BAOTAYNINH.VN trên Google News

Buôn lậu trâu bò: Tân Biên “thắt chặt”, Châu Thành “bỏ ngỏ”

Cập nhật ngày: 19/05/2010 - 10:59
HTML clipboard

Bài liên quan:

* Bát nháo chuyện mua bán trâu bò vùng biên giới

>> Kỳ 1: Từ một vụ buôn lậu bị phát hiện

>> Kỳ 2: Trâu bò “đại hạ giá”! 

>> Kỳ 3: Bất nhất trong xử lý

>> Kỳ cuối: Công ty Kim Thành và thương lái “tố” nhau

* Viết tiếp chuyện mua bán trâu bò vùng biên giới:

>> Kỳ 1: “Buôn lậu” công khai ở Tân Biên

>> Kỳ 2: Hành trình “vượt biên” của trâu bò Campuchia

* Ngành Nông nghiệp nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được quan tâm

* Buôn lậu trâu bò vùng biên giới: “Thị trường” tạm thời yên ắng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sau khi Báo Tây Ninh có loạt bài phản ánh tình trạng “công khai” buôn lậu trâu bò từ Campuchia vào xã Tân Lập (Tân Biên) và xã Biên Giới (huyện Châu Thành), hoạt động ngăn chặn buôn lậu của ngành chức năng tại huyện Tân Biên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, chưa hợp lý trong việc quản lý, kiểm soát hoạt động buôn bán trâu bò ở vùng biên giới các huyện Tân Biên và Châu Thành.

Tân Biên “thắt chặt”

Trâu bò từ Campuchia băng đồng vào Tân Lập. Ảnh chụp ngày 1.5.2010

Thông tin từ cơ quan thú y, hơn tuần qua, các ngành chức năng của huyện Tân Biên đã phối hợp kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới xã Tân Lập, nhất là khu vực ấp Tân Tiến. “Không có một con trâu, bò nào từ bên kia đi lọt vào nội địa. Toàn bộ hoạt động buôn lậu trâu bò ở đây đã bị chặn đứng”.

Thế nhưng, chủ một trại cách ly kiểm dịch trâu bò ở ấp Tân Tiến thì lại than phiền: “Thông tư số 27/2009/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm dịch nhập khẩu trâu bò từ các nước Lào và Campuchia vào Việt Nam cũng như nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, của UBND tỉnh đều cho phép các doanh nghiệp được phép mua gom trâu bò có nguồn gốc từ Campuchia của người dân địa phương. Trước đây biên phòng không cho người dân làm thủ tục thuế để đưa trâu bò từ Campuchia vào nội địa một cách hợp pháp nên tình trạng buôn lậu trâu bò tràn lan. Giờ thì các ngành chức năng lại cấm ngặt. Cả hai cách xử lý như trên, theo tôi đều chưa phù hợp với các quy định của Nhà nước”. Một nguồn tin cho biết, tuần trước, khi ngành chức năng triển khai các biện pháp ngăn ngừa tình trạng buôn lậu trâu bò từ Campuchia vào Tân Biên, nhiều thương lái đã cho “hồi hương” hàng trăm con trâu bò chưa tiêu thụ hết vì sợ bị tịch thu.

Ông Nguyễn Văn Mấy-Chi cục trưởng Chi cục Thú y Tây Ninh cho biết, theo thông tin từ các trạm thú y tại một số huyện, hơn tuần qua, các lò mổ trâu bò phải hoạt động cầm chừng vì khan hiếm “nguyên liệu”. Nếu như trước đây, các lò mổ ở Trảng Bàng luôn phong phú nguồn hàng từ Campuchia về thì nay phải chạy đôn chạy đáo đi thu mua gom trâu bò nội địa với số lượng vài ba con về giết mổ, cung cấp thịt cho những bạn hàng ruột để giữ mối. Do khan hiếm nên thịt trâu bò tại các lò mổ đã tăng lên vài ngàn đồng/kg. Theo một cán bộ thú y ở Trảng Bàng, nếu tình hình này kéo dài chừng một tháng nữa, sẽ có một số lò mổ trong tỉnh phải đóng cửa. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, thị trường thịt bò ở nội địa Tây Ninh vẫn ổn định bởi các lò mổ lớn chủ yếu cung cấp thịt cho TP.HCM. Còn thịt bò bán trong tỉnh chủ yếu được người dân giết mổ với số lượng không nhiều.

Châu Thành: buôn lậu vẫn ung dung

Trong khi đó, tại Châu Thành, các hoạt động vận chuyển trâu bò không rõ nguồn gốc, không làm các thủ tục thú y vẫn tiếp diễn gần như công khai. Báo Tây Ninh liên tục nhận được các tin báo của người dân địa phương về địa điểm, thời gian, phương tiện và số lượng trâu, bò lậu được vận chuyển bất hợp pháp từ xã Biên Giới đến nơi tiêu thụ. Qua xác minh từ các cơ quan chức năng, những nguồn tin báo trên là chính xác. Ngành Thú y cho biết, hầu hết các trường hợp vận chuyển trâu bò có nguồn gốc từ Campuchia ở xã Biên Giới trong những ngày qua đều không được ngành Thú y thực hiện các thủ tục theo quy định. Phóng viên cũng đã nhiều lần điện trực tiếp cho lãnh đạo một số cơ quan chức năng để báo tin về hoạt động vận chuyển trâu, bò lậu ở xã Biên Giới. Tuy nhiên sau đó, hầu hết các xe tải chở trâu bò lậu vẫn “đi lọt”.

Đáng nói là từ khu vực các xã Biên Giới, Hoà Thạnh, Hoà Hội, chỉ có con đường duy nhất để các xe tải chở trâu bò lậu đi qua là đường 781. Như vậy, không cần phải “bắt tại trận” như vụ bắt giữ trâu bò lậu ở Công ty Kim Thành năm 2009, các ngành chức năng chỉ cần chốt chặn ngay tại khu vực gần cầu Bến Sỏi (xã Thành Long) là các phương tiện vận chuyển trâu bò lậu “hết đường”. Theo một cán bộ thú y, dù biết rõ các phương tiện đang vận chuyển trâu bò lậu nhưng ngành không thể chặn bắt, xử lý nếu không có sự phối hợp của CSGT. Trong mấy ngày qua, ngành Thú y cũng đã nhận được nhiều tin báo về hoạt động vận chuyển trâu bò lậu ở xã Biên Giới và đã “chuyển tin” này cho Công an huyện Châu Thành. Thế nhưng các phương tiện vận chuyển trâu bò lậu vẫn “vô tư về đích”. Việc các phương tiện vận chuyển trâu bò lậu hầu như luôn “thượng lộ bình an” ngay giữa ban ngày ở huyện Châu Thành trong thời gian qua đã khiến dư luận không khỏi thắc mắc, băn khoăn (!?).

Một khu cách ly kiểm dịch ở Tân Lập vắng lặng trong nhiều ngày qua

Chủ các khu cách ly kiểm dịch kêu cứu

Mới đây, ba doanh nghiệp là chủ các khu cách ly kiểm dịch ở ấp Tân Tiến, xã Tân Lập đã gửi đơn “kêu cứu” đến UBND tỉnh, UBND huyện Tân Biên và các ngành chức năng có liên quan đến việc quản lý hoạt động mua, bán trâu bò từ Campuchia vào Tân Biên. Nội dung đơn cho biết, từ khi có Thông tư số 27/2009/TT-BNN, các doanh nghiệp này vốn là những thương lái thường xuyên mua bán trâu bò “trôi nổi” tuyến biên giới huyện Tân Biên đã đầu tư xây dựng các khu cách ly kiểm dịch để được mua bán trâu bò một cách hợp pháp. Các khu cách ly này được chính quyền địa phương, các ngành chức năng tỉnh Tây Ninh và Cục Thú y cho phép đầu tư xây dựng, thẩm định và cấp phép hoạt động.

Tuy nhiên, từ khi được cấp phép hoạt động đến nay, các khu cách ly kiểm dịch này gặp nhiều khó khăn trong hoạt động mua bán trâu bò từ Campuchia vào Tân Biên. Do đó, để đảm bảo hiệu quả hoạt động của các khu cách ly kiểm dịch, kiểm soát được dịch bệnh và tránh thất thu thuế, các doanh nghiệp kiến nghị 3 nội dung sau: Do chưa có điều kiện để ký kết hợp đồng mua bán trâu bò với các doanh nghiệp, đối tác bên Campuchia nên hiện tại, các doanh nghiệp này xin được mua trâu bò qua đường tiểu ngạch. Trâu bò sau khi vào Tân Biên sẽ được đưa đến các khu cách ly kiểm dịch để làm thủ tục thú y và thuế. Các hoạt động mua bán trâu bò của doanh nghiệp sẽ tuân thủ các quy định của pháp luật, có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Các doanh nghiệp cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể các khoản thu tại khu cách ly kiểm dịch trên mỗi con trâu, bò và mức thuế phải đóng để thương lái và doanh nghiệp biết thực hiện.

BẢO TÂM