BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ghi chép tản mạn

Búp trên cành

Cập nhật ngày: 31/05/2019 - 12:11

BTN - Ngày nay, không chỉ gia đình mà xã hội cũng góp sức vào chăm lo cho trẻ em, theo lời dạy của Bác năm xưa và các chủ trương, nghị quyết bây giờ.

Búp trên cành bao giờ chẳng dễ thương, bao giờ chẳng là đẹp nhất! Từ búp măng cho đến búp cây bàng hay những búp hoa sen, hoa hồng, hoa huệ. Vì thế, Bác Hồ mới viết: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan”. Suốt cả cuộc đời Bác luôn dành cho các em những tình cảm và sự săn sóc thân yêu nhất.

Ngay trong Di chúc, Bác viết: “Tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Ðảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Tình yêu ấy bao la đến độ, có một bài hát mà người Việt Nam ai cũng biết: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng/ Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam…”.

Người Việt có truyền thống thương yêu và bảo bọc con cái tự xa xưa, và để lại trong ca dao tục ngữ những câu như “cá chuối đắm đuối vì con”. Những người con khi lớn lên, cũng luôn luôn nhớ: “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”. Một số hình ảnh trong ca dao xưa, nay vẫn còn thấy ở nhiều gia đình hiện đại, như: “Con biết lẫy thì bố biết bò/ Con lên ba cả nhà học nói…”.

Thơ ca hiện đại cũng không thể bỏ qua những đặc tính yêu thương ấy. Như Nguyễn Duy trong bài thơ Tre Việt Nam có đôi câu rất điển hình, đấy là: “Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường cho con”. Bạn có nhớ những manh áo cộc ấy không? Chính là những bẹ ấp vào ngọn măng non vừa nhú. Nó vừa tua tủa những sợi lông măng, vừa đủ dày và cứng để che cho ngọn măng non nớt. Khi đã trở thành cây tre, những bẹ mới rụng xuống đầy gốc…

Ngày nay, không chỉ gia đình mà xã hội cũng góp sức vào chăm lo cho trẻ em, theo lời dạy của Bác năm xưa và các chủ trương, nghị quyết bây giờ. Ðầu tuần rồi, qua công viên 30.4, tối thấy các anh chị đoàn viên, thanh niên thành phố Tây Ninh tổ chức ngày hội trại kỹ năng cho học sinh các trường tiểu học. Công viên rợp bóng mát, đỏ lập loè hoa phượng. Các em chơi kéo co, hay tập tành nấu nướng trên sân.

Tôi nghe anh trọng tài hô vang:- Ðội Tân Bình thắng hai- không. Mới biết các em về từ một ngôi trường khá xa thành phố. Chuyến đi sinh hoạt trại hè này, các em có vui không? Thì ít ra cũng có một kỷ niệm đẹp trong những ngày nghỉ hè đầu tiên. Nhiều kỷ niệm góp lại sẽ cho các em một hành trang tuổi thơ đẹp đẽ để bước vào một ngày mai khôn lớn.

Tôi đã từng vui sướng biết bao khi đưa cháu nhỏ 4 tuổi đi chơi, lại găp cụm trò chơi vừa lắp đặt ở sân Trung tâm Học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi. Thì chắc nhiều bậc phụ huynh cũng thế. Thật thú vị khi cháu đã hăm hở sà xuống, ngồi vào chiếc ca-nô quay tay trong hồ nước lung linh trong vắt. Rất nhanh chóng, cháu đã làm quen với chiếc quay tay, để ca nô tiến hoặc lùi…

Chơi xong môn ca-nô, cháu lại trèo lên cây cầu trượt thật cao - môn này miễn phí. Rồi đu quay, thú nhún, ngựa bay… Nhìn tấm bảng sơn xanh, mới biết đây là một công trình thanh niên do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Tây Ninh lắp đặt, chào mừng Ðại hội lần thứ VII (2019-2024).

Tôi cũng nhớ, sau khi khu vui chơi “Ước mơ tuổi thơ” phải dời đi, nhường chỗ cho các nhà doanh nghiệp lớn đến làm ăn, nhiều phụ huynh đành đưa các em đến quán cà phê. May mà có nhiều vị chủ quán cũng đã thấy được nhu cầu đó, dựng nên các cụm đồ chơi nho nhỏ phục vụ miễn phí tại quán. Thiếu sân chơi, lại bị tác động bởi các phương tiện giải trí hiện đại như điện thoại, truyền hình, máy chơi game… nên những tâm hồn non nớt- búp trên cành ấy dễ bị tổn thương hoặc là lây nhiễm. Ðấy là chưa kể đến việc một số phụ huynh, do hoàn cảnh mà buộc các em phải vào đời quá sớm, như dắt trẻ đi bán vé số ở bến xe, các hàng quán...

Và cả những người lớn quá vô tư mà giành chỗ chơi của trẻ, như ở công viên bờ kè thường tái diễn cảnh người lớn bao chiếm ăn nhậu, mịt mù khói thịt nướng hay cá viên chiên. Và sao nữa nhỉ! Nếu đã lắp được những dụng cụ tập thể thao cho người lớn ở công viên, thì cũng nên lắp đặt một cụm đồ chơi dành riêng cho trẻ em. Chăm lo cho trẻ chính là nâng niu kỷ niệm tuổi thơ của chính mình.

NGUYỄN