Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bà Nguyễn Thị Thanh, tiểu thương bán cá tại chân cầu Bến Sỏi chia sẻ: “Lúc này cũng có cá rồi, nếu nguồn nước không bị ô nhiễm thì làm cá đỡ lắm. Hiện nay, cũng có nhiều loại cá hơn so với trước đây, cá trắng vẫn là chủ yếu nhưng có thêm cá linh, cá lăng, cá chạch, cá chốt, cá kèo…”. Thông thường khoảng 6-7 giờ sáng chỗ bà Thanh đã có cá để bán, mỗi ngày có khoảng 50 - 60kg cá ngon, cá mòi có khi vài trăm ký.
Ngư dân đánh bắt thuỷ sản trên sông Vàm Cỏ Ðông.
Sông Vàm Cỏ Ðông bắt nguồn từ biên giới Việt Nam - Campuchia, dài 270km, trong đó đoạn chảy qua tỉnh Tây Ninh khoảng 151km. Không chỉ là đường giao thông thuỷ quan trọng, dòng sông còn cung cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như tưới tiêu, nuôi trồng thuỷ sản và tạo điều kiện cho một bộ phận người dân mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá.
Ðể phát triển kinh tế - xã hội, việc đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá là tất yếu. Tuy nhiên, quá trình đó đã tác động không nhỏ đến môi trường tự nhiên. Trong đó, chất lượng môi trường nước mặt chịu tác động nhiều nhất, do hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, hoạt động sản xuất nông nghiệp, tập quán, thói quen sinh hoạt của người dân xả nước thải ra các kênh, rạch, sông ngòi, khiến chất lượng nguồn nước sông Vàm Cỏ Ðông ngày càng suy giảm và ô nhiễm. Ðiều này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người mà môi trường sống của sinh vật cũng bị tác động.
Một thời tan tác
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), ngoài việc bị tác động tiêu cực từ các hoạt động khai thác cát, sông Vàm Cỏ Ðông còn là nơi tiếp nhận nước thải từ các khu công nghiệp Trảng Bàng, Linh Trung III, Thành Thành Công và 43 nhà máy chế biến khoai mì, 11 nhà máy chế biến cao su, 2 nhà máy chế biến mía đường, 11 trung tâm y tế, bệnh viện và trên 30 cơ sở sản xuất kinh doanh khác trong lưu vực dòng sông với tổng lưu lượng lên đến 116.000 - 118.000m3/ngày đêm. Ngoài ra, mỗi ngày, sông Vàm Cỏ Ðông còn tiếp nhận nước thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi thuỷ sản và trên 15.000m3 nước thải đô thị của các thị trấn và cộng đồng dân cư đang sinh sống ở ven sông.
Tình trạng ô nhiễm của sông Vàm Cỏ Ðông không còn xa lạ với người dân trên địa bàn tỉnh. Ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam (huyện Hoà Thành) trước đây là nơi tập trung nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè ven sông Vàm, nhưng do nước sông ô nhiễm, khiến cá chết dẫn đến việc bị thua lỗ nên nhiều hộ đã giảm quy mô sản xuất, thậm chí phải bỏ nghề. Chị Nga, ngụ ấp Bến Kéo cho biết, trước đây gia đình chị nuôi gần chục bè, gồm các loại cá lóc bông, thác lác cườm, cá tra... số lượng mỗi bè khoảng 7.000 - 8.000 con. Vốn đầu tư nuôi cá bè rất lớn, vừa tiền vốn của gia đình, vừa vay mượn thêm từ ngân hàng, mỗi đợt đầu tư chi phí có khi lên đến cả tỷ đồng, nhưng do sông bị ô nhiễm, cá chết trắng. Lo ngại tình hình ô nhiễm nên hiện chị Nga chỉ còn nuôi 3 - 4 bè cá.
Anh Nguyễn Quốc Bảo là một ngư dân ở ấp Cẩm Bình, xã Cẩm Giang (huyện Gò Dầu), quê gốc ở Ðồng Tháp. Từ nhỏ, anh theo cha đến Tây Ninh sinh sống, lập nghiệp, đến nay đã hơn 20 năm. Anh Bảo cho biết: “Sông Vàm Cỏ trước đây có nhiều loại cá “ngon” lắm như cá phèn, cá xác, cá lăng, cá kết... mỗi đợt đánh bắt cũng được khoảng 20 ký cá ngon và vài chục ký cá vụn, nhưng bây giờ thì không còn nhiều như vậy, các loại cá ngon đánh bắt không còn được như trước mà chủ yếu là cá vụn”. Theo anh Bảo và một số người dân cũng nuôi cá lồng bè tại Cẩm Giang, một phần là do nước sông hay bị ô nhiễm bởi nước xả thải của các nhà máy. Anh Bảo cùng vợ và 2 đứa con sinh sống trên thuyền, nhưng mỗi khi nước sông bị ô nhiễm, phải chuyển lên bờ sống tạm vì hôi không chịu nổi.
Tại ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long (huyện Châu Thành) có một khu vực tập trung các hộ dân làm nghề đánh bắt cá. Thông thường, ngư dân phải đi rất xa để đánh bắt, có khi phải ngược lên tới đầu nguồn hay xuôi xuống Bến Kéo, Gò Dầu. Chị Trần Thị Hồng cho biết, khúc sông bị ô nhiễm là nguồn cá bị đẩy đi, phải mấy tháng sau cá mới về lại nhưng rất ít. Cũng vì lẽ này, dân làm nghề cá tại địa phương phải đi xa hơn để đánh bắt, thông thường khoảng 1 giờ trưa mọi người ở đây khởi hành, đến 8 - 9 giờ sáng hôm sau mới trở về.
CÁ ÐÃ QUAY TRỞ LẠI
Vài năm gần đây, chất lượng nước lưu vực sông Vàm Cỏ Ðông đã được cải thiện. Hàm lượng oxy hoà tan trong nước (DO) dao động từ 0,3 - 3,7mg/lít (giai đoạn 2006 - 2010) đã tăng lên 3 - 4,8mg/lít (giai đoạn 2011 - 2015); nhu cầu oxy hoá học (COD) dao động từ 10 - 35mg/lít (giai đoạn 2006 - 2010) đã giảm xuống còn 10 - 17mg/lít (giai đoạn 2011 - 2015). Các thông số về kim loại nặng và hoá chất bảo vệ thực vật đều không phát hiện thấy trong nước của sông Vàm Cỏ Ðông. Do đó, tình trạng cá tự nhiên bị chết đã giảm dần, một số loài thuỷ sản có giá trị cao như tôm càng xanh, cá lăng… đã phát triển trở lại.
Dù chất lượng nước lưu vực sông Vàm Cỏ Ðông đã được cải thiện, nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra, còn xảy ra tình trạng cá nuôi bè và cá tự nhiên chết ở một số nơi, lục bình phát triển nhiều gây ảnh hưởng giao thông đường thuỷ và đời sống sinh hoạt của các hộ dân sinh sống ven sông.
Nuôi cá thác lác cườm ven sông Vàm Cỏ Ðông tại xã Long Thành Nam (huyện Hoà Thành).
Theo Sở TN&MT, nguyên nhân của tình trạng này một phần do sự tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan làm gia tăng phân huỷ các chất hữu cơ, cùng với lục bình phát triển ở lưu vực sông Vàm làm giảm hàm lượng oxy hoà tan trong nước, nhất là vào mùa khô. Một nguyên nhân khác là do các nguồn thải từ đô thị, khu dân cư tập trung, từ sản xuất nông nghiệp, nuôi thuỷ sản, thuỷ cầm xả vào lưu vực sông chưa được kiểm soát và xử lý triệt để. Một số khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài khu công nghiệp có lúc còn xảy ra sự cố, vận hành hệ thống xử lý không đúng quy trình nên xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường.
Năm 2016, ngành TN&MT tỉnh đã thực hiện chuyên đề “Một số giải pháp cấp bách bảo vệ nguồn nước hệ thống sông Ðồng Nai trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”. Kết quả nghiên cứu của chuyên đề cho thấy, sau khi có sự cải thiện rõ nét trong chất lượng nguồn nước sông giai đoạn 2011-2014, từ năm 2015 lại phát hiện thấy xu hướng chất lượng nguồn nước sông Vàm Cỏ Ðông và sông Sài Gòn bị ô nhiễm và suy giảm trở lại. Cụ thể trong năm 2016 phát hiện thấy các điểm ô nhiễm cục bộ trên sông Vàm Cỏ Ðông và sông Sài Gòn, đồng thời trong tháng 6.2016 xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Vàm. Ðây là điều đáng báo động và phải có các giải pháp thiết thực nhằm khắc phục ô nhiễm và phục hồi, duy trì ổn định chất lượng nước sông.
Hiện nay, ngành TN&MT chưa có kết quả quan trắc của năm 2017 nên chưa có cơ sở để đánh giá chất lượng nước sông. Tuy nhiên, theo một số người dân sống ở khu vực ven sông như xã Thành Long, Thanh Ðiền (Châu Thành); xã Long Thành Nam (Hoà Thành); xã Cẩm Giang (Gò Dầu)... có những điểm thường xuyên chịu tác động nặng nề của việc ô nhiễm trên sông như khu vực cầu Bến Sỏi (xã Thành Long), ấp Bến Kéo (xã Long Thành Nam).
Theo ý kiến đánh giá của người dân, tình hình ô nhiễm nước sông Vàm Cỏ Ðông từ đầu năm 2017 đến nay được cải thiện hơn các năm trước. Một ngư dân ở ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long cho biết: “Tình hình năm nay có đỡ hơn, vì nước thải ít hơn, tuy sông có bị ô nhiễm nhưng không nặng bằng những năm trước.
Bà Nguyễn Thị Thanh, tiểu thương bán cá tại chân cầu Bến Sỏi, là người gắn bó lâu năm với bà con làm nghề cá. Bà Thanh cho biết, mỗi khi ngư dân đánh bắt về sẽ có thương lái đến tận nơi thu mua rồi bán lại cho bà. Những loại cá ngon bà giữ lại để bán, cá dở bán cho các hộ nuôi cá thác lác cườm ở ven sông để làm thức ăn cho cá. Bà cho biết, khoảng một năm nay, tình hình nước sông tốt hơn. Bà Thanh chia sẻ: “Lúc này cũng có cá rồi, nếu nguồn nước không bị ô nhiễm thì làm cá đỡ lắm. Hiện nay, cũng có nhiều loại cá hơn so với trước đây, cá trắng vẫn là chủ yếu nhưng có thêm cá linh, cá lăng, cá chạch, cá chốt, cá kèo…”. Thông thường khoảng 6-7 giờ sáng chỗ bà Thanh đã có cá để bán, mỗi ngày có khoảng 50 - 60kg cá ngon, cá mòi có khi vài trăm ký.
Chị Võ Ngọc Nga- ngụ ấp Bến Kéo, xã Long Thành Nam cũng vui mừng cho biết, năm nay tình hình nước sông có đỡ hơn, bớt nước xả thải, nếu như nguồn nước tốt lên, có thể gia đình chị vẫn tiếp tục bám nghề. Hầu hết người dân đều bày tỏ nguyện vọng mong muốn chất lượng nguồn nước sông Vàm Cỏ Ðông được cải thiện để từ đó, đời sống sinh hoạt và kinh tế của họ có thể ổn định hơn, có điều kiện để phát triển kinh tế.
TẬP TRUNG BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC
Theo Sở TN&MT, để hạn chế những tác động tiêu cực đến nguồn nước sông Vàm Cỏ Ðông, và thực hiện Quyết định số 187 của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Ðồng Nai đến năm 2020, bảo vệ nguồn nước đạt tiêu chuẩn loại A để phục vụ cấp nước sinh hoạt, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện với mục tiêu: từng bước ngăn ngừa mức độ gia tăng ô nhiễm nguồn nước sông Vàm Cỏ Ðông; phối hợp với các tỉnh, thành phố trong lưu vực thực hiện cân bằng nguồn nước nhằm phục vụ an toàn cho việc cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu nông nghiệp, các nhu cầu phát triển KT-XH bền vững và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên của sông Vàm Cỏ Ðông, hồ Dầu Tiếng; khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm cân bằng sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học.
Trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung thực hiện các giải pháp như tuyên truyền giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ nguồn nước nói riêng.
Vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống, làm việc, sản xuất, chăn nuôi trên các lưu vực sông, hồ Dầu Tiếng thường xuyên giám sát, phát hiện các nguồn xả nước thải gây ô nhiễm nguồn nước, thông báo đến Sở TN&MT để có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường: và có cơ chế khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích trong bảo vệ môi trường.
Tiếp tục kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thường xuyên phối hợp với các ngành, các cấp và Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất và chuyên đề để sớm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về xả nước thải gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước thuộc lưu vực sông Vàm Cỏ Ðông, sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng.
Kiểm soát và xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của thành phố Tây Ninh và một số thị trấn đông dân cư xả nước thải ra sông. Tích cực hợp tác, phối hợp với một số tỉnh giáp biên giới của Campuchia trong việc bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Vàm Cỏ Ðông…
GIANG HÀ