Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ông Huỳnh Văn Bon và bà Lâm Thị Hoàng có đơn gửi Báo Tây Ninh yêu cầu làm rõ nguyên nhân tử vong của con gái là Huỳnh Thị Kim Hương.

![]() |
Ông Huỳnh Văn Bon và bà Lâm Thị Hoàng, ngụ tổ 10, ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh có đơn gửi Báo Tây Ninh yêu cầu làm rõ nguyên nhân tử vong của con gái là Huỳnh Thị Kim Hương (nhập viện tại khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh để sinh con vào ngày 2.5.2011).
Báo Tây Ninh đã chuyển đơn của ông Huỳnh Văn Bon và bà Lâm Thị Hoàng đến lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh. Vừa qua, Bệnh viện ĐKTN có công văn phản hồi đơn của ông Huỳnh Văn Bon và bà Lâm Thị Hoàng do ông Trương Minh Sang, Giám đốc Bệnh viện ký. Chúng tôi xin tóm lược nội dung của công văn này như sau:
Khi sản phụ vào bệnh viện đã có dấu hiệu chuyển dạ sanh, trên người có những mảng hồng ban và xét nghiệm máu có tiểu cầu giảm. Các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp sanh khó, sản phụ có bệnh lý nội khoa, giảm tiểu cầu dễ bị băng huyết sau sanh. Bác sĩ đã giải thích việc này với gia đình là sản phụ đã vào chuyển dạ nên dù nguy cơ cao nhưng không thể chuyển đi BV Từ Dũ được vì có nguy cơ sanh rớt trên đường đi. Gia đình sản phụ đề nghị sanh mổ, bác sĩ Nguyễn Hoài Thanh đã giải thích rõ, do sản phụ bị giảm tiểu cầu nên sanh mổ sẽ rất nguy hiểm, dễ chảy máu sau mổ, vả lại thai nhi nhỏ ký nên có thể sanh theo cách tự nhiên và điều này là tốt cho sản phụ.
Khi vào giai đoạn sổ thai, tầng sinh môn của sản phụ phù nề nhiều, tim thai suy, bác sĩ đã mời chồng của sản phụ vào giải thích cần phải sanh giúp bằng kỹ thuật giác hút và chồng sản phụ đã đồng ý với chỉ định của bác sĩ. Với phương châm tận tâm cứu chữa bệnh nhân, đảm bảo tất cả bệnh nhân vào sanh nở đều “mẹ tròn con vuông”, nên trong lúc giải thích với gia đình, bác sĩ Thanh không bao giờ nói: “xử lý cứu mẹ bỏ con”- như trong đơn ông Bon trình bày. Đây là câu nói cấm kỵ đối với nhân viên khoa Sản lâu nay nên tất cả nhân viên khoa Sản đều quán triệt vấn đề này.
Việc chuyển viện cho bệnh nhân lên tuyến trên là phải cân nhắc. Khi bệnh nhân có dấu hiệu băng huyết, tình trạng đang nặng, không nên chuyển bệnh nhân đi, cần phải xử trí can thiệp tích cực tại chỗ như: phẫu thuật khâu các chỗ chảy máu, chèn gạc, truyền máu. Đa số bệnh nhân đều ổn định qua cơn nguy hiểm. Trường hợp này 2 bác sĩ trực khoa đã theo dõi sát và cho chỉ định điều trị hợp lý ở từng giai đoạn. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn khi gặp khó khăn và trong quá trình đỡ đẻ, cấp cứu bệnh nhân đều có giải thích rõ với gia đình về tình hình bệnh trạng và phương thức điều trị. Khi cần thiết tiến hành thủ thuật, 2 bác sĩ trực đã mời bác sĩ Trần Tất Dũng, trưởng khoa vào chi viện. Khi gặp khó khăn, BS Dũng đã liên hệ với đường dây nóng của Bệnh viện Từ Dũ nhiều lần để xin ý kiến của tuyến trên. Các bác sĩ khoa Sản đã tận tâm tận lực cứu chữa bệnh nhân theo đúng quy trình chuyên môn và với tất cả các phương tiện có được.
Về nguyên nhân băng huyết sau sanh, sản phụ có bất thường về một yếu tố đông máu: tiểu cầu giảm, có các mảng hồng ban ở da. Tầng sinh môn phù nề nhiều nên khi thoát âm việc cổ tử cung bị tưa, vết cắt tầng sinh môn rách dài và sâu thêm là điều khó tránh khỏi. Từ cơ địa như trên, khả năng tự cầm máu của bệnh nhân rất kém. Các bác sĩ phải chuyển sang gây mê để khâu cầm máu kỹ lưỡng, chèn gạc vào âm đạo nhưng máu vẫn rỉ rả. Sau khi đã truyền 6 đơn vị máu, tiến hành phẫu thuật cầm máu, tình trạng bệnh nhân tạm thời ổn định nên các bác sĩ thấy cần phải chuyển lên tuyến trên với động tác vừa chuyển đi vừa truyền máu, tiếc rằng bệnh nhân đã tử vong trên đường chuyển viện. Đây là một mất mát lớn của gia đình sản phụ và cũng là nỗi đau của các y, bác sĩ bệnh viện.
Sau khi bệnh nhân tử vong, gia đình sản phụ có đến gặp Ban giám đốc Bệnh viện để nêu một số thắc mắc về nguyên nhân tử vong của sản phụ. Trong buổi làm việc, Ban giám đốc Bệnh viện, các bác sĩ khoa Sản đã có lời chia buồn sâu sắc với cha mẹ sản phụ, đồng thời giải thích cặn kẽ về bệnh lý của sản phụ cũng như các vấn đề chuyên môn sản khoa để giải toả những thắc mắc của gia đình. Bệnh viện đã chân tình giải thích với cha mẹ chị Hương, các bác sĩ khoa Sản và khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện đã tận tình cứu chữa bệnh nhân nhưng do bệnh nhân có bệnh lý về đông máu nên không qua khỏi. Trong quá trình điều trị các bác sĩ đã thực hiện đúng các quy trình chuyên môn, có giải thích rõ cho người nhà về diễn tiến và phương pháp xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm. Việc gia đình đề nghị được xem hồ sơ bệnh án, Bệnh viện đã giải thích rõ là phải tuân thủ quy chế về hồ sơ bệnh án của Bộ Y tế nên không thể đáp ứng yêu cầu của gia đình được.
Qua đây, một lần nữa Ban giám đốc Bệnh viện, bác sĩ và nhân viên khoa Sản xin chia sẻ nỗi đau, mất mát to lớn của gia đình chị Hương và mong gia đình thông hiểu. Tập thể bác sĩ nữ hộ sinh khoa Sản luôn phấn đấu phục vụ vì sự bình yên an toàn của sản phụ. Do sản phụ có bệnh lý về quá trình đông máu nên mặc dù lãnh đạo khoa Sản và kíp trực đã làm mọi cách tốt nhất để cứu chữa nhưng rất đáng tiếc lực bất tòng tâm. Một lần nữa Bệnh viện xin chân thành chia buồn cùng gia đình sản phụ.
Về phía Bệnh viện, Ban giám đốc đã nhắc nhở tập thể bác sĩ, nữ hộ sinh và nhân viên phải tập trung nỗ lực phục vụ người bệnh tận tình đúng theo quy chế chuyên môn, tăng cường giải thích giúp bệnh nhân và người nhà an tâm hợp tác trong quá trình điều trị. Khi bệnh nhân trở nặng cần giải thích rõ ràng, cặn kẽ để người bệnh thông hiểu, tránh những hiểu lầm, thắc mắc không đáng có. Khi bệnh nhân tử vong phải san sẻ, an ủi, chia buồn sâu sắc với gia đình người bệnh, xem nỗi đau của người bệnh cũng là một mất mát lớn của tập thể khoa và Bệnh viện.
Vậy nay Báo Tây Ninh thông tin để ông Huỳnh Văn Bon và bà Lâm Thị Hoàng được rõ.
PHÒNG CTBĐ