Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thương mại – Dịch vụ:
Bức tranh sáng về sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Thứ ba: 23:48 ngày 24/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo ông Lê Thành Công- Giám đốc Sở Công Thương, thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Tây Ninh đã có sự phát triển đáng kể. Thu nhập bình quân của người dân ngày càng tăng, do vậy, các dịch vụ phục vụ nhu cầu dân sinh cũng ngày càng đa dạng, phong phú.

Khách hàng mua hàng hoá tại Ðiện máy Xanh. Ảnh: Thanh Nhi

Ở TÂY NINH, MUỐN MUA GÌ CŨNG CÓ

Hiện nay, hầu như mọi dịch vụ đều có mặt tại Tây Ninh, kể cả các dịch vụ mới xuất hiện như GRAB taxi, AirBnB… để phục vụ nhu cầu của người dân.

Anh Trịnh Thanh Dũng, người dân sống tại khu phố 1, thị trấn Hoà Thành, huyện Hoà Thành cho biết, trước đây, khu vực chợ Long Hoa được xem là trung tâm kinh tế - thương mại của tỉnh, nhưng không phải người dân muốn mua gì cũng có, nhất là các mặt hàng cao cấp. Có những mặt hàng người dân muốn mua sắm phải xuống thành phố Hồ Chí Minh.

Thế nhưng hiện tại, việc đáp ứng nhu cầu của người dân đã thuận lợi hơn nhiều. Ví dụ trước đây, người dân muốn mua ô tô phải đi xuống tận thành phố Hồ Chí Minh, còn bây giờ, họ có thể đến các đại lý của nhiều hãng xe nổi tiếng được mở trong thời gian gần đây ở tỉnh để tìm mua một chiếc vừa ý.

Chưa kể 2 năm trở lại đây, để đáp ứng nhu cầu mua sắm các sản phẩm thời trang cao cấp, nhiều nhãn hiệu thời gian cao cấp cũng đã tìm đến thị trường Tây Ninh mở cửa hàng kinh doanh.

Giờ, người dân ở tỉnh muốn mua thời trang cao cấp chỉ cần đến đường Cách Mạng Tháng Tám, thành phố Tây Ninh là có thể tìm mua các sản phẩm của nhiều nhãn hiệu danh tiếng.

Ðó là chưa kể đến những mặt hàng, sản phẩm khác như trang sức cao cấp, hàng công nghệ và các loại dịch vụ khác như taxi, khách sạn cao cấp... đều có sẵn để đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh.

Người dân thành phố Tây Ninh đã có hai siêu thị là Co.opMart và Auchan phục vụ việc mua sắm. Ở một số huyện khác, các siêu thị cũng đang “rục rịch” mở.

Ngoài ra, trung tâm thương mại Vincom sắp đi vào hoạt động, sẽ có thêm nhiều lựa chọn cho người dân Tây Ninh.

Theo anh Nguyễn Văn Bảo, Giám đốc siêu thị Co.opMart Tây Ninh, nhu cầu mua sắm của người dân Tây Ninh khá cao, chỉ sau Bình Dương và Ðồng Nai.

Do vậy, bên cạnh các siêu thị đang có ở thành phố Tây Ninh, Trảng Bàng và Tân Châu, Co.opMart sẽ mở thêm một số siêu thị ở địa phương khác.

Công trình xây dựng Trung tâm thương mại Vincom trên đường 30.4, thành phố Tây Ninh.

Ông Lê Thành Công- Giám đốc Sở Công Thương cho biết, theo số liệu thống kê, năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định, tăng 8,6% so với cùng kỳ; trong đó, thương nghiệp tăng 9,3%, khách sạn nhà hàng tăng 6,6%, dịch vụ tăng 5,4%, ngành du lịch lữ hành tăng 4,9%.

Năm 2017, trên địa bàn ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ so cùng kỳ tăng 9,38%; trong đó, thương nghiệp tăng 9,97%, khách sạn, nhà hàng tăng 10,76%, dịch vụ tăng 2,68%, ngành du lịch lữ hành tăng 10,36%.

Hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư, hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ được hình thành và phát triển, góp phần vào doanh thu bán lẻ các nhóm hàng lương thực thực phẩm, hàng may mặc và đồ dùng, thiết bị gia đình.

TẠO ÐIỀU KIỆN THUẬN LỢI ÐỂ CÁC DOANH NGHIỆP CÙNG PHÁT TRIỂN

Theo ông Công, thời gian qua, tỉnh đã có những chính sách để khuyến khích dịch vụ thương mại phát triển. Về cơ cấu lại và phát triển nhanh các ngành dịch vụ, thương mại trong thời gian qua, theo Quyết định số 11476 ngày 18.12.2014 của Bộ Công Thương về việc ban hành kế hoạch hành động của ngành Công Thương thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá và phát triển bền vững giai đoạn 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sở Công Thương đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá và phát triển bền vững giai đoạn 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu kế hoạch đưa ra từ năm 2016 đến năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng bình quân hằng năm 9%. Về thương mại, đến năm 2030 kết nối hệ thống phân phối quốc tế và ngoài tỉnh, phát triển các loại hình thương mại và dịch vụ chất lượng cao, đa dạng, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân; cải thiện kết cấu hạ tầng các hoạt động thương mại và dịch vụ hướng đến các tiện ích hiện đại và thuận tiện với người sử dụng; cân bằng chất lượng hoạt động thương mại và dịch vụ giữa các khu vực đô thị và nông thôn.

Giám đốc Sở Công Thương cũng cho biết, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương nghiệp ngoài quốc doanh phát triển trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các lĩnh vực phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Ðồng thời, mở rộng mạng lưới bán lẻ. Tiếp tục phát triển mạng lưới dịch vụ cung ứng vật tư sản xuất nông nghiệp ở nông thôn, hỗ trợ nông dân tiêu thụ và chế biến sản phẩm.

Trước mắt, sớm hoàn thành việc xây dựng siêu thị để đáp ứng nhu cầu mua sắm cho người dân. Ðồng thời thực hiện xã hội hoá để huy động các nguồn vốn cho việc hoàn thiện, sắp xếp lại hệ thống các chợ.

Xây dựng và phân bố đồng đều mạng lưới chợ nông thôn để người dân có địa điểm trao đổi, mua bán hàng hoá nhanh chóng, thuận tiện; tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển hệ thống phân phối đồng bộ từ khâu tổ chức nguồn hàng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, tổ chức lưu thông và cung cấp các dịch vụ logistics, dịch vụ bán hàng thuộc các lĩnh vực, ngành hàng quan trọng trong nền kinh tế.

Sở Công Thương sẽ chú trọng tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển thị trường, xây dựng hệ thống đại lý bán hàng, xây dựng mạng lưới cửa hàng nhượng quyền thương mại…

Ðẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ ở tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng hoá mặt hàng, sản phẩm xuất khẩu, trong đó, chú trọng xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm tinh chế, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu, sản phẩm thô; tăng cường công tác xúc tiến, giới thiệu, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu; khai thác tối đa thị trường hiện có, phát triển thị trường mới có tiềm năng.

Tạo điều kiện, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng các trung tâm thương mại đã quy hoạch trên địa bàn. Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng các cửa khẩu, hệ thống chợ đường biên để đẩy mạnh hoạt động kinh tế biên mậu và dịch vụ logistics.

Người dân mua sắm tại siêu thị Co.opMart.

 Nâng cao năng lực vận chuyển, chất lượng dịch vụ vận tải công cộng, đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là quá trình đô thị hoá nhanh. Quy hoạch, định hướng phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch theo hướng gắn kết và phát huy thế mạnh của địa phương với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thực hiện tốt việc cơ cấu lại ngành du lịch; đầu tư, phát triển nhanh, đồng bộ Khu du lịch núi Bà Ðen. Tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính viễn thông.

Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của tỉnh đầu tư, hợp tác, mở rộng hoạt động thương mại - dịch vụ sang thị trường ASEAN. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

THIÊN TÂM

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh