BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2023:

Bước đầu thực hiện đạt mục tiêu đề ra 

Cập nhật ngày: 01/09/2023 - 18:53

BTN - Người dân đã có ý thức chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chủ động tổ chức các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, tạo thu nhập ổn định.

Sáng 28.8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tuyến phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025 với các địa phương về sơ kết tình hình triển khai thực hiện các chương trình MTQG từ năm 2021 đến nay và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Tham dự tại điểm cầu Tây Ninh có ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.

Người dân sản xuất trên địa bàn xã Long Chữ (huyện Bến Cầu).

Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới (NTM) bước đầu đạt yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ. Đến nay, có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn NTM (tăng 11,3% so với cuối năm 2020), trong đó, có 100 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, có 4 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM, 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã.

Có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 90 đơn vị so cuối năm 2020 (chiếm khoảng 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).

Có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM  (tăng 7 địa phương so với cuối năm 2020), trong đó có 5 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Gian đoạn 2021-2023, việc cân đối nguồn lực từ ngân sách Trung ương trong các năm cơ bản đáp ứng tiến độ, phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Nhiều địa phương đã tích cực, chủ động cân đối bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương thực hiện các chương trình. Các giải pháp hỗ trợ tín dụng chính sách, huy động sự tham gia đóng góp từ các đối tác trong và ngoài nước đã được triển khai đồng bộ. Việc phân bổ nguồn lực ngân sách Nhà nước được thực hiện theo quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của 3 chương trình MTQG đã được cấp có thẩm quyền thông qua là 102.050 tỷ đồng. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của 3 chương trình MTQG.

Nuôi cá chạch lấu trên địa bàn xã Tân Bình (TP. Tây Ninh).

Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, trong giai đoạn 2021-2023, cả nước đã huy động được khối lượng lớn các nguồn vốn hợp pháp để tập trung thực hiện chương trình trong 3 năm (2021-2023): vốn tín dụng khoảng 1.739.325 tỷ đồng (tăng 409.260 tỷ đồng so với cuối năm 2020); vốn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khoảng 105.806 tỷ đồng; vốn huy động người dân và cộng đồng đóng góp tự nguyện khoảng 54.700 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021-2023, kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM bước đầu đạt yêu cầu. Hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; giáo dục và đào tạo phát triển ổn định vững chắc; hoạt động văn hoá thể dục, thể thao ngày càng phát triển; chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được bảo đảm và kịp thời chăm lo cho đối tượng chính sách, người nghèo; thu nhập của người dân được nâng lên; môi trường nông thôn được cải thiện; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; an toàn, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn luôn được ổn định. Người dân đã có ý thức chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chủ động tổ chức các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, tạo thu nhập ổn định.

Quá trình thực hiện Chương trình MTQG hằng năm giai đoạn 2021-2023 còn một số khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn như: việc huy động bảo đảm nguồn lực để thực hiện chương trình mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, xong vẫn còn hạn chế, nhiều địa phương chưa chủ động cân đối nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện các chương trình. Tại Trung ương, tiến độ phân bổ, sử dụng nguồn lực thực hiện các chương trình MTQG năm 2022 còn chậm, phải báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn sang năm 2023.

Để thực hiện Chương trình MTQG đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện 3 chương trình. Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đẩy mạnh kết hợp tuyên truyền với công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở, cộng đồng tham gia thực hiện chương trình bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với tâm lý, trình độ, khả năng thực hiện nhiệm vụ của các nhóm tham gia.

Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đề nghị các địa phương đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” theo chiều sâu nhằm khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh

Đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM, đổi mới phương thức thực hiện, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021-2025, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” đi vào chiều sâu, tạo sự lan toả rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã báo cáo kết quả triển khai các chương trình và nêu ra những hạn chế, vướng mắc, khó khăn liên quan đến tổ chức thực hiện. Đồng thời, đề ra các nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình MTQG trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị, các bộ, ngành, địa phương nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; đặc biệt, phát huy vai trò của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra của từng chương trình. Nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật, từ đó tiếp tục đề xuất các ý kiến, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ những bất cập, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình MTQG.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị, các địa phương cần phát huy tính chủ động trong quá trình triển khai thực hiện; linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn để thúc đẩy tiến độ giải ngân và phát huy hiệu quả các nguồn vốn của các chương trình MTQG trên địa bàn.

Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, báo cáo của Chính phủ về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 để phục vụ đoàn giám sát tối cao của Quốc hội.

Nhi Trần