BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bourbon Tây Ninh: Phát triển vùng nguyên liệu mía ở Gò Dầu

Cập nhật ngày: 25/04/2011 - 08:43

(BTNO)- Vừa qua, tại ấp 5 xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu), Công ty Cổ phần Bourbon Tây Ninh phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Gò Dầu tổ chức buổi hội thảo sản xuất vùng mía ở xã Bàu Đồn.

Đại diện Công ty Cổ phần Bourbon Tây Ninh đã trao đổi với bà con nông dân về việc phát triển sản xuất vùng mía tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng cách đưa cây mía xuống vùng thấp thay thế cho cây lúa. Về chính sách đầu tư, đại diện Công ty cho biết để tạo điều kiện cho nông dân sản xuất, trước mắt Công ty sẽ đầu tư vốn cho nông dân bằng tiền mặt và phân bón. Đối với mía tơ (mới trồng) mức đầu tư là 20 triệu đồng/ha (trong đó 17 triệu đồng tiền mặt và phân bón trị giá 3 triệu đồng). Đối với mía gốc đầu tư 13 triệu đồng/ha (trong đó 10 triệu tiền mặt và phân bón trị giá 3 triệu đồng). Vốn đầu tư này sẽ được công ty khấu trừ sau khi nông dân thu hoạch mía.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Ngoài vốn đầu tư có hoàn lại nói trên, đối với những người trồng mía tơ, Công ty còn hỗ trợ không hoàn lại (biếu không cho nông dân) 9 triệu đồng/ha (trong đó hỗ trợ bằng tiền mặt 6 triệu đồng, hỗ trợ bằng phân bón trị giá 3 triệu đồng). Về kỹ thuật canh tác, cán bộ kỹ thuật của Công ty tận tình hướng dẫn nông dân từ khâu làm đất, bón phân, chọn giống, cách trồng, chăm sóc và thu hoạch mía. Về thời vụ, nông dân có thể trồng theo hai vụ: Vụ hè thu bắt đầu xuống giống từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 6; còn vụ đông xuân từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 3.

Để có hom giống trồng trong vụ đông xuân tới ở xã Bàu Đồn, trước mắt Công ty đang cần sự phối hợp với nông dân ở đây xuống giống 30 ha mía giống ngay vụ hè thu này. Ngay sau khi nông dân đăng ký trồng mía giống, Công ty sẽ đưa hom giống và máy móc xuống cùng nông dân sản xuất. Về  mức lợi nhuận của người trồng mía, theo người của Công ty cho biết, nếu nông dân sản xuất đạt khoảng 100 tấn mía/ha, thì sau khi trừ hết các chi phí, nông dân còn lãi trên 60 triệu đồng/ha/vụ. Về khâu vận chuyển mía từ ruộng lên đường, Công ty sẵn sàng đầu tư làm đường giao thông nội đồng, với điều kiện nông dân đóng góp đất làm đường. Chủ trương của Công ty là luôn đồng hành cùng với bà con nông dân trong quá trình canh tác mía.

Nạo vét kênh tiêu qua cánh đồng Bưng Ông Cối. Theo một số nông dân có kinh nghiệm trồng mía ở xã Bàu Đồn cho biết trồng mía ở khu vực này có khả năng đạt năng suất trên 100 tấn/ha/vụ.

Đại diện lãnh đạo xã Bàu Đồn cho biết, khu vực Bưng Ông Cối thuộc ấp 5 có một vùng đất thấp với diện tích khoảng hơn 300 ha. Đây là vùng đất sản xuất lúa ít hiệu quả, nếu nông dân chuyển đổi từ cây lúa sang cây mía thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn. Đề nghị Công ty ưu tiên và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nông dân Bàu Đồn đưa cây mía xuống khu vực Bưng Ông Cối.

Phát biểu tại buổi hội thảo, một số nông dân có kinh nghiệm trồng mía ở xã Bàu Đồn cho biết, vùng đất khu vực Bưng Ông Cối có khả năng đạt năng suất trên 100 tấn/ha/vụ.

D.H