BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bourbon Tây Ninh: Một vụ chế biến mía đường thắng lợi

Cập nhật ngày: 20/04/2011 - 08:05

Năm 2009, Công ty Cổ phần Bourbon Tây Ninh (SBT) đã đầu tư trồng được 11.780 ha mía. Vụ chế biến 2009-2010 SBT thu mua hơn 650.000 tấn mía cây (kể cả 38.000 tấn mía hom giống), chế biến được 59.000 tấn đường. Năm 2010, SBT phấn đấu đầu tư mở rộng diện tích vùng nguyên liệu mía lên hơn 12.000 ha. Để thực hiện được chỉ tiêu phát triển diện tích vùng nguyên liệu mía, SBT đã tăng cường chính sách đầu tư trồng mới và chăm sóc, đồng thời có nhiều chính sách khuyến khích nông dân trồng mía có năng suất cao. Vụ chế biến 2010-2011 vừa kết thúc và kết quả đạt được là rất khả quan- nhất là trong giai đoạn cây mía phải cạnh tranh gay gắt với nhiều loại cây trồng khác.

Ông Nguyễn Bá Chủ, Tổng Giám đốc SBT cho biết, từ thực tế tình hình của vụ chế biến trước nên đầu vụ chế biến 2010-2011 công ty lập kế hoạch tương đối “khiêm tốn”. Cụ thể: tổng diện tích vùng nguyên liệu mía do SBT đầu tư là 12.000 ha, không tăng so với vụ trước; tổng sản lượng mía thu mua khoảng 680.000 tấn, trong đó sản lượng mía đưa vào ép khoảng 650.000 tấn, chỉ tăng hơn vụ trước khoảng gần 50.000 tấn. Từ kế hoạch này mà thời gian hoạt động của nhà máy SBT dự kiến chỉ kéo dài đến cuối tháng 2 năm 2011. Thế nhưng thực tế lại vượt hơn sự mong đợi. Khi kết thúc vụ chế biến 2010-2011, SBT đã thu mua đưa vào chế biến được đến hơn 933.000 tấn mía cây và gần 24.000 tấn mía hom giống (bao gồm cả mía ở trang trại và mía không đầu tư), vượt cao hơn kế hoạch đến 250.000 tấn.

Nhiều nông dân vẫn tiếp tục gắn bó với cây mía

Đặc biệt vụ chế biến này năng suất mía do SBT đầu tư đạt khá cao. Thống kê cả vụ cho thấy năng suất mía trong vùng nguyên liệu do SBT đầu tư năm nay đạt bình quân đến 75,5 tấn/ha- cao hơn vụ trước khoảng trên 20 tấn/ha. Chẳng những năng suất mía tăng mà giá thu mía vụ chế biến này cũng được nâng lên mức cao nhất từ trước đến nay. Đầu vụ, SBT thu mua 950.000 đồng/tấn mía cây 10 CCS tại ruộng- trong đó giá cơ bản là 700.000 đồng/tấn 10 CCS và 250.000 đồng/tấn các khoản hỗ trợ khác. Sau đó SBT đã lần lượt tăng giá thu mua mía lên 1.000.000 đồng/tấn, 1.050.000 đồng/tấn, 1.100.000 đồng/tấn, 1.150.000 đồng/tấn… và gần cuối vụ thu hoạch, giá mía được nâng lên 1.200.000 đồng/tấn 10 CCS tại ruộng. Riêng về công thu hoạch, năm nay SBT tổ chức và thông báo cụ thể giá hợp đồng tiền công đốn chặt và bốc xếp mía lên xe chở về nhà máy, góp phần giải quyết khó khăn cho nông dân trong việc thu hoạch mía. Tuy nhiên đến gần cuối vụ, tình hình mía khô nhanh khiến nông dân bức xúc muốn mía được thu hoạch sớm. Với áp lực thu hoạch ngày càng cao, SBT đã vận dụng nhiều giải pháp để đáp ứng yêu cầu của nông dân, trong đó có việc tăng công suất nhà máy lớn hơn thiết kế- đặc biệt có lúc nhà máy phải chạy đến 9.000 tấn mía cây/ngày- cao hơn công suất thiết kế đến 1.000 tấn mía cây/ngày.

Cho dù thời điểm cuối vụ có phát sinh khó khăn trong thu hoạch mía, thế nhưng nhìn toàn cục thì năm nay là năm thắng lợi trong việc sản xuất và chế biến mía ở Công ty SBT. Công ty đã thực hiện được sản lượng mía đưa vào ép vượt kế hoạch đến hơn 250.000 tấn và thu nhập từ cây mía năm nay của nông dân không thua kém so với một số cây trồng khác do năng suất mía và giá thu mua mía khá cao. Đạt được kết quả này là do sự nỗ lực của cả hai phía. Về phía Công ty SBT, trong vụ chế biến vừa qua đã tăng cường đầu tư trồng và chăm sóc mía- trong đó có khoản hỗ trợ 9 triệu đồng/ha mía trồng mới và 3 triệu đồng/ha mía gốc vụ 3 trở lên không hoàn lại. Để nâng cao năng suất mía, công ty đã áp dụng nhiều giải pháp về giống, kỹ thuật canh tác, cơ giới hoá, thuỷ lợi… Đặc biệt, công ty còn thành lập câu lạc bộ (CLB) 100 tấn với mức thưởng cao nhằm mục đích khuyến khích các hộ nông dân trồng mía mạnh dạn áp dụng các giải pháp tăng năng suất mía. Vụ mía 2009-2010 có gần 1.600 ha mía đạt năng suất từ 80 tấn/ha trở lên. Vụ mía 2010- 2011, kết thúc vụ, năng suất mía bình quân của các thành viên đăng ký CLB đạt đến 94 tấn/ha- trong đó có đám đạt đến 180 tấn/ha. Còn về phía nông dân thì vẫn còn nhiều hộ gắn bó, chịu khó, chịu thương với cây mía, hết sức nỗ lực để cùng công ty nâng cao dần năng suất, chất lượng mía. Qua kết quả đáng phấn khởi của việc sản xuất và chế biến mía đường vụ vừa qua, có một số nông dân lại chuyển từ cây trồng khác sang cây mía. Ông Trần Minh Quốc, Trưởng trạm Nông vụ 4 thuộc Công ty SBT cho biết trong vùng nguyên liệu mía do trạm quản lý vụ trước không có hộ nào phá bỏ mía để trồng cây khác, và trong vụ này lại có một số nông dân đăng ký chuyển từ trồng mì sang trồng mía với diện tích khoảng 12 ha. Đặc biệt, ở ấp Hoà Đông A thuộc xã Hoà Hiệp có anh Nguyễn Hữu Nghị, sau khi thu hoạch 30 ha mì đã chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng mía bởi vì cây mía có lợi thế là trồng ổn định với chu kỳ nhiều năm.

Vụ chế biến mía đường 2011-2012, Công ty SBT sẽ tiếp tục đồng hành với nông dân để cây mía phát triển ngày càng mạnh trên đất Tây Ninh. Tổng Giám đốc Công ty cho biết, hiện tại SBT đang hoàn chỉnh thiết bị đồng bộ để năm sau nâng công suất nhà máy lên 9.000 tấn/ngày, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mía trong thời điểm phải thu hoạch đông ken, hạn chế áp lực thu hoạch như cuối vụ mía vừa qua.

Sơn Trần