Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nông nghiệp công nghệ cao:

Bước chuyển mình đáng kể 

Cập nhật ngày: 01/02/2021 - 01:04

BTNO - Thời gian qua, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước chuyển mình đáng kể, góp phần gia tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất đáp ứng yêu cầu thay đổi, đa dạng hoá thị trường; nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 25,2% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Trồng rau trồng nhà lưới đã không còn xa lạ với người nông dân.

Thời gian qua, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước chuyển mình đáng kể, góp phần gia tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất đáp ứng yêu cầu thay đổi, đa dạng hoá thị trường; nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 25,2% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất

Mục tiêu quan trọng nhất hiện nay trong sản xuất nông nghiệp là đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao tiên tiến vào sản xuất, tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh của tỉnh theo quy mô hàng hóa lớn, đạt năng suất, chất lượng cao. Chú trọng xây dựng chuỗi giá trị khép kín, tạo thương hiệu sản phẩm góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng sống của nông dân.

Để làm được điều đó, thì việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất đang được người nông dân quan tâm đầu tư thực hiện. Nhận thấy, mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, kết hợp bón phân, được xem là giải pháp tiết kiệm sức lao động, gia tăng thu nhập.

Ông Nguyễn Minh Phương là một trong những nông dân sản xuất giỏi tại ấp Thạnh Hiệp (xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên),  với tinh thần ham học hỏi, thường xuyên tìm tòi những phương pháp mới, những ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến.

Hiểu rõ được tầm quan trọng của việc cung cấp nước hợp lý cho cây sinh trưởng và phát triển. Ông Phương đã lắp đặt hệ thống tự động, tưới nước tiết kiệm bằng phương pháp tưới nhỏ giọt của công nghệ Israel cho 15 ha mít siêu sớm của mình với chi phí đầu tư khoảng 500 triệu đồng.

Mô hình trồng nhà trong nhà lưới đã được người nông dân áp dụng rộng khắp trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Phương, trước đây với phương pháp tưới thông thường, mỗi lần tưới mít bà con nông dân sẽ phải mất rất nhiều thời gian và công sức, trung bình để tưới hết 1ha mít cần khoảng 4-5 giờ đồng hồ, tiêu tốn một lượng điện, nước lớn nhưng lượng nước tưới đến các cây không đồng đều, một lượng nước lớn được tưới vào gốc cây nên đất không thể thẩm thấu kịp, gây ra tình trạng tràn nước ra ngoài gây thất thoát nước hoặc ngập nước cục bộ ở gốc cây.

Phương pháp tưới nhỏ giọt Israel kết hợp với bón phân giúp người trồng giảm được công bón phân, tiết kiệm phân bón thất thoát do bốc hơi và phân được hòa vào nước ngấm từ từ vào đất giúp cây nhanh hấp thu hơn. Với hệ thống tưới tự động này, người nông dân chỉ cần mở công tắt hoạt động thì hệ thống tưới sẽ vận hành cùng với hệ thống béc tưới nhỏ giọt có lưu lượng nước tưới là 35 lít nước trên 1 giờ, tùy theo tình trạng cây lớn nhỏ, nông dân có thể điều chỉnh thời gian tưới phù hợp, giúp tưới đúng vị trí, tưới đúng nhu cầu của cây.

Bên cạnh đó, công nghệ hiện đại đã bước đầu thu hút người nông dân áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Việc sử dụng thiết bị bay trong phun thuốc bảo vệ thực vật không chỉ mang lại hiệu quả kỹ thuật cao mà còn bảo vệ sức khỏe người dân.

Thiết bị bay không người lái được trình diễn phun thuốc phòng trừ dịch hại trên 10ha lúa diễn ra tại ấp Thanh An, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên. Hiện nay, khi người dân phun thuốc bảo vệ thực vật bằng bình đeo vai có động cơ hoặc không có động cơ và dù được trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động như áo mưa, găng tay, ủng chân, khẩu trang, thì cũng không tránh khỏi thuốc dính vào người, hít phải thuốc, gây mất an toàn lao động.

Đồng thời, hiệu quả phun phụ thuộc rất nhiều vào người và thời gian phun dài hơn. Đối với máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật lượng nước và thuốc phun khá đồng đều… Máy có thể điều chỉnh bay nhanh hay bay chậm, cao hay thấp tùy ý của người điều khiển. Với sự hỗ trợ của máy móc, sản xuất nông nghiệp bây giờ đã nhàn hơn rất nhiều.

Qua phun thuốc bảo vệ thực vật sử dụng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu cho thấy sự ưu việt hơn hẳn so với phương pháp sử dụng bình phun truyền thống. Thiết bị bay phun thuốc chứa được 10 lít dung dịch thuốc mỗi lần phun, tùy từng địa hình, mỗi ngày máy có thể phun được khoảng 50ha.

Khi lúa bị dịch hại ở diện rộng, sử dụng thiết bị này vừa nhanh, vừa kịp thời dập dịch hại, giải quyết được nhân công lao động. Đặc biệt, giúp bảo vệ sức khỏe nông dân và môi trường nông thôn, giúp kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản tránh độc hại cho người dân. Không còn tình trạng bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt tràn lan trên bờ ruộng, dưới kênh mương như trước đây.

Theo UBND xã Mõ Công, tình trạng thiếu lao động trong nông nghiệp diễn ra ở khắp các vùng nông thôn. Nếu như các khâu làm đất, cấy, thu hoạch đang dần được cơ giới hóa rộng khắp thì khâu phun thuốc bảo vệ thực vật hầu như vẫn làm thủ công.

Mỗi khi bước vào việc phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh, việc tìm kiếm nhân công phun thuốc rất khó do công việc mang tính độc hại cao. Trước xu thế công nghệ hóa trong nông nghiệp, việc ứng dụng phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa bằng thiết bị bay không người lái rất tiện ích.

Đến nay, trên địa bàn xã Mõ Công có khoảng 30ha lúa phun thuốc bằng máy bay không người lái. Theo đó, địa phương cũng mong rằng mô hình phun thuốc trừ sâu, bệnh bằng máy bay không người lái sẽ được nhân rộng trên nhiều cánh đồng, từ đó thay đổi tư duy sản xuất, giảm chi phí, giảm công lao động, giảm thiểu độc hại tới sức khỏe người nông dân, thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp.

Khâu làm giá thể trong nhà lưới để chuẩn bị xuống giống dưa lưới.

Những lợi ích của việc đầu tư ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp không thể phủ nhận. Theo đánh giá của nhiều nông dân, việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp tăng năng suất cây trồng cạn trung bình từ 10% - 30%, giảm 20% - 50% chi phí công lao động.

Hơn nữa, tiết kiệm từ 20% - 40% lượng nước so với phương thức tưới truyền thống, hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm nhờ giảm từ 5-30% lượng phân bón trong quá trình canh tác, từ đó tăng hiệu quả kinh tế cho diện tích cây trồng.

Nhà lưới không còn xa lạ với người nông dân

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã có nhiều đề tài, dự án khoa học công nghệ phục vụ ngành nông nghiệp được triển khai thực hiện. Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật đã được nông dân ứng dụng ngày càng rộng rãi trong sản xuất, góp phần gia tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất đáp ứng yêu cầu thay đổi, đa dạng của thị trường.

Hơn nữa, khi áp dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, lợi nhuận thu được là 500 triệu đồng/ha/năm đối với rau ăn trái hoặc 300 triệu đồng/ha/năm đối với rau ăn lá. Như vậy việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sẽ mang lại thu nhập cao hơn gấp 2 – 5 lần so với hình thức sản xuất truyền thống.

Hiện nay, người dân đang tích cực chuyển dịch cơ cấu và phương pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ cao, tạo ra nguồn nông sản sạch, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường. Với hướng đi này, thì việc áp dụng trồng rau màu trong nhà lưới đã quá quen thuộc với người nông dân trong thời  đại công nghệ như hiện nay. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến nay người dân đã triển khai trồng các loại rau ăn lá và dưa lưới trong 3.500 nhà lưới, tương đương 35ha.

Khác với phương pháp canh tác tự nhiên, vườn dưa lưới và rau màu ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới của ông Mai Văn Kim ấp Thạnh Quế, xã Thạnh Đông, huyện Tân Biên bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt từ khâu làm đất đến kỹ thuật bón phân, nước tưới.

Ông Kim cho biết, hiện tại gia đình đang áp dụng trồng kết hợp nhiều loại cây để nâng cao năng suất và đa dạng hóa sản phẩm. Trong đó, ông Kim ưu tiên đầu tư 21 nhà lưới để trồng dưa lưới và măng tây với diện tích hơn 2ha, diện tích 4ha còn lại ông áp dụng trồng bơ và nha đam để tăng thêm thu nhập. Hiện toàn bộ sản phẩm đều sản xuất tuân thủ theo quy trình VietGAP đáp ứng thị trường khó tính như hiện nay.

Theo ông Kim, so với phương pháp truyền thống, cây trồng trong nhà lưới phát triển rất tốt, hiệu quả phát triển nhanh hơn và sản phẩm trái đạt chất lượng hơn. Hơn nữa, dưa lưới là giống cây ăn trái ngắn ngày, giàu dinh dưỡng, hiện được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Trồng dưa lưới trong hệ thống nhà lưới giúp chắn mưa, nắng, trồng được trái mùa, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng và không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hệ thống nhà lưới có thiết bị đo nhiệt độ, phun sương, tưới nhỏ giọt… giúp giảm công lao động và chi phí sản xuất. Giá thể gieo hạt có thể làm từ xơ dừa, phân hữu cơ, tro trấu… đã qua xử lý.

Sau khi quen biết, tìm hiểu, học hỏi mô hình trồng dưa lưới trong nhà lưới của ông Mai Văn Kim cùng một số hộ dân ở địa phương cũng đã chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả để trồng dưa lưới. Ban đầu, ông Kim chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng dưa lưới, giúp đỡ các hộ nông dân xây dựng nhà lưới  đạt tiêu chuẩn… Với kiến thức và kinh nghiệm của mình, ông đã xây dựng mô hình và cân bằng chi phí đầu tư ban đầu tùy theo điều kiện của từng hộ gia đình.

Thực tế, thời gian qua nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Việc vừa đầu tư nhà lưới, vừa áp dụng quy trình VietGAP để bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng nông sản theo nhu cầu doanh nghiệp, ổn định đầu ra nông sản cho nông dân đang là hướng đi được ông Phan Văn Cơ,  khu phố Long Mỹ, phường Long Thành Bắc, thị xã Hòa Thành lựa chọn thực hiện.

Ông Cơ cho biết, đầu tư hệ thống tưới nước tự động kết hợp mô hình nhà lưới là tiêu chuẩn hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ban đầu ông Cơ chỉ đầu tư trồng dưa lưới trong 2 nhà lưới với diện tích 2.000m2, sau thời gian trồng ông Cơ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và mong muốn tạo ra sản phẩm hàng hóa và bắt đầu liên kết với nhiều hộ nông dân khác để mở rộng 12 nhà lưới để trồng dưa lưới trên địa bàn huyện Tân Biên, Dương Minh Châu, thị xã Hòa Thành. Theo đó, từ khâu chọn giống, gieo trồng, tới chăm sóc, thu hoạch đều phải tuân thủ và làm theo quy trình VietGAP.

Ông Cơ cho biết thêm, hệ thống bón phân, tưới nước tự động của ông Cơ có cả máy hẹn giờ, máy đo biên độ phân và độ pH trong nước, giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí cho sản xuất. Mỗi khi cần tưới nước và bón phân, ông Cơ chỉ cần bật cầu dao điện và hẹn giờ, mọi việc còn lại đều do máy móc tính toán, xử lý. Ứng dụng hệ thống sản xuất tự động này giúp cho các nông sản phẩm mà ông Cơ làm ra có độ đồng đều cao, đẹp hơn. Do vậy, sản phẩm dưa lưới ông Cơ làm ra có chất lượng sạch, an toàn cho người sử dụng.

Áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc tăng thu nhập nhà nông. Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, các cơ quan chức năng cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ, đầu tư vốn cũng như chuyển giao tập huấn kỹ thuật cho nông dân.

Từ đó, tạo động lực thúc đẩy nông dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế tập trung sản xuất các loại rau màu, trái cây... theo quy trình GAP, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ và hướng đến xuất khẩu.

Thúc đẩy thực hiện giải pháp về cơ chế chính sách

Theo UBND tỉnh, thời gian qua tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp; huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao phục vụ trong sản xuất nông nghiệp; thu hút đầu tư xây dựng và phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong lĩnh vực trồng trọt, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất dần đi vào thực tế. Một số chương trình ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tin học, kỹ thuật công nghệ, thiết bị tiên tiến trong trồng trọt được đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp.

Nông dân áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho vườn cây.

Theo đó, chính sách quy định về mức hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn đã hỗ trợ cho 5 dự án xây dựng cánh đồng lớn, với số tiền hỗ trợ là 3,7 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2019 – 2025 đã hỗ trợ 8 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được UBND tỉnh phê duyệt, với kinh phí hơn 8 tỷ đồng, ngoài ra tỉnh đang xem xét phê duyệt 2 dự án thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trên địa bàn huyện Tân Châu và Tân Biên, với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã hỗ trợ 22 dự án và 1 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ củ mì hữu cơ, dự án này tỉnh đang lấy ý kiến các địa phương về sự phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế để thực hiện liên kết sản xuất; chính sách giảm tổn thất nông nghiệp đã hỗ trợ cho 61 đối tượng vay, với số tiền hơn 100 tỷ đồng để đầu tư mua 107 máy móc, thiết bị các loại để phục vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp; chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp phục vụ phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm đã được triển khai đồng bộ đến 28 dự án thủy lợi, với số tiền hơn 300 tỷ đồng.

Mục tiêu cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường và gắn với chuỗi giá trị. Vì vậy, người làm nông nghiệp mong muốn tỉnh cần có thêm các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao chuỗi giá trị, tạo ra nhiều giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tiếp tục vận động và khuyến khích người dân tham gia các mô hình sản xuất tập thể như hợp tác xã và tổ hợp tác để xây dựng vùng sản xuất tập trung, ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với liên kết tiêu thụ nông sản. Tạo mọi điều kiện để phát triển các mô hình, mở rộng quy mô ứng dụng công nghệ cao. Ðầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn chỉnh,  bảo đảm phục vụ tốt cho ứng dụng công nghệ cao.

Tham quan mô hình trồng cây kết hợp theo hướng công nghệ cao của ông Mai Văn Kim.

Hiện nay, doanh nghiệp rất đắn đo khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nhất là công đoạn sản xuất mà doanh nghiệp chủ yếu tham gia vào khâu thu gom, sơ chế và tiêu thụ. Chính vì vậy, các doanh nghiệp không quan tâm đến toàn chuỗi sản xuất. Do vậy, UBND tỉnh và ngành nông nghiệp cần có chính sách ưu đãi hơn về thời gian thuê đất, hỗ trợ tích tụ đất đai, thuế, vốn vay, bảo hiểm rủi ro, đào tạo nguồn lực... để doanh nghiệp quan tâm hơn đến đầu tư vào nông nghiệp.

Để thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh cần có quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư để hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc kêu gọi các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến thuê đất, phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao.

Thanh Nhi