Kinh tế   Nông thôn mới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xây dựng nông thôn mới:

Bước chuyển mình của khu vực nông thôn 

Cập nhật ngày: 27/10/2020 - 00:42

BTN - Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 được triển khai mạnh mẽ đã từng bước thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, kinh tế nông thôn; giúp bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống kinh tế, văn hoá của người dân nông thôn.

Ông Lê Thanh Liêm- chủ trang trại nấm Quê Hương (xã Thạnh Ðức, huyện Gò Dầu) bên sản phẩm nấm mối.

Bộ mặt nông thôn thay đổi

Theo ông Nguyễn Văn Ứng (sinh năm 1951, ngụ ấp Hoà Hợp, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành), hưởng ứng chương trình xây dựng NTM, ông đã hiến đất làm đường giao thông nông thôn với chiều ngang 8m, dài 70m để mở đường, góp phần thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển nông sản trong vùng.

Bên cạnh đó, gia đình ông còn hiến một phần đất có chiều ngang 4m, dài 80m để mở con kênh nhánh phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ông Ứng chia sẻ: “Trước đây, khi tới mùa vụ, tôi và bà con phải dùng máy bơm nước, mỗi tháng có thể tiêu tốn cả triệu đồng. Giờ có con kênh đi qua nên sản xuất thuận lợi hơn”.

Ông Nguyễn Văn Hạt- Chủ tịch UBND xã Hoà Thạnh cho biết, Hoà Thạnh đã  đạt 17/19 tiêu chí xây dựng NTN, còn lại 2 tiêu chí phấn đấu từ đây đến cuối năm phấn đấu đạt tiêu chí 15 và tiêu chí 18.

Ðối với tiêu chí 15 về bảo hiểm y tế, Ðảng uỷ, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng với các chi bộ vận động nhân dân tích cực tham gia, dự kiến trong tháng 11 tới sẽ đạt. Còn về tiêu chí 18, Ðảng uỷ xã đã có kế hoạch ngay từ đầu năm, triển khai cho tất cả cán bộ, đảng viên cũng như các ban, ngành, đoàn thể để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Thời gian qua, từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhiều trường học đã được nâng cấp, sửa chữa, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dạy và học của nhà trường và các em học sinh.

Cô Lương Thị Thu Hằng- Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Phước Vinh (huyện Châu Thành) cho biết, trường được đầu tư 2 dãy phòng giúp cho các cháu có môi trường học tập tốt. Trong thời gian tới, để việc dạy học của trường được tốt hơn, cô Hằng đề nghị lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương hỗ trợ cho nhà trường đồ dùng, đồ chơi cho các điểm lẻ ở các ấp Phước Hoà, Phước Lộc và Phước Thạnh.

Theo ông Nguyễn Trọng Hiệp- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vinh, Phước Vinh tập trung cả hệ thống chính trị để thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Ðến nay, các tiêu chí, đạt khoảng 90%. Có 3 tiêu chí đang được xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện, gồm cơ sở vật chất văn hoá, trường học, đường giao thông. 

Khó khăn trong xây dựng NTM ở địa phương là việc vận động người dân tham gia chương trình bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu quan trọng trong xây dựng NTM. Ông Nguyễn Văn Hạt - Chủ tịch UBND xã Hoà Thạnh (huyện Châu Thành) cho biết, trên địa bàn xã có 5 ấp, tổng số 162 hộ dân tộc Khmer với 673 khẩu, chủ yếu ở ấp Hiệp Phước.

Ðể nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số, xã phối hợp với các ngân hàng - chủ yếu là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho người dân vay vốn; tuyên truyền nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật, chọn cây - con giống... Qua điều tra cơ bản, thu nhập đầu người trên xã đạt khoảng 59 triệu đồng/người/năm.

Già làng Un Miệt (ấp Hiệp Phước, xã Hoà Thạnh) cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng NTM, ấp Hiệp Phước đã thay đổi rất nhiều, cuộc sống của đồng bào không còn khó khăn như trước, đời sống ngày càng được nâng lên.

Ðường sá trước kia rất lầy lội vào mùa mưa thì nay đã được đầu tư nâng cấp, người dân rất phấn khởi. “Ðảng và Nhà nước rất quan tâm, chăm lo đến đời sống của nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, như làm đường, hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế, hỗ trợ vật nuôi, nước sạch, bảo hiểm y tế...”-già làng Un Miệt nói.

Nhân viên Nông trại nấm Quê Hương (xã Thạnh Ðức, huyện Gò Dầu) soạn phôi nấm.

Thạnh Ðức là xã thuộc vùng nông thôn, cách thị trấn Gò Dầu 12km. Diện tích đất tự nhiên khoảng 7.268,7 ha; dân số 20.905 nhân khẩu với 6.049 hộ. Người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Xã có 10 ấp và 191 tổ dân cư tự quản.

Ông Võ Ðông Sơ- Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Ðức cho biết, từ khi thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập, giải quyết việc làm, nâng cao tay nghề lao động qua các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Qua điều tra khảo sát tiêu chí số 10, thu nhập bình quân của người dân đạt khoảng 60 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, huyện đầu tư được tuyến đê bao chống lũ, xã sẽ chuyển vùng lúa kém hiệu quả, không đạt chất lượng sang trồng khóm hoặc sầu riêng để tăng thu nhập cho người dân.

Theo Sở NN&PTNT, ước đến năm 2020, có 45/71 xã đạt chuẩn NTM, đạt 63,4%; bình quân toàn tỉnh đạt 17,1 tiêu chí/xã, tăng 3,5 tiêu chí so với năm 2016. Năm nay, thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư; các đề án, dự án, các chính sách trên lĩnh vực phát triển nông nghiệp được chú trọng xây dựng, làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt nông thôn. Quá trình cơ cấu lại nông nghiệp luôn gắn với xây dựng NTM, từ phát triển kết cấu hạ tầng gắn với quy hoạch vùng sản xuất, chuyển đổi sản xuất, góp phần nâng cao giá trị gia tăng. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đến cuối năm 2020 đạt 50 triệu đồng/người, tăng 13,4 triệu đồng/người so với năm 2016.

Trúc Ly