BAOTAYNINH.VN trên Google News

BVĐK tỉnh kiến nghị trang bị thêm máy chạy thận nhân tạo 

Cập nhật ngày: 25/05/2017 - 13:03

BTNO - Theo đánh giá, cả 4 máy chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh đang hoạt động hết công suất, phát huy hiệu quả.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc giao nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội năm 2017, hôm  24.5, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh (gọi tắt là Liên hiệp hội) đã có buổi làm việc với Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện y học cổ truyền xung quanh hiệu quả thực hiện Dự án đầu tư trang thiết bị y tế cho cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Đoàn công tác của Liên hiệp hội khảo sát phòng chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh.

Báo cáo với đoàn công tác, bác sĩ Liêu Chí Hùng- Giám đốc BVĐK Tây Ninh cho biết, các loại máy móc được trang bị đang sử dụng hết công suất.

Hiện tại, bệnh viện tỉnh đang có 4 máy chạy thận nhân tạo do Cộng hòa liên bang Đức sản xuất. Số tiền mua 4 máy chạy thận nhân là hơn 1,8 tỷ đồng. Theo tính toán, sau 10 năm hoạt động, bệnh viện sẽ thu hồi vốn đầu tư.

Về vận hành, 4 máy chạy thận hoạt động ổn định, đảm bảo cho người bệnh được chạy thận liên tục, không gián đoạn, không ảnh hưởng công tác điều trị. Tần suất sử dụng cho 4 máy là 10 lần/ ngày.

Cán bộ, nhân viên y tế được giao vận hành đã sử dụng, bảo quản máy tốt, đúng theo quy định và yêu cầu nghiêm ngặt của nhà sản xuất.

Theo đánh giá, dự án mua máy chạy thận đã phát huy hiệu quả tốt, hạn chế việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn công tác nêu một số vấn đề: vì sao máy được mua từ tháng 9.2015 mà đến tháng 4.2016 mới đưa vào sử dụng; chi phí điều trị, giá cả chạy thận có cao hơn các dịch vụ y tế tư nhân không; có nên trang bị thêm máy chạy thận cho BVĐK không, vì số lượng 4 máy là quá ít so với nhu cầu; nếu mua máy thì nguồn nào để mua, ngân sách hay hợp tác công tư?

Trả lời một số vấn đề nêu trên, lãnh đạo bệnh viện cho biết, qua một số thông tin thì giá cả chạy thận tại đây ngang với cơ sở y tế tư nhân. Còn việc máy chậm đi vào vận hành là do sau khi tiếp nhận còn phải cải tạo phòng ốc, cơ sở vật chất của bệnh viện cũng như một số thủ tục khác.

Để tăng cường thiết bị, lãnh đạo BVĐK Tây Ninh kiến nghị tỉnh nghiên cứu trang bị thêm ít nhất một máy chụp Citi, vì máy hiện có đã cũ, lạc hậu. Lãnh đạo bệnh viện cũng bày tỏ nguyện vọng được bổ sung thêm máy chạy thận để phục vụ bệnh nhân, vì số liệu ghi nhận hiện tại cho thấy số lượng người đăng ký chạy thận ngày càng tăng.

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền, đoàn công tác của Liên hiệp hội làm việc với cơ sở y tế này về tần suất sử dụng xe ôtô cứu thương.

Lãnh đạo Bệnh viện YHCT cho biết, hiện tại bệnh viện chưa có xe cứu thương, chiếc xe mà bệnh viện đang sử dụng là của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh cho mượn.

Cũng tại bệnh viện này, do thiếu giường nên nhiều bệnh nhân điều trị dài ngày đang phải nằm trên ghế bố hoặc những chiếc giường sắt cũ kỹ.

Đ.V.T