Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Búi tóc thể hiện gái đã có chồng
Thứ hai: 12:00 ngày 25/01/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong đám cưới truyền thống của người Thái Đen thì lễ Búi tóc ngược (Tằng cẩu) là nghi lễ quan trọng không thể thiếu, là một dấu hiệu thông tin cho mọi người biết người con gái đó đã lập gia đình.

Lễ Tằng cẩu được người Thái Đen coi trọng

Lễ Tằng cẩu được tiến hành tại nhà gái, trên nhà sàn ở gian nhà phía buồng cô dâu ngủ, trước khi làm lễ đón dâu về nhà chồng.

Cô dâu, chú rể cùng uống chén rượu mừng hạnh phúc.

Sáng hôm làm lễ Tằng cẩu, nhà trai cử một đoàn sang nhà gái gồm những thiếu nữ trẻ đẹp và các thiếu phụ khoẻ mạnh, tháo vát, am hiểu sâu sắc phong tục, tập quán và thông thạo động tác búi tóc ngược cho cô dâu mới. Phía nhà gái cũng có số người tương ứng, trong đó có hai thiếu nữ làm phù dâu, thường là bạn thân của cô dâu.

Đồ vật làm lễ Tằng cẩu do bố mẹ cô dâu chuẩn bị được xếp lên mâm, bao gồm: Một đĩa đựng 4 chén rượu, 1 chai rượu đặt bên cạnh; Một cái mẹt đựng: 2 bát gạo (xòng thuổi khảu), 2 quả trứng được đặt lên bát gạo, 2 bông hoa được cắm trên hai bát gạo, 1 cọn vải trắng (châu đón), 1 cọn vải kẻ đỏ (châu đènh), 1 trâm cài tóc (mản cẩu), 1 xa búi tóc, 1 bộ áo cóm và váy (xỉn sửa), 1 dây thắt lưng (sai yều), 2 vòng tay bạc (xòng pắc khen), 1 xà tích (sỏi), 1 cái gương (ben), 1 cái lược (cản bì), 1 đôi búi tóc giả (xòng cản chọong), 1 bát nước cỏ mần trầu (thuổi phắc nhả hút). Ngoài ra phải có: 1 cái lược để chải tóc cho cô dâu, 1 bát nước lã trong có: Sỏi ba bến (hin xam ta), búi rau mần trầu ba vườn (tổn nhả hút xuôn) để nhúng lược vào chải tóc cô dâu, với ý nghĩa:

Ba hòn sỏi thả vào bát nước là tượng trưng cho gia đình luôn có 3 thế hệ cùng chung sống khoẻ mạnh, mặt khác cầu cho đôi vợ chồng trẻ vững niềm tin xây dựng tổ ấm hạnh phúc, cũng như những hòn sỏi kia dù ngâm trong nước hay ở ngoài bãi sông suối vẫn luôn cứng cỏi không bao giờ bị mối mọt mục nát.

Ba búi cỏ mẩn trầu thả vào bát nước tượng trưng gia đình luôn có 3 thế hệ cùng chung sống đoàn kết, làm ăn phát đạt, lộc tài sinh sôi nảy nở, êm ấm, hạnh phúc như búi mần trầu. Từ một gốc mần trầu, mọc nhiều nhánh mần trầu non sum suê vây quanh mần trầu mẹ thành bụi to, tạo cho bộ rễ chắc hơn, xanh mượt, khó nhổ, cho vào bát nước chải tóc là để tóc chắc, khoẻ, mượt, dài nhanh, không bị rụng.

Búi tóc ngược cho cô dâu.

Tất cả các thứ đã được chuẩn bị trước, đem đến đặt cạnh mâm đồ lễ búi tóc.

Đánh dấu bước ngoặt trong đời của người con gái Thái

Mâm lễ búi tóc đã chuẩn bị xong, nghi lễ búi tóc ngược bắt đầu tiến hành, các cô, dì, chú bác hai bên gia đình sẽ cho quà vào mâm lễ (có thể bằng hiện vật hoặc tiền) với những lời chúc tốt đẹp cho đôi vợ chồng trẻ.

Cô dâu mặc áo váy đẹp được mẹ dắt ra ngoài, ngồi xuống chiếu trước mâm làm lễ. Bà mẹ thả duỗi tóc con gái xuống cho bên nhà trai tiến hành làm thủ tục búi tóc ngược. Khi đã chải tóc xong, mẹ hoặc dì cô dâu mời mẹ chồng (hoặc cô chồng) đón nhận để tiếp tục làm lễ búi tóc ngược nhận dâu.

Chuẩn bị đồ vật để Tằng cẩu trang điểm cho cô dâu.

Người được chọn để Tằng cẩu (gọi là “nai cẩu”) đứng ở phía sau lưng cô dâu, lấy lược nhúng vào bát nước cỏ mần trầu rồi nhẹ nhàng chải tóc từ sau gáy hớt ngược lên đằng trước cuốn cùng đôi tóc giả búi lên đỉnh đầu, chụp xa búi tóc, rồi lấy châm bạc cài chính giữa búi tóc, vừa chải tóc vừa có câu: Ngày hôm nay mẹ chải tóc cho con để làm lễ búi tóc ngược cho con, từ hôm nay con sẽ trở thành dâu con bên nhà mẹ, đừng có chê trách gì con nhé, từ nay trở đi vợ chồng con phải sống hạnh phúc với nhau, sinh con trai con gái khoẻ mạnh con nhé.

Khi đã búi tóc xong, “nai cẩu” thay váy áo mới xong đeo hai vòng tay vào hai tay, hoa tai… cho cô dâu. Tiếp đó lấy hai bát gạo được đặt quả trứng lên đổ vào túi. Bà cô lấy cọn vải đỏ giao cho cô dâu và cầm tay cô dâu trao cho chú rể, dắt tay nhau vào phòng cưới.

Để tượng trưng cho gia đình đông con nhiều cháu họ cho một vài đứa trẻ vào phòng cưới (tượng trưng cho con cái họ sau này), làm xong lễ búi tóc, cho cô dâu chú rể mỗi người cầm hai chén rượu chúc nhau, rồi mời mọi người cùng nâng chén chúc mừng. Bà mối thay mặt nhà trai có lời cảm ơn nhà gái đã có sự quan tâm, đồng tình ủng hộ và tạo điều kiện cho nhà trai tiến hành làm lễ cưới cho hai con đạt kết quả tốt đẹp thành vợ, thành chồng.

Sau lễ Tằng cẩu, cô gái phải luôn búi tóc vừa để làm đẹp vừa như là một dấu hiệu thông báo cho các chàng trai khác biết họ đã có chồng.

Lễ búi tóc ngược (Tằng cẩu hay khửn cẩu) diễn ra với mục đích phân biệt người con gái Thái đã có chồng với những người con gái Thái chưa chồng. Ngoài ra, việc búi tóc ngược còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những người con gái đã có chồng đó là che trở, bảo vệ cho chồng, con, bảo vệ tổ ấm hạnh phúc bên gia đình của họ.

Theo langviet

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục