Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dự án thuỷ lợi tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông:
Bước đầu phát huy hiệu quả
Thứ sáu: 00:48 ngày 07/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đến nay, dự án đạt khoảng 90% khối lượng xây dựng, bước đầu đưa vào khai thác vận hành tuyến kênh chuyển nước đoạn từ K0 đến K10+027, thông nước thử tải kênh và phục vụ tưới trên địa bàn các xã An Cơ, Hảo Đước và Trí Bình của huyện Châu Thành.

Đoạn ống dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông.

Nhiều năm qua, vào mùa khô, tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt vẫn thường xuyên xảy ra, với người dân các xã biên giới của huyện Châu Thành và Bến Cầu. Phần lớn diện tích đất canh tác của người dân nơi đây vẫn phụ thuộc vào nước mưa và hệ thống nước ngầm, một số ít diện tích có được nước tưới từ sông Vàm Cỏ Đông thông qua các trạm bơm nhưng không được ổn định, chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Mang nước mát về đồng ruộng

Là một trong những hộ đầu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống kênh, ông Trần Công Vũ, ngụ ấp Trường, xã Hảo Đước cho biết, đoạn kênh qua địa bàn xã được tích nước, tạo điều kiện cho nông dân ở đây canh tác thuận lợi hơn.

Để tưới cho hơn 1,2 ha mì mới xuống giống, ông Vũ đấu nối đường ống với hệ thống kênh máng phía trên dẫn nước tự chảy xuống. Theo ông Vũ, nếu như trước đây, để có đủ nước tưới cho cây trồng, ông và các hộ dân xung quanh phải khoan giếng bơm nước ngầm, đặt máy bơm liên tục từ 7-10 ngày trong đợt tưới, đến cuối vụ, riêng tiền điện đã gần 4 triệu đồng, chưa kể trong quá trình bơm tưới, nhiều lần máy móc hư hỏng do hoạt động liên tục.

Theo ông Lê Văn Ẩn- đang canh tác 2 ha mì tại ấp Bàu Sen, xã Hảo Đước, trên địa bàn có một số tuyến kênh thuỷ lợi nội đồng nhưng chỉ đủ cung cấp nước tưới cho một phần diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân.

Theo ông Ẩn, việc tuyến kênh máng (thuộc Dự án kênh tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông) đi vào hoạt động thực sự giải được "cơn khát" cho ruộng đồng nơi đây. Bên cạnh đó, việc sử dụng nước từ tuyến kênh này giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Ðạt- Chủ tịch UBND xã Hảo Ðước cho biết, những năm qua, trên địa bàn xã có hệ thống thuỷ lợi nhưng chưa đủ để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân. Việc tuyến kênh máng thuộc dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông tích nước đã tạo điều kiện cho người dân trồng trọt.

Để phát huy hiệu quả sử dụng nước, xã đang phối hợp với Xí nghiệp Khai thác thuỷ lợi huyện triển khai xây dựng các tuyến kênh nhánh dẫn nước từ tuyến kênh của dự án phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn xã.

Hy vọng một sự đổi mới

Nam- một người dân tại ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành chia sẻ, năm nào tình trạng thiếu hụt nước tưới phục vụ sản xuất vào các tháng cao điểm mùa khô trên địa bàn cũng diễn ra. Việc canh tác nông nghiệp và sinh hoạt của người dân nơi đây gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước giếng khoan.

Những năm gần đây, giếng khoan trên địa bàn bị tắc mạch, hụt nước thường xuyên, khiến việc canh tác nông nghiệp của người dân hết sức khó khăn, nhiều diện tích cây trồng thiếu nước tưới chậm lớn, thậm chí chết khô; không có nước sinh hoạt khiến đời sống người dân vô cùng khó khăn.

Nhìn thấy tuyến kênh tưới của Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông được thi công hoàn thành, Nam phấn khởi cho biết, anh và nhiều hộ có đất dọc theo tuyến kênh này rất vui, vì sẽ không còn cảnh vừa làm nông vừa trông chờ vào trời mưa hay chắt mót từng chút nước đọng của mương nước ven đường vất vả như hiện nay nữa.

Ông Nguyễn Minh Thắng, có 5 ha đất tại ấp Phước Tây, xã Long Phước, huyện Bến Cầu nói: “Tôi hy vọng dự án sớm hoàn thành và đi vào hoạt động, để việc sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây đỡ vất vả, hiệu quả sản xuất cao hơn. Có nước tưới, người dân chúng tôi có thể mạnh dạn chuyển đổi sang nhiều loại cây trồng khác, hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Dự án sẽ được đầu tư kiên cố hoá

Theo Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp tỉnh, Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông được UBND tỉnh phê duyệt và chính thức khởi công vào cuối tháng 4 năm 2018, với các hạng mục: hệ thống kênh chuyển nước dài 16,67km, trong đó, hơn 2,3km là hệ thống dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông; tuyến kênh tưới chính dài 29,41km và hệ thống kênh cấp 1 có tổng chiều dài trên 71km.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng qua hệ thống kênh Tây và kênh TN21 vượt qua sông Vàm Cỏ Đông phục vụ nước tưới tự chảy cho gần 17.000 ha đất nông nghiệp. Đồng thời, cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi và hoạt động sản xuất công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các xã biên giới phía Tây sông Vàm Cỏ Đông của hai huyện Châu Thành, Bến Cầu.

Đến nay, dự án đạt khoảng 90% khối lượng xây dựng, bước đầu đưa vào khai thác vận hành tuyến kênh chuyển nước đoạn từ K0 đến K10+027, thông nước thử tải kênh và phục vụ tưới trên địa bàn các xã An Cơ, Hảo Đước và Trí Bình của huyện Châu Thành.

Hạng mục công trình đường ống dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông với quy mô 2 tuyến ống thép đường kính 2,4m có chiều dài 2,3km đã cơ bản hoàn thành. Đơn vị thi công đang triển khai việc thử áp lực của toàn bộ tuyến ống, dự kiến đầu tháng 1.2022 sẽ điền nước vào ống thử áp lực và bàn giao cho đơn vị chuyên môn quản lý và đưa vào sử dụng.

Hạng mục xây dựng tuyến kênh chính dự án là kênh đất dài 29,4km đã hoàn thiện 20km đoạn từ xã Ninh Điền đến hết Trang trại bò sữa Vinamilk; còn lại gần 10km cơ bản hoàn thiện công tác vận chuyển đất, đang tiến hành bạt mái kênh, dự kiến đến tháng 6.2022 hoàn thành.

Ông Nguyễn Văn Cường- Giám đốc Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, năm 2022, Ban sẽ triển khai giai đoạn 2 của dự án, trong đó, sẽ thực hiện bê tông hoá tuyến kênh chính qua địa bàn các xã Hoà Hội, Thành Long, Ninh Điền (huyện Châu Thành) và Long Phước (huyện Bến Cầu), dự kiến việc mở nước thông tuyến đoạn này sẽ kéo dài đến năm 2024.

Theo ông Cường, nếu để tuyến kênh bằng đất sẽ khiến cho việc chuyển nước rất hạn chế, để nước đi đến cuối hệ thống có thể phải mất đến 7 ngày, trong quá trình đó, nước sẽ thấm mạnh vào mạch nước ngầm gây thất thoát một lượng nước rất lớn.

Bên cạnh đó, trong quá trình vận hành, nước trong lòng kênh sẽ cuốn trôi đất, cùng với nước mưa làm xói mòn, hư hỏng bờ kênh, ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Do đó, việc bê tông hoá tuyến kênh chính là việc làm cấp bách và cần thiết giúp bảo vệ công trình lâu dài, tránh thất thoát nước, tiết kiệm chi phí duy tu, sửa chữa, bảo đảm an toàn trong vận hành công trình.

Nguyên An

Đến nay, dự án đạt khoảng 90% khối lượng xây dựng, bước đầu đưa vào khai thác vận hành tuyến kênh chuyển nước đoạn từ K0 đến K10+027, thông nước thử tải kênh và phục vụ tưới trên địa bàn các xã An Cơ, Hảo Đước và Trí Bình của huyện Châu Thành.

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục