Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bút xanh: Nhà nội
Thứ bảy: 19:28 ngày 03/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những ngày giáp tết, những cơn mưa vẫn còn kéo về dai dẳng. Lướt facebook nhẩn nha, chợt bắt gặp hình ảnh của bạn chụp rồi tải lên, nơi vùng quê nào đó, ba mẹ bạn đang lặt lá mai, ông bà nay cũng khá lớn tuổi rồi, áo bà ba sờn và mái tóc bạc.

Trong ảnh là mảnh sân vuông nhỏ, lồi lõm đất, có kê những chậu sành trồng cây bông đuôi chồn hai màu vàng, đỏ bên cạnh những chậu bông vạn thọ, cây đinh lăng, nguyệt quế… Hình ảnh này đau đáu lòng tôi, cảm xúc một thời quá vãng cứ chập chờn trong nhớ thương lãng đãng. Tôi nhớ ngôi nhà của nội, nơi tuổi thơ tôi gắn bó nhiều hơn là ở nhà mình.

Ngày lặt lá mai đã định, ông tôi dạo ấy thường dặn dò mấy đứa cháu từ chiều hôm trước, đúng buổi sáng ngày kế tiếp sẽ bắt đầu lặt lá hai cây mai rừng lớn ở đầu ngõ. Cháu thấp nhỏ đứng hái phía dưới, ông bắc ghế leo lên cao.

Vừa lặt lá mai, vừa tỉ tê chuyện trò, ông kiên nhẫn trả lời hết những câu hỏi ngây thơ của các cháu. Còn không thì ông kể chuyện xưa tích cũ cho nghe, rồi rút ra bài học làm người phải biết thiện, ác, biết đối đãi ở đời. Lá mai cứ vung đầy trên sân, những cánh cây khẳng khiu lộ ra những nụ bé tí xanh xanh.

Càng nhiều nụ thì lòng ông cháu càng mừng vui khấp khởi, bởi mùa tết tới sẽ tràn ngập hoa vàng tức là phúc lộc đầy nhà, ấm no, hạnh phúc. Ánh nắng buổi sớm những hôm ấy vàng tươi rộn rã, lóng lánh, cho tới tận bây giờ, mỗi khi nhớ lại tôi vẫn còn cảm nhận sự ấm áp trên làn da.

Bên hông nhà nội, cây vú sữa dây rất cao và to không biết được trồng từ lúc nào, vào mùa này mọi năm cứ lúc lỉu những trái màu xanh nhạt. Kể cũng lạ, giống vú sữa này khi còn sống hay chín cũng không đổi màu, chỉ thấy quả ngày càng lớn, lúc nó bóng lưỡng thì biết đã đến lúc hái xuống được rồi.

Nội tôi thường dùng một cây móc có cái lồng nhỏ nhỏ đan bằng tre ở đầu cây để hứng quả, làm vậy quả mới đẹp và không bị giập. Vú sữa dây quả nhỏ, vị rất ngọt nhưng ít thấy người ta mua bán loại này, đa số vú sữa bán ở chợ là loại vú sữa tím hoặc hồng, trái to, đẹp, có thể đem chưng cúng ở bàn thờ.

Tuổi thơ tôi đồng hành với mùa vú sữa dây thơm ngọt cho tới khi không còn quả nữa mới thôi. Ngày nào tôi cũng ra thăm cây vú sữa ấy, thấy quả nào bong bóng là lấy cây hái xuống, xé vỏ ra làm hai ăn liền tại dưới gốc, mủ vú sữa dính đầy hai bên mép và tay nhưng cảm thấy rất ngon, trên đời này không có một thứ trái cây nào ngon hơn thế.

Thời đó, trẻ con chỉ có cây trái vườn nhà do ông bà trồng từ đời thuở nào, nên không biết ngoài chợ còn có những loại trái cây ngoại nhập ngon, thơm hơn không. Có lẽ tình cảm yêu thương của ông bà truyền hết vào cho cây nên con cháu cứ nhớ mãi hương vị ấy.

Khi tôi lớn lên, cây vú sữa màu nâu trầm buồn vẫn đứng lặng lẽ bên hông nhà nội. Tôi ít chú ý tới nó, trừ lúc nó có trái nhưng ăn trái xong thường cũng quên béng đi ngay (giờ nghĩ lại thấy mình thật vô tâm). Chỉ có chút ấn tượng về chuyện bà tôi lúc ấy thường hay lấy mủ trên lá vú sữa để dán tiền rách.

Bây giờ, người ta xài tiền polymer, muốn dán chỗ rách thì phải dùng băng keo nhưng nhìn không đẹp và bền như loại tiền dán bằng mủ lá cây vú sữa hồi đó.

Gió xuân tràn về, tôi miên man nhớ những kỷ niệm mà bây giờ chỉ có thể tìm trong ký ức. Từ lúc nào, ông bà tôi đã không còn đứng ngoài sân lặt lá mai hay lấy tay khum khum che mắt nhìn lên tán cây vú sữa tìm hái trái.

Khoảng trời đó giờ chỉ còn gốc vú sữa chết khô đã bao ngày, rể cây nổi lên ngoằn ngèo. Hai cây mai cũng đã bị bứng đi từ hồi nào không rõ, thay vào là hàng rào bê tông cốt thép. Cảnh cũ người xưa, giờ chỉ còn kỷ niệm. Nhà nội đã không còn. Lâu lắm rồi tôi cũng không trở về chốn cũ...

Nguyễn Hồng Vân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục