Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
BVĐK Tây Ninh: Gắp thành công dị vật hiếm gặp trong tai của trẻ 7 tuổi
Thứ tư: 19:20 ngày 19/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 18.12, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh tiếp nhận tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Trung N. (7 tuổi, ngụ tại Hoà Thành) nhập viện với tình trạng đau tai và chảy mủ tai phải.

Kíp phẫu thuật mất khoảng 1 giờ đồng hồ để gắp dị vật khỏi tai bé N.

Người nhà bé cho biết, cách nay 1 tuần, trong lúc ở nhà, bé N. đã phá hỏng các loại đồ chơi rồi nhét vật gì đó vào lỗ tai. Gia đình đã đưa bé đi khám nhiều nơi nhưng không lấy dị vật ra được.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ BVĐK Tây Ninh đã quyết định phẫu thuật lấy dị vật cho bé N. Tuy nhiên, do dị vật tồn tại lâu nên da ống tai phù nề, hoại tử, hẹp lòng ống tai, việc lấy ra vô cùng khó khăn.

Cũng theo thông tin từ bác sĩ Nguyễn Thái Bình, do gia cảnh của cháu bé khá khó khăn,  N. sống với bà từ nhỏ nên việc thăm khám cho bé khá chậm trễ, dẫn đến tình trạng viêm nhiễm ở tai. Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật tại chỗ mà không chuyển viện, vì gia đình không có khả năng kinh tế để chăm lo cho bé.

Tận dụng nguồn trang thiết bị hiện đại nhất của bệnh viện, kíp phẫu thuật do bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Bình phụ trách đã cố gắng lấy ra thành công dị vật là viên pin điện tử (loại pin dùng cho các món đồ chơi) qua nội soi, tránh phải dùng phương pháp mổ hở.

Viên pin điện tử mà bé N. nhét vào tai đã được các bác sĩ BVĐK Tây Ninh lấy ra thành công.

Bác sĩ Bình cho biết, dị vật tai rất hay gặp ở trẻ em, và các dị vật thường gặp là côn trùng, đồ chơi nhỏ, hạt trái cây nhỏ, hạt bẹt, giấy… nhưng pin điện tử là trường hợp đầu tiên các bác sĩ ở BVĐK Tây Ninh thấy được. Do pin có chất acid, ống tai vốn dĩ nhỏ hẹp nên việc mắc viên pin trong tai đã làm huỷ mô diện rộng, rất khó khăn để lấy ra theo đường tự nhiên.

Với trường hợp này, bác sĩ Bình cho biết bé chắc chắn phải nhập viện sau mỗ để chăm sóc tai, tránh những biến chứng do pin gây ra như nhiễm trùng, tổn thương màng nhĩ, tai giữa, tránh suy giảm sức nghe cho bé sau này.

Bác sĩ Bình khuyến cáo với các bậc phụ huynh, cần quan tâm và nhắc nhở các cháu nhiều hơn, tránh để trẻ đưa các vật lạ vào các lổ tự nhiên của cơ thể như tai, mũi, họng… Đặc biệt, lưu ý đối với các loại pin điện tử, rất nguy hiểm khi các cháu đưa vào mũi, bởi có thể làm hoại tử mũi, viêm nhiễm mũi, hoặc rơi vào đường tiêu hóa làm hoại tử ruột…

B.T

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh