Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cả BHXH và Y tế đều đang "có vấn đề" và "áp đặt" nhau
Thứ tư: 05:00 ngày 25/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cả ngành y tế và bảo hiểm đều đang có vấn đề và “áp đặt” nhau dẫn đến người bệnh sẽ chịu khổ.

Buổi đối thoại chính sách BHYT giữa BHXH Việt Nam và Bộ Y tế vừa diễn ra tại Hà Nội khá căng thẳng, cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau.

Trong khi ông Phó Vụ trưởng Vụ trưởng vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế Đặng Hồng Nam đang báo cáo thì Phó TGĐ BHXH Việt Nam ngắt lời: “Đề nghị anh Nam hết sức bình tĩnh và không lộng ngôn. Không phải cái gì anh nói cũng đúng”.

Ông Nam đáp: “Tôi chỉ phát biểu đúng những gì đang xảy ra. Tôi khẳng định tôi không có gì mất bình tĩnh. Giọng tôi hoàn toàn bình thường. Người mất bình tĩnh là Phó TGĐ”.

Đồng thời, ông Đặng Hồng Nam khẳng định, ông chỉ nói ra những điểm bất hợp lý trong cơ chế hoạt động, hợp đồng, thanh toán của BHXH với các cơ sở khám chữa bệnh BHYT cũng như các con số về giám định viên của ngành bảo hiểm.

Cuộc đối thoại thu hút đông người tham gia

Theo đó, ông Nam nêu, trong cáo của BHXH Việt Nam tại công văn 3357 ngày 31/8/2016 đã chỉ rõ, do số lượng, trình độ giám định viên hạn chế, toàn ngành chỉ có khoảng 2.300 giám định viên. Số lượng hồ sơ về khám và cần giám định lại rất lớn, khoảng 150 triệu hồ sơ trong 1 năm. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng việc kiểm soát chi phí khám chữa bệnh vẫn còn 1 số hạn chế.

Dựa trên con số giám định viên và hồ sơ về khám và giám định, ông Nam đưa ra con số bình quân là, 65.000 hồ sơ/năm và 5.000 hồ sơ/tháng cho 1 giám định viên.

Vấn đề mà ông Nam đặt ra: “Giám định viên không những thiếu về số lượng mà còn yếu cả về chất lượng. Có tỉnh chỉ khoảng 50% giám định viên được đào tạo về y dược. Ở đây khẳng định, việc giám định viên từ chối thanh toán là chưa có quy định của các văn bản, chưa đúng quy trình chuyên môn, mang cảm tính cá nhân, áp dụng cứng nhắc quy chế chuyên môn.

"Người không phải ngành y đi giám định hồ sơ ngành y là điều rất bất cập. Chúng tôi học ngành y 6 năm còn không hiểu hết được hồ sơ bệnh án và cần phải thận trọng!" - ông Nam nói.

Ông Nam dẫn chứng, trường giám định viên ngành BHXH và ở Hải Dương: “Bệnh viện chỉ định chụp CT không phát hiện bệnh trên cơ địa người bị liệt, chỉ định tiếp chụp cộng hưởng từ phát hiện nhồi máu não nhưng bảo hiểm đến, không thanh toán dịch vụ chụp CT”.

Ông Nam yêu cầu cơ quan giám định phải được độc lập, giám định viên với việc thực hiện dịch vụ kĩ thuật, giám định hồ sơ bệnh án phải có chứng chỉ hành nghề nếu không sẽ không đảm bảo chính xác. Về lâu dài, giám định viên phải có trình độ y, dược.

BHXH và Y tế đang "áp đặt" nhau

Nói về những bất cập trong cả 2 ngành, bà Nguyễn Thị Minh – Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng đưa ra bài toán lớn nhất mà hiện nay đang là mối quan tâm lớn của xã hội: “Ngành y tế phải đảm đương một trách nhiệm quan trọng đó là đảm bảo sức khỏe con người với nguồn lực hạn hẹp làm sao để đáp ứng nguyện vọng của người dân.

BHXH Việt Nam với một trách nhiệm hết sức nặng nề, nguồn lực thì có ít, làm sao đáp ứng có hiệu quả nhu cầu khám chữa bệnh. Những gì lỗi chúng ta phải sửa nhanh”.

Cũng tại buổi đối thoại, bà Minh cho biết, BHXH cũng sẽ chú ý hơn trong cách dùng từ ngữ và từ "trục lợi quỹ bảo hiểm y tế" sẽ không được sử dụng nữa thay vào đó là "chi phí quá cao về bảo hiểm".

Bà Minh nhấn mạnh: Chúng ta càng quy chuẩn vào các lĩnh vực gì càng dễ dàng giảm phiền hà, khó khăn cho bác sĩ và người bệnh. Các cán bộ bảo hiểm phải nhớ một điều: ngành Bảo hiểm xã hội không có quyền lực gì, không được hướng dẫn sai các quy định đã có. Liên quan đến vấn đề trục lợi quỹ BHXH, bà Minh cũng nói về những bất cập về ngành y tế, trong đó có thông tư 37.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại hội nghị.

Giải thích vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Chúng tôi đang xây dựng, điều chỉnh thông tư 37. Chúng tôi họp từ ngày 23/6 nhưng đến nay vẫn chưa xong. Dự kiến, trong tuần sau, chúng tôi sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về định mức ngày, giường, bàn khám cũng như chứng chỉ chuyên ngành. Sau đó, 2 bên thống nhất để giảm khó khăn cho bệnh viện từ Trung ương đến trạm y tế xã”.

Người đứng đầu ngành y tế cho biết, ở trên cấp Trung ương, hai bên BHXH và Y tế - một bên cung cấp dịch vụ và một bên trả tiền dịch vụ phục vụ cho quyền lợi người bệnh, hợp tác khá tốt, có chăng dưới có “xung đột”, cứ họp thấp hơn chút là thấy có khó khăn. Nhưng mọi vấn đề cũng đang dần được giải quyết.

Bà  mong muốn, 2 ngành bảo hiểm và y tế phải luôn song hành và sống với nhau, rất cần và bổ sung cho nhau.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cả ngành y tế và bảo hiểm đều đang có vấn đề và “áp đặt” nhau dẫn đến người bệnh sẽ chịu khổ. Ông Lợi nói: “Trách nhiệm của chúng ta là vì dân. Tại sao lại để xảy ra tình trạng trên? Hai ngành cần ngồi với nhau để chia sẻ đến tận cùng vấn đề. Chúng ta đừng đổ lỗi cho BHYT và BHXH VN. Mức đóng thấp, mức hưởng cao, không có trần, không mất cân đối mới là lạ”- ông Lợi thẳng thắn nói.

Ông Lợi đề nghị ngành y tế phải sửa ngay các văn bản để thực hiện theo đúng pháp luật, bên cạnh đó là giải quyết xong việc ứng dụng CNTT trong quản lý, chi trả BHYT. Nếu làm được điều này sẽ giảm nhiều nhân lực và công tác quản lý, bảo toàn quỹ.

Nguồn VOV

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục