa rừng cây hang đá. Bài học này nay đã bị dần quên do con người đã quen sống giữa tiện nghi của mình sáng tạo ra. Nhưng cái cây hoặc con vật thì không quên đâu bạn ạ! Vậy thì đôi khi ta phải học lại bài học ấy từ chính cái cây hay con vật quanh mình. Để có thể tiếp tục “hài hoà với thiên nhiên” giữa một thiên nhiên đầy biến động.

NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục