BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bourbon TN: Đề xuất các giải pháp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía ở Tân Châu

Cập nhật ngày: 17/06/2011 - 10:40

(BTNO)- Trong những năm qua diện tích cây mía đã có xu hướng chuyển dịch xuống vùng thấp và có vùng đã phát huy hiệu quả rất tốt, cho năng suất, sản lượng cao. Đặc biệt trong niên vụ mía 2010 - 2011, năng suất bình quân đạt 72,1 tạ/ha. Tuy nhiên, nhìn chung diện tích cây mía ngày càng giảm. Toàn huyện Tân Châu hiện có 7.834ha mía, trong đó trồng mới có 1.810,20 ha, giảm 34% so cùng kỳ.

Nhằm có biện pháp phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía, vừa qua, UBND huyện Tân Châu phối hợp Công ty CP Bourbon Tây Ninh tổ chức hội nghị thực hiện các giải pháp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía trên địa bàn huyện.

Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị, ông Nguyễn Bá Chủ - Tổng giám đốc Công ty CP Bourbon Tây Ninh đã trình bày những giải pháp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía như: Công ty tiếp tục điều chỉnh chính sách đầu tư nhằm chuẩn bị nguyên liệu tốt hơn cho vụ chế biến 2011 - 2012. Cụ thể, về định suất cơ bản, công ty vẫn giữ mức đầu tư 17 triệu đồng/ha mía trồng mới và 10 triệu đồng/ha mía chăm sóc. Số tiền đầu tư này sẽ được công ty thu hồi lại trong 3 năm. Ngoài định suất cơ bản, Bourbon Tây Ninh còn đầu tư bổ sung thêm nhiều khoản khác với mục đích là bổ sung vốn để tăng cường chăm sóc, tưới, thâm canh tăng năng suất mía... Để quản lý vốn đầu tư bổ sung được đầu tư đúng mục đích, định mức đầu tư bổ sung được xác định theo tình hình sinh trưởng và năng suất mía khi thu hoạch trong vụ 2011 -  2012. Cơ sở để xác định mức đầu tư bổ sung được phía công ty đề ra phụ thuộc vào năng suất mía. Cụ thể: năng suất nhỏ hơn 40 tấn/ha thì không được đầu tư bổ sung; từ 40 tấn/ha trở lên bổ sung 2 triệu đồng/ha; từ 50 tấn/ha trở lên bổ sung 4 triệu đồng/ha; từ 60 tấn/ha trở lên bổ sung 5 triệu đồng/ha; từ 70 tấn/ha trở lên bổ sung 6 triệu đồng/ha; từ 80 tấn/ha trở lên bổ sung 7 triệu đồng/ha; từ 90 tấn/ha trở lên bổ sung 8 triệu đồng/ha và từ 100 tấn/ha trở lên sẽ được bổ sung 9 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, Công ty CP Bourbon Tây Ninh còn đầu tư vốn cho nông dân thuê đất trồng mía với định mức tối đa là 20 triệu đồng/ha cho 4 vụ tuỳ theo vị trí, loại đất và tài sản đảm bảo. Ngoài các khoản đầu tư, công ty còn có chính sách hỗ trợ cho người trồng mía. Cụ thể, đối với mía trồng mới sẽ hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/ha với điều kiện phải cam kết cung cấp mía nguyên liệu cho nhà máy thuộc công ty trong 4 vụ liên tiếp kể từ vụ chế biến 2011 - 2012. Còn đối với mía lưu gốc, công ty hỗ trợ thêm 1,5 triệu đồng/ha với điều kiện là mía từ mùa 4 trở lên và năng suất bình quân phải đạt từ 40 tấn/ha.

Vùng nguyên liệu mía trên địa bàn huyện Tân Châu.

Tuy nhiên, dù có các chính sách ưu đãi, giá cả cao nhưng ở nhiều nơi trên địa bàn huyện, cây mía không còn lợi thế cạnh tranh, lợi nhuận trồng mía không cao so với cây mì và cao su; việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, đặc biệt là các loại máy móc hỗ trợ nông dân trong các khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch. Hệ thống thuỷ lợi tiêu úng và giao thông nội vùng nguyên liệu chưa được đầu tư đúng mức làm nhiều vùng diện tích mía khá lớn bị ngập úng cục bộ trong mùa mưa làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng mía cây, kém tái sinh mùa gốc.

Để cây mía được phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo huyện Tân Châu thống nhất nhiều biện pháp do Công ty CP Buorbon Tây Ninh đưa ra như: cấp vốn đầu tư; nâng cấp sửa chữa đường giao thông; điều chỉnh về cơ chế chính sách cho đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phù hợp với thực tiễn; nâng giá thu mua mía nguyên liệu; liên kết chặt chẽ với chính quyền địa phương và người trồng mía, triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng hợp tác xã dịch vụ lao động…

Hy vọng rằng, với những giải pháp do phía Công ty CP Buorbon Tây Ninh đề xuất, vùng nguyên liệu mía trên địa bàn huyện Tân Châu sẽ tìm được hướng di mới, phát triển bền vững hơn.

Ngọc Mến