Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bóp méo thông tin về dịch bệnh: Thù hận, hằn học dẫn đến mù quáng
Thứ tư: 00:37 ngày 28/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong lúc cả nước đang gồng mình trước những thách thức chưa từng thấy trong thời bình, nhiều người lại hằng ngày, hằng giờ đưa lên mạng xã hội nhiều thông tin thất thiệt một cách có chủ đích. Không chỉ dịch bệnh, chính những dòng thông tin độc hại này đang làm cho không khí xã hội nóng lên.

Bác sĩ chăm sóc con của bệnh nhân Covid-19. Tranh của hoạ sĩ Lê Sa Long

Dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư vẫn đang căng thẳng, cả nước (thật ra không riêng gì Việt Nam) đang đối mặt với vô vàn khó khăn. Những giải pháp tổng hợp, vừa có tính chất hành chính vừa có tính khoa học, kinh tế, ngoại giao đã và đang được triển khai để sớm khống chế dịch bệnh.

Trong lúc cả nước đang gồng mình trước những thách thức chưa từng thấy trong thời bình, nhiều người lại hằng ngày, hằng giờ đưa lên mạng xã hội nhiều thông tin thất thiệt một cách có chủ đích. Không chỉ dịch bệnh, chính những dòng thông tin độc hại này đang làm cho không khí xã hội nóng lên.

Ngày 26.7, một trang mạng của nước ngoài phát bằng tiếng Việt cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh ở Việt Nam. Có điều này phải nói ngay, đây chỉ là một bản tin thuần tuý, tức trang mạng kia không kèm theo lời bình luận.

Tuy nhiên, trang mạng này chỉ cập nhật những số liệu theo chiều hướng đẩy sự việc lên cao, những việc Việt Nam đã và đang làm tốt. Ví dụ, số người được chữa khỏi bệnh, trang mạng này không cập nhật. Cách đưa tin kiểu này, nhìn qua tưởng vô hại nhưng thật ra không phải như thế. Nguyên tắc cân bằng, vô tư, khách quan trong thông tin, trang mạng này bỏ qua.

Trở lại vấn đề, sau khi bản tin của trang mạng kia cập nhật, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người tham gia “bình loạn”, trong đó có nhiều ý kiến thiếu cơ sở, bịa đặt một cách không thể trắng trợn hơn.

“Theo tường thuật của bác sĩ trong bệnh viện Chợ Rẫy mỗi ngày số người chết lên đến hàng trăm người, nhưng không báo cáo, 3/4 nhân viên y tế đều bị nhiễm cán bộ bệnh viện cũng không báo cáo vì sợ mất điểm thi đua”- một ý kiến viết. Có thể nói ngay, đây là một thông tin bịa đặt hết sức trơ trẽn bằng cách mạo nhận “theo tường thuật của bác sĩ trong bệnh viện Chợ Rẫy”.

Thực tế chẳng có bác sĩ nào tường thuật ở đây hết. Cái gì có thể giấu, số người chết vì dịch bệnh không thể giấu, vì ngoài người đã tử vong, họ còn có người thân, gia đình, họ hàng. Làm sao giấu và giấu để làm gì? Bản tin hằng ngày của cả các bộ, ngành, trung ương cũng như địa phương cập nhật liên tục về tình hình dịch bệnh, kể cả số người không may tử vong.

“Bình Dương thằng bạn đang cách ly cùng với xác chết kìa! Vậy mà vẫn muốn giành hết vaccine ra ngoài đó”- một ý kiến khác viết trên trang mạng. Trước hết, chẳng ai lại cách ly chung người sống với người chết. Nếu chẳng may có người đột tử, cơ quan y tế sẽ xử lý ngay lập tức để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Nhưng, câu thứ hai trong đoạn văn ngắn nêu trên mới là đích nhắm của người này, đó là chuyện phân bổ vaccine. Từ khi dịch bệnh lần thứ tư bùng phát đến nay, từng có nhiều luồng thông tin quanh chuyện phân bổ vaccine cho các địa phương.

Tuỳ theo tình hình dịch bệnh tại mỗi thời điểm, vaccine được phân bổ, điều phối một cách hợp lý nhất. Không hề khó khăn gì, nếu muốn kiểm chứng điều này. Chỉ cần lên mạng gõ vài ký tự liên quan đến phân bổ vaccine, trong nháy mắt, dịch vụ tìm kiếm cho ra gần 30 triệu kết quả.

Tại thời điểm này, phần lớn lượng vaccine có được đều ưu tiên tối đa cho các địa phương đang là tâm dịch, đặc biệt TP. Hồ Chí Minh cùng một số tỉnh, thành phía Nam. Xin phép không dẫn số liệu ra đây, vì không thật cần thiết.

Do đó, không hề có cái gọi “ngoài đó muốn giành hết vaccine”. Chẳng có trong hay ngoài nào ở đây, chỉ có một Chính phủ chung của cả nước. Lòng dạ hẹp hòi, cục bộ, bản vị, suy nghĩ thiện cận, tốt nhất đừng lớn tiếng về “dân chủ, nhân quyền, văn minh, hào sảng”.

“Chính quyền phải tránh những hành động kích động sự tù túng của dân bằng cách cho họ đi mua thực phẩm, thuốc chống sốt, thuốc ho, thuốc cảm. Trợ giá các mặt hàng nhu yếu phẩm. Trợ cấp cho dân nghèo.

Con virus này lây khủng khiếp, cả thế giới đang bị nó tấn công nhưng chính phủ các nước khi đối đầu với nó, họ không làm quá như Việt Nam và nhất là nhu yếu phẩm ở các siêu thị luôn đầy đủ các mặt hàng”- đoạn văn là của một người viết trong phần bình luận, xin giữ nguyên, không sửa chữa câu chữ.

Chỉ xin trao đổi ngắn gọn: không chính quyền nào lại đi kích động dân chúng bao giờ, chỉ những người không hiểu biết hoặc biết nhưng ngoảnh mặt với sự thật, mới thốt ra những lời như vậy. Nguồn cung lương thực, thực phẩm thuốc men... có thiếu không? Xin thưa, không! Sau một vài ngày, do tâm lý đám đông, người dân ồ ạt mua đồ tích trữ, hiện nay, hệ thống siêu thị, như chính thống tin từ báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh, “ê hề các mặt hàng”.

Lương thực, thực phẩm và nhiều mặt hàng cơ bản, thiết yếu khác chắc chắn không bao giờ xảy ra khủng hoảng thiếu. Nền sản xuất cũng như hoạt động vận chuyển, lưu thông trong nước dư sức thoả mãn nhu cầu mua sắm của dân chúng, kể cả thời điểm khó khăn này.

Một vài nhà bán lẻ lợi dụng cảnh “đục nước béo cò”, kinh doanh kiểu chụp giật, đã bị lập biên bản. Hẳn nhiều người chưa quên, trước khi TP. Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị 16 để hạn chế lây lan dịch bệnh, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh người đàn ông đang đẩy cả xe trứng gà công nghiệp. Không biết cái ông nào đó vào siêu thị vét hết những quả trứng cuối cùng, bây giờ ăn hay bỏ?

“Tôi không phải là con cháu cộng sản. Tôi sinh sống ở đất nước tự do, Canada. Bạn sống ở Việt Nam bạn thấy cộng sản cấm người dân ra đường bạn ngộp và chửi bới cộng sản nhưng riêng tôi thì tôi thấy cộng sản đang đi đúng đường lối dập tắt đại dịch.

Khi dịch đến bên tôi (Canada) nhà nước ra lệnh nhà ai ở nhà nấy. Nếu phát hiện người này tới nhà người kia chơi thì chủ nhà bị phạt. Không có gì là sai hết, phải mạnh tay hơn mới dập được bệnh. Bạn cứ thử đi, nếu một thành viên trong gia đình chẳng may bị lây bệnh thì gia đình đó tổn thất biết bao nhiêu”- một bạn đọc lên tiếng.

Một ý kiến thể hiện sự nhìn nhận khách quan, điềm tĩnh, hoàn toàn trên tinh thần xây dựng. Thế nhưng chỉ ít phút sau khi đăng, người viết ý kiến này lập tức bị “cả đàn xông vào cắn”. Thử hỏi, “văn minh, dân chủ, hào sảng, vô tư, thấm đẫm tình người” ở đâu?

“Tui cùng tất cả người Việt Nam đang thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc lẫn nhau, đó là cách tốt nhất bảo vệ sức khoẻ cho mình, cho gia đình, cho tất cả mọi người. Lương thực, nhu yếu phẩm không hề thiếu nhé, có chỗ bán theo quy định.

Trong mùa dịch này chính bản thân tui thấy đồng bào giúp đỡ nhau, giúp nhiệt tình cho người gặp khó khăn. Bảo vệ sức khoẻ gia đình, cộng đồng bằng cách ở nhà là thực hiện lòng yêu nước cho dù có khó khăn cũng cùng nhau vượt qua.

Có sự bình yên hay cuộc sống an lành nào mà không đánh đổi để có được. Ở nước ngoài khi chính phủ chống dịch cho người dân nghỉ việc, có biết bao người than vãn về cuộc sống. Khi bạn ở nước ngoài, bạn khổ bạn đói nếu chính phủ giúp thì tốt, còn nếu chính phủ không giúp thì bạn chết chắc, không hàng xóm láng giềng nào giúp đâu nhé, mạnh ai nấy lo, khác với Việt Nam chúng tôi nhiều. Các bạn không giúp được gì thì không nên nói lời cay đắng”- một ý kiến “phản hồi” những người đang ra sức chửi bới chính quyền, mạ lỵ hết người này đến khác, không từ một ai.

“Góp phần” vào sự nhiễu loạn, bóp méo hoặc bịa đặt thông tin không chỉ đến từ những người thiếu hiểu biết, suy nghĩ nông cạn, hời hợt. Ngược lại, nhiều bài viết dạng này được tạo ra bởi những cây bút chuyên nghiệp, đang sống sờ sờ ở trong nước.

“Ngay từ năm ngoái, lãnh đạo Bộ Y tế và Chính phủ (nhiệm kỳ trước) đã không đánh giá đúng mức sự nguy hiểm của con vi rút này, từ đó, không có những biện pháp đặc biệt, tháo gỡ cơ chế cũ kỹ, không phù hợp để mua vắc xin. Ðể đến bây giờ, khi tỉnh ngộ ra thì đã muộn.

Ðây có thể nói là sai lầm lớn nhất trong công tác chống dịch của ta”- đoạn văn trong ngoặc kép xuất hiện trên trang cá nhân, ngày 24.7, của một nhà văn, nhà báo từng giữ trọng trách ở một số tờ báo, trước khi bị thu hồi thẻ hành nghề. Thật mỉa mai, không phải ai khác, chính người này, sau khi đợt dịch thứ ba được dập tắt, ông ta nói rằng, chỉ nên coi dịch bệnh Covid- 19 như một loại cúm thông thường, không có gì đáng ngại.

Tại thời điểm đó, người này còn “kết luận” rằng không cần giãn cách xã hội, không cần ngừng một số hoạt động sản xuất, vì làm như thế ảnh hưởng kinh tế. Tóm lại, theo ý kiến này, dịch bệnh không có gì đáng lo.

Thế nhưng bây giờ, chính ông ta lại nặng lời với Chính phủ vì “không đánh giá đúng mức sự nguy hiểm của con vi rút này” đồng thời phê phán sự chậm trễ trong việc tìm kiếm nguồn vaccine. Ðoạn văn trên chứa đựng hai điều sai trái.

Thứ nhất, chính người này mâu thuẫn với bản thân mình khi đưa nhận định về dịch bệnh, lúc trước bảo không có gì đáng lo, giờ lại nói nguy hiểm. Thứ hai, việc tìm kiếm nguồn vaccine, không phải Chính phủ không biết, cái chính là sự khan hiếm của mặt hàng này.

Thực tế, trừ những quốc gia tự phát triển được vaccine, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia thực hiện ngoại giao vaccine thành công nhất. Thông tin dồn dập trong mấy ngày gần đây đã cho thấy điều đó, không cần thiết phải đề cập trong bài viết này.

Có người so sánh một số nước tỷ lệ dân số được tiêm vaccine cao hơn Việt Nam, trong khi điều kiện kinh tế của họ không mạnh như Việt Nam. Họ chỉ lớn tiếng dạy đời, phê phán nhưng quên mất một điều rằng, mọi so sánh đều khập khiễng.

Có những quốc gia 50% dân số được tiêm vaccine nhưng chỉ nhìn vào tỷ lệ dân số được tiêm để từ đó nhận xét này kia, là chưa thấy hết bản chất của câu chuyện. Bởi lẽ, dân số nước đó rất ít, do đó, xét giá trị tuyệt đối, 50% dân số của họ chưa bằng 1% dân số của Việt Nam.

Rất đơn giản, 50% dân số của họ chỉ vào khoảng 7 triệu người, trong khi Việt Nam, cũng tỷ lệ đó, số người lên đến gần 50 triệu. Chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh đã hơn một chục triệu người sinh sống, gần bằng tổng dân số của quốc gia mà các vị dẫn ra để so sánh với Việt Nam.

Ðọc những lời ác ý như trên, một người viết: “sự thù hận, thái độ hằn học đã làm cho các bạn trở nên mù quáng đến mức điên cuồng”.

Việt Ðông

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục