Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nồi nước lèo chua ngọt, nóng hổi cùng với đĩa sứa tươi giòn của món bún sứa nước lèo làm nên những hương vị ẩm thực độc đáo của miền đất Võ (Quy Nhơn, Bình Định).
Sứa gồm hai loại là sứa tai và sứa chân. Sứa tai màu trong xanh, nhiều nước, mềm, không giòn, sứa chân có màu trắng đục, khô, ăn rất giòn.
Nước lèo được ninh bằng xương hoặc thịt ba chỉ khoảng 3-4 tiếng. Dùng chảo đun sôi dầu rồi cho tôm và cà chua băm nhỏ vào, sẽ cho ra một hỗn hợp nước sánh vàng, sau đó đổ sang nồi nước hầm. Khi gần ăn thì thả hành tây cắt hạt lựu, thêm một chút nước gừng và rau húng để nước lèo có được vị thanh, thơm thoảng thoảng của gừng và hơi hăng hắc của húng.
Đậu phộng, xoài xanh, hoa chuối thái sợi và một bát mắm nguyên chất có vài miếng ớt tươi là những gia vị không thể thiếu khi thưởng thứ sứa nước lèo.
Sứa sau khi bắt được, ngư dân chà rửa sạch nhớt, rồi ngâm với lá ổi hoặc phèn chua cho sứa se lại và mất đi mùi tanh. Sau một ngày mang ra xả nước lạnh thật kỹ, thái thành miếng là có thể dùng được.
Sợi bún rời không kết dính, không nhũn được nhúng vào nước sôi đến 2 lần rồi đưa vào tô, rồi tưới lên lớp nước lèo nấu bằng xương heo cho vừa xăm xắp. Tiếp đến sắp lên mặt tô bún một lớp sứa. Miếng sứa được cắt nhỏ vừa miệng ăn và cắt đều. Tiếp theo còn rải lên sứa một lớp đậu phộng rang, giã giập, rồi thêm vài miếng chả cá và miếng chả ram vàng khè và giòn rụm. Chưa hết, người ta còn rải tiếp một lớp xoài xanh đã thái mỏng đều đặn chạy dài theo trái xoài. Tiếp nữa là những lát dưa leo dài, mỏng được rải đều đặn trên mặt tô bún.
Tô bún sứa cũng cần có những phụ gia khác như: Rau sống, xà lách, húng, ngò tàu, rau quế, tiêu nghiền nhỏ, ớt miếng mỏng, lát chanh tươi… Trước khi ăn, thực khách dùng đũa trộn tô bún cho thật đều, ăn chậm rãi, từ từ, nhai kỹ, miếng sứa giòn, đậu phộng bùi béo ngậy, vị chua của xoài, chanh tươi, mùi thơm của húng, vị cay nồng của tiêu, ớt và nước lèo nóng còn bốc khói có vị đậm đà… đã tăng thêm độ khoái khẩu cho thực khách./.
Nguồn LangvietOnline