Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Rừng phòng hộ Dầu Tiếng có diện tích 29.195 ha, trong đó có gần 5.000 ha rừng trồng. Những năm gần đây ngoài những vụ phá rừng, khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng vẫn xảy ra, lại xuất hiện thêm tình trạng hàng trăm ha rừng dầu hơn 20 năm tuổi đang bị “bức tử” để trồng mì và trồng cao su.

Rừng phòng hộ Dầu Tiếng có diện tích 29.195 ha, trong đó có gần 5.000 ha rừng trồng. Những năm gần đây ngoài những vụ phá rừng, khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng vẫn xảy ra, lại xuất hiện thêm tình trạng hàng trăm ha rừng dầu hơn 20 năm tuổi đang bị “bức tử” để trồng mì và trồng cao su. Thế nhưng không trường hợp nào được xử lý nghiêm minh, ngành chức năng gần như đứng ngoài cuộc và rất lúng túng...
Nạn phá rừng vẫn lộng hành
Theo số liệu của Hạt Kiểm lâm Rừng phòng hộ Dầu Tiếng, trong năm 2011 xảy ra 86 vụ xâm hại đến rừng, Hạt Kiểm lâm đã ngăn chặn và xử lý kịp thời. Trong đó có 27 vụ phá rừng với diện tích 15,46 ha (tăng 22 vụ so năm 2010), gồm 23 vụ/12,31 ha rừng trồng, 4 vụ/3,14 ha rừng khoanh nuôi. Hạt Kiểm lâm xử phạt hành chính 83 vụ, đề nghị khởi tố hình sự 3 vụ (tăng 1 vụ); tịch thu 50,89m3 gỗ các loại, 18 xe đạp, 18 mô tô cùng nhiều phương tiện phá rừng; thu nộp ngân sách hơn 430 triệu đồng (tăng hơn 263 triệu đồng). Ngoài ra các xã có rừng xử lý 31 vụ vi phạm, buộc khắc phục hậu quả 15 vụ/12,01 ha rừng trồng, xử phạt bằng tiền 11 vụ/32 triệu đồng.
![]() |
Một khu rừng dầu mới bị mé nhánh, chặt đọt, đốt gốc |
Trong quý I-2012 xảy ra 21 vụ, trong đó có 9 vụ khai thác trái phép lâm sản, 3 vụ phá rừng, thiệt hại 0,18 ha rừng trồng. Hạt Kiểm lâm xử lý 19 vụ, xã Tân Hoà (huyện Tân Châu) xử lý 1 vụ, đề nghị khởi tố hình sự 1 vụ; tịch thu 5,66m3 gỗ, 2 mô tô, 1 xe cù cùng nhiều phương tiện phá rừng; thu nộp ngân sách hơn 136 triệu đồng (tăng hơn 91 triệu đồng so cùng kỳ).
Rừng trồng bị bức tử để trồng mì, cao su
Một lần đi sâu vào các cánh rừng thuộc Tiểu khu 41, 42, 43 thuộc địa bàn các xã Suối Ngô, Tân Hoà (huyện Tân Châu) chúng tôi chứng kiến nhiều cánh rừng dầu hơn 20 năm tuổi bị người dân chặt (mé) gần hết nhánh, chặt cụt đọt và gom cành lá, cỏ rác vào gốc cây rừng đốt cháy, nhiều cây dầu đã chết khô. Dưới tán cây dầu được trồng khoai mì khá tươi tốt, một số diện tích đã trồng cao su từ đầu mùa mưa năm 2010. Tại Tiểu khu 41, một cánh rừng dầu có diện tích 5 ha do một người tên Huỳnh đứng tên hợp đồng, vừa mới thu hoạch khoai mì. Toàn bộ cây dầu ở diện tích này bị mé nhánh, chặt cụt đọt và mới đốt gốc, vết tro than còn đen nhẻm tất cả các gốc cây dầu. Cạnh bên là diện tích 6,7 ha do một người tên Hoa hợp đồng, tất cả cây dầu cũng bị mé nhánh, chặt đọt và đã được trồng cao su từ đầu mùa mưa năm 2010, cây cao su rất tươi tốt. Trong khi đó ở những cánh rừng dầu không bị mé nhánh, đốt gốc thì cây dầu đã khép tán xum xuê, dưới tán dầu thảm cây tái sinh và cỏ lên xanh tốt đúng nghĩa là rừng.
Chủ rừng thờ ơ, cơ quan bảo vệ pháp luật làm ngơ
Đặt vấn đề với cán bộ Hạt Kiểm lâm Tân Châu về việc mé nhánh, chặt đọt, đốt cây dầu và việc trồng cao su trong rừng dầu ngành đã xử lý ra sao, chúng tôi được trả lời: “Ban quản lý (chủ rừng) không lập biên bản, không đề nghị xử lý nên Hạt Kiểm lâm cũng không thể xử lý được. Chúng tôi đi tuần tra phát hiện vụ việc nhưng không bắt được người vi phạm nên chỉ báo cho Ban quản lý rừng, nhưng đến nay vẫn không thấy Ban quản lý rừng có ý kiến gì”. Người cán bộ Kiểm lâm nói như phân trần (!?).
Một cán bộ Kiểm lâm bức xúc cho biết: Từ năm 2011 đến nay, Hạt đã đề nghị khởi tố hình sự 9 vụ vi phạm phá rừng, theo quy định tại Điều 189, Bộ luật Hình sự với tội danh “Huỷ hoại rừng” và Điều 100, 111 Bộ luật Tố tụng hình sự; nhưng đến nay ngành chức năng huyện Tân Châu không hề có động thái nào. Xin nêu 2 vụ điển hình trong 9 vụ vi phạm, Hạt Kiểm lâm Rừng phòng hộ Dầu Tiếng đề nghị khởi tố hình sự:
Ông Phạm Quốc Khánh (SN 1970, ngụ tổ 1, ấp Tân Thuận, xã Tân Thành, Tân Châu) đứng tên hợp đồng trồng 14,1 ha rừng, tại 4 lô thuộc Tiểu khu 54 cây trồng chính là cây dầu. Ông Khánh đã thuê người mé toàn bộ cành, nhánh của 1.089 cây dầu trồng từ năm 1992 đến 1994; thiệt hại tương đương với diện tích 5,445 ha rừng; làm cho độ che phủ chỉ còn 1.089m2 trên diện tích 14,1 ha. Ông Khánh đã nhận gần 36 triệu đồng tiền Nhà nước đã đầu tư cho việc trồng 14,1 rừng.
Điều 189, Bộ luật Hình sự quy định về tội huỷ hoại rừng: “1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”. |
Ông Nguyễn Văn Toàn (SN 1966, ngụ tại ấp Tân Trung, xã Tân Thành, Tân Châu); năm 1995 đứng tên hợp đồng trồng 4 ha rừng, cây trồng chính là sao, dầu, tại lô 3, Tiểu khu 62. Tháng 11.2011, ông Toàn đã thuê người chặt cành mé nhánh toàn bộ 400 cây sao, dầu đã khép tán, gây thiệt hại tương đương 2 ha rừng trồng, làm cho độ che phủ chỉ còn 400m2 trên diện tích 4 ha. Cũng trong năm 1995, ông Toàn đã nhận hơn 12 triệu đồng tiền Nhà nước đầu tư cho việc trồng 4 ha rừng.
Việc ông Khánh không bị truy tố thì không dễ gì ngành bảo vệ pháp luật truy tố những trường hợp vi phạm khác mà Hạt Kiểm lâm Rừng phòng hộ Dầu Tiếng đã đề nghị. Việc này phải do Viện KSND huyện Tân Châu, nơi đã tiếp nhận hồ sơ các vụ án mới biết rõ nguyên nhân không thể, hay chưa thể khởi tố các vụ án với tội danh “huỷ hoại rừng”.
Giải pháp nào để ngăn chặn nạn “bức tử rừng”?
Từ năm 1995, tỉnh có chủ trương cho người dân thực hiện việc trồng rừng xen canh với cây nông nghiệp và cây phụ trợ trên đất lâm nghiệp bị khai thác trắng. Do hợp đồng chưa chặt chẽ và mô hình “B1”(rừng gắn với xã hội) không phù hợp, nên người trồng rừng lợi dụng làm cho cây trồng chính không phát triển, hoặc làm cho cây rừng chết dần để canh tác cây ngắn ngày. Ông Vương Quốc Thới, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết: Sở đang tham mưu cho UBND tỉnh cho thực hiện hợp đồng mới và có biện pháp kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, kể cả việc tỉnh ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất giao cho chủ rừng thực hiện nghiêm túc việc trồng rừng.
Việc chấn chỉnh hợp đồng giữa chủ rừng với người trồng rừng là cần thiết, việc kiên quyết xử lý, kể cả việc truy tố trước pháp luật những người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, hay lôi kéo người khác vi phạm, để làm gương là việc phải nghiêm túc, đúng pháp luật. Mặt khác phải điều chỉnh mức hỗ trợ cho công tác chăm sóc, bảo vệ rừng khi cây trồng chính khép tán, như hiện nay chỉ có 400.000 đồng/ha là quá thấp, cần điều chỉnh lên từ 2 đến 3 lần và có lộ trình điều chỉnh thường xuyên cho phù hợp.
NGUYỄN TRẦN VĂN