Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bức tường bao bể bơi phía này cũng được dỡ đi rồi, chỉ còn một khán đài thấp cho người xem khi có cuộc thi bơi. Tôi nhớ bức tường này, là vì có nhà bạn ở đường Nguyễn Thái Học, sân sau tiếp giáp khu bể bơi.
Sáng đầu tuần, đang đi trên đường Hoàng Lê Kha từ hướng đường Nguyễn Thái Học sang Cách Mạng Tháng Tám đến đoạn gần showroom ô tô, bỗng tôi thấy lạ. Cũng góc phố bên tay trái này đây, vẫn có quán cà phê ở đầu lối đi vào khu bể bơi, nhưng vẫn có gì khang khác. Thế là rẽ vào thôi vì tôi luôn tò mò trước cái gì mới, trong thành phố của mình dường như thay đổi mỗi ngày.
À, cái mới đây rồi! Ở cuối con đường ấy, cái bể bơi đã lộ diện, thênh thang dưới nắng. Sớm nên chưa ai vào bơi hoặc tắm. Nước hồ lặng sóng mà leo lẻo xanh trong, thấy rõ từng viên gạch lát hồ sáng bóng men xanh. Không tin vào mắt mình, tôi hỏi chị nhân viên đang quét đường. Chỉ bảo: - Thì vẫn là cái hồ bơi cũ đấy thôi! Chỉ khác là ông chủ mới về đã cho dỡ bức tường bao. Rồi xây lại cái nhà phục vụ và quản lý bên cạnh hồ thật đẹp.
Quả nhiên, nằm cạnh dọc theo hồ còn có một kiến trúc hai tầng yểu điệu và thanh nhã. Ðấy chính là khối nhà phục vụ cho người bơi trước lúc vào hồ. Kiến trúc như một con tàu trắng, thanh thản nằm giữa bóng cây, thảm cỏ bao quanh.
Tôi vòng ra theo con đường chạy bên hông. Bên này giờ đã có thêm mấy sân quần vợt với đông người tập luyện. Thì ra đây là sân tập của câu lạc bộ quần vợt Hải Ðăng. Nghe nói có cả vận động viên quốc gia và các huấn luyện viên quốc tế được mời về. Thảo nào sân rộn vang tiếng người, ngôn ngữ tây - ta lẫn lộn. Bức tường bao bể bơi phía này cũng được dỡ đi rồi, chỉ còn một khán đài thấp cho người xem khi có cuộc thi bơi. Tôi nhớ bức tường này, là vì có nhà bạn ở đường Nguyễn Thái Học, sân sau tiếp giáp khu bể bơi.
Nhưng từ sân vườn của anh nhìn sang chỉ thấy tường bao che kín mít. Ðã có lần bạn bảo, sau này ráng làm một cái chòi cao ở vườn sau, vừa yên tĩnh làm việc, lại có thể nhìn vào bể bơi xem khỏi mua vé mỗi kỳ thi đấu. Còn chưa kịp lập chòi thì bên này đã dỡ bỏ bức tường rồi. Giờ thì bạn chẳng cần làm gì cả mà vẫn có thể tha hồ ngắm người bơi đông vui từ sớm qua chiều.
Tôi bước vào bậc thang lên khán đài. Toàn cảnh hồ bơi cũ hiện ra tuyêt đẹp. Ngoài hồ bơi chính 8 đường bơi dài 50m, sâu 2 mét còn có hai hồ nữa ở phía trong, chắc dành cho các em nhỏ tập bơi. Cái khẩu hiệu cổ động cho việc học bơi chống đuối nước cho trẻ em vẫn còn kia, báo hiệu đã có vài lớp học bơi mùa hè cho trẻ.
Xem xong hồ, tôi lại vòng ra phía trước. Bên cạnh đường vào khu hồ bơi còn có quán cà phê mang tên mới là Hellen. Quán cũ tôi đã từng ngồi, với không gian khá đẹp. Vậy mà nay còn đẹp hơn xưa với đá xếp ngẫu hứng trên đồi cỏ; với cây bon sai cùng nhiều loại hoa kiểng quen và lạ. Ðá có vân theo vệt dài như trầm tích dưới lòng sông suối đã ngàn năm. Cây quen như khế, như me. Cây lạ như là bàng Ðài Loan (chị quét sân cho biết). Chị còn mách cho tôi cây me bonsai trong quán được mua với giá 500 triệu đồng.
Tò mò, tôi vào xem. Nhìn bên ngoài chỉ là một vòm me xanh như một tán dù che. Vậy mà cúi xuống nhìn từ bên dưới, mới thấy quả thật là một cây cổ thụ như đã từng có cả ngàn năm kiêu hãnh. Cành nhỏ như cây đũa thôi mà đen nhức, quanh co đủ mọi dáng hình. Thật là cả một sự kỳ diệu của thiên nhiên, dưới bàn tay người nghệ nhân chăm sóc. Cây khế gần đấy cũng đáng xem, bởi cây cao chỉ hơn một mét. Mà những chùm trái nhỏ như đầu ngón tay treo trĩu trịt. Nhâm nhi một trái xem. Vẫn một vị chua đầm ấm mà thanh khiết của quê nhà.
Nhưng, cây mà tôi ngưỡng mộ nhất phải là cây đa của quán. Cây to đến mấy người ôm, mà trông quen lắm! Liệu có phải là cây đa từng mọc bên cổng khách sạn Hoà Bình? Vào đây, được chăm sóc tốt hơn, nên thân cây như được kết lại từ muôn vàn thân rễ từ trên cành cao thả xuống, lại sạch bong, sáng tựa vỏ bằng lăng. Vô số búp đa vút ra từ giữa chòm lá, còn tươi màu đỏ chót. Lá tốt tươi, to cỡ một bàn tay. Bắt tay bạn một cái nào! Thấy mát rượi lòng tay.
Về, đêm nằm cứ băn khoăn nghĩ lại. Rằng cái gì đã làm nên một cuộc đổi thay, biến một góc phố vốn thưa vắng người đi, thành một góc phố tấp nập người đông nhưng cũng là một “góc phố dịu dàng”.
Có lẽ có nhiều nguyên nhân. Nhưng quan trọng nhất là những bức tường đã được tháo dỡ. Sau một cuộc chuyển động được gọi là “xã hội hoá”. Những bức tường khép kín tư duy, định hình khuôn khổ đã không còn nữa. Cho những ý tưởng tươi mới và sáng tạo ùa vào.
NGUYỄN